Bà bầu uống chanh dây – 9 lợi ích ‘vàng’ tốt cho mẹ và thai nhi

(VOH) – Chanh dây có vị chua nhẹ và ngọt mát, không chua gắt như trái chanh ta nên ai cũng yêu thích, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tuy nhiên trong thai kì bà bầu uống chanh dây được không?

Chỉ cần một hoặc hai trái chanh dây cũng đủ để pha một ly nước giải khát và cải thiện sức khỏe hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu cầu kì hơn, có thể lọc bỏ phần hạt và sử dụng nước chanh dây làm gia vị nêm nếm cho khá nhiều món ăn thơm ngon. 

Mặc dù chanh dây có rất nhiều công dụng hữu ích nhưng trước khi thêm vào thực đơn ăn uống, bà bầu vẫn nên tìm hiểu kĩ lượng những lưu ý quan trọng dưới đây. 

1. Bà bầu uống chanh dây được không?

Chanh dây được đánh giá là loại trái cây lành mạnh, thơm dịu và bổ sung dồi dào các hoạt chất chống oxy hóa. Chính vì lý do đó, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng, vào giai đoạn dưỡng thai, các mẹ bầu hoàn toàn có thể uống nước chanh dây, song cần cân bằng liều lượng để không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. 

ba-bau-uong-chanh-day-9-loi-ich-vang-tot-cho-me-va-thai-nhi-voh-0
Mẹ bầu hoàn toàn có thể uống nước chanh dây với liều lượng hợp lý, khoa học (Nguồn: Internet) 

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu uống chanh dây

Bên cạnh việc uống đủ nước mỗi ngày, mẹ bầu có thể uống thêm nước chanh dây vào các bữa phụ. Dưới đây là một số lợi ích khỏe mà chanh dây đem lại cho mẹ bầu: 

2.1 Cải thiện tiêu hóa

Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng chất xơ hòa tan ở phần thịt và vỏ của chanh dây khá dồi dào. Dưỡng chất này góp phần kích thích sản sinh lợi khuẩn trong đường ruột, hỗ trợ làm mềm phân và ngăn ngừa các vấn đề rối loạn tiêu hóa như đầy bụng khó tiêu, táo bón hoặc ợ hơi, ợ nóng. 

Xem thêm: 'Tạm biệt' chứng ợ nóng khi mang thai chỉ với 5 cách đơn giản

2.2 Giảm ốm nghén

Vốn có vị chua mát, ngọt thơm nên nếu được thưởng thức một ly nước chanh dây, mẹ bầu sẽ cảm thấy thư thái, dễ chịu. Hương vị đặc biệt của thức quả này có thể giúp mẹ vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời kiểm soát sự gia tăng đột ngột của hormone gonadotrophin – tác nhân chính gây buồn nôn, chán ăn. 

2.3 Phòng chống phù nề

Cũng giống như ốm nghén, chứng phù nề xảy ra khá phổ biến ở các chị em phụ nữ đang mang thai. Lúc này, kích thước của thai nhi có thể gây chèn ép tĩnh mạch, ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông máu, dẫn tới sưng phù và tê bì tay chân. 

Do vậy, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bên cạnh việc mẹ bầu vận động đều đặn, cũng nên kết hợp uống thêm các loại nước trái cây như nước chanh dây. Thức uống trái cây này sẽ bổ sung khoáng chất kali, hỗ trợ vận chuyển máu đi nuôi các tế bào trong cơ thể. 

Xem thêm: Đi tìm 'thủ phạm' khiến bà bầu thường xuyên bị tê ngón tay, bàn tay

2.4 Bảo vệ tim mạch

Cùng với đặc tính giúp cải thiện chứng phù nề, hàm lượng lớn kali do chanh dây cung cấp còn có tác động làm giãn mạch máu, cân bằng lưu lượng máu và điều hòa nhịp tim ổn định. 

2.5 Tăng cường hệ miễn dịch

Ở giai đoạn mang thai, việc tăng cường sức đề kháng nằm trong những ưu tiên hàng đầu với các mẹ bầu. Để chủ động cải thiện chức năng của hệ miễn dịch, mẹ có thể pha chế và sử dụng thêm nước chanh dây. 

Thức uống này chứa hàm lượng lớn vitamin C cùng hai nhóm chất chống oxy hóa quan trọng là beta-cryptoxanthin và alpha-carotene, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào cũng như chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.6 Tốt cho mắt

Sức khỏe đôi mắt của mẹ bầu cũng bị ảnh hưởng do những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, mắt có thể mờ đi, thậm chí có thể cận hoặc loạn thị. Vì vậy bà bầu nên duy trì thói quen uống nước chanh dây đều đặn, tiếp nạp thêm vitamin A để bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.

ba-bau-uong-chanh-day-9-loi-ich-vang-tot-cho-me-va-thai-nhi-voh-1
Vitamin A trong chanh dây hỗ trợ cải thiện sức khỏe đôi mắt của bà bầu (Nguồn: Internet) 

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Hàm lượng sắt cùng vitamin C dồi dào trong chanh dây đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành huyết sắc tố hemoglobin. Theo đó, hemoglobin có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu tới các mô và tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa chứng thiếu máu xảy ra. 

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

2.8 Giảm căng thẳng

Trong chanh dây có chứa hoạt chất alkaloid tính kiềm yếu –thành phần chính dùng để điều chế các nhóm thuốc an thần, giảm căng thẳng thần kinh. Chính vì vậy, nước chanh dây không chỉ ngọt thơm dễ uống mà còn có thể giúp mẹ bầu vượt qua những lo lắng và mệt mỏi ở giai đoạn này. 

2.9 Làm mờ vết rạn

Vết rạn xuất hiện ở các vùng da bụng, bắp chân hoặc đùi của bà bầu phần lớn do cân nặng cơ thể tăng nhanh hơn so với mức độ co giãn của da, dẫn tới phá vỡ lớp đàn hồi ở lớp mô dưới da. Tuy nhiên mẹ bầu không cần quá lo lắng, dưỡng chất vitamin A và linolenic Acid từ chanh dây sẽ cung cấp độ ẩm cho da, xóa mờ các vết rạn nhanh chóng sau thời gian sinh em bé. 

Xem thêm: 3 cách trị rạn da sau sinh hiệu quả, trả lại làn da phẳng mịn cho mẹ tự tin

3. Lưu ý cần biết để bà bầu uống chanh dây đúng cách

Chanh dây là một thức quả mẹ bầu có thể yên tâm thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé, cần thực hiện một số lưu ý sau: 

  • Không uống quá nhiều nước chanh dây, mỗi ngày chỉ sử dụng tối đa 3 trái để pha chế nước. 
  • Nên uống nước chanh dây sau bữa ăn từ 1 – 2 tiếng, tránh uống khi đói bụng hoặc trước khi đi ngủ. 
  • Hạn chế dùng nước chanh dây đã để qua đêm, nên uống hết ngay sau khi pha chế. 
  • Nếu nhận thấy có bất cứ dấu hiệu dị ứng nào thì nên tạm ngưng sử dụng. 

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp ích cho bà bầu trong việc lựa chọn các thức quả để bồi bổ dưỡng thai, đặc biệt là cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng trái chanh dây.