Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nguyên nhân khiến bé không chịu bú bình và cách giải quyết

(VOH) – Khi bé đã quen với việc bú mẹ, việc tập bú bình cho bé sẽ là một thử thách không hề nhỏ cho rất nhiều bà mẹ. Vậy mẹ cần phải làm gì khi bé không chịu bú bình?

Sau khi sinh, sữa mẹ chính là nguồn thức ăn chính của trẻ. Khi bé lớn hơn một chú, mẹ phải đi làm trở lại nên mẹ bắt buộc phải tập cho bé bú bình để giúp con có thể cao lớn, khỏe mạnh. Thế nhưng, không phải bé nào cũng yêu thích việc ti bình sữa như ti mẹ.

1. Tại sao bé không chịu bú bình?

Có rất nhiều lý do khiến bé không chịu bú bình, chẳng hạn như:

1.1 Trẻ không thích sữa ngoài

Nếu lý do từ sữa, có thể do nhiệt độ sữa bình khác sữa mẹ nên bé chưa quen. Một số trẻ thích sữa ấm, một số bé lại thích sữa ở nhiệt độ phòng. Vì thế, nếu bé không chịu bú bình mẹ hãy thử thay đổi nhiệt độ sữa để xem phản ứng trẻ như thế nào.

nguyen-nhan-khien-be-khong-chiu-bu-binh-va-cach-giai-quyet-voh

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không chịu bú bình (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, do bé quen với vị sữa mẹ nên chưa quen với sữa công thức. Vì thế thời gian đầu mẹ có thể vắt sữa mẹ cho vào bình để bé ti, sau đó dần dần thay thế bằng sữa công thức. Khi sử dụng sữa công thức mẹ cũng nên uống thử một chút để kiểm tra sữa trước khi cho trẻ bú, bởi đôi khi sữa có thể có vấn đề (hết hạn, nhiễm mùi...)

1.2 Núm vú bình sữa khó bú

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến mà mẹ nên xem xét. Nhiều bé không chịu bú bình vì nhận thấy núm vú của bình cứng trong khi ti mẹ thì mềm mại, dễ chịu hơn.

Ngoài ra, nếu núm vú bình sữa có lỗ nhỏ, sữa ra rất nhỏ giọt cũng gây khó khăn, khiến cho bé không ti sữa được nhiều. Lâu ngày, bé sẽ thấy chán nản, khó chịu và không thích bú bình nữa.

Để cải thiện vấn đề này, mẹ có thể chọn bình sữa núm vú có lỗ to hơn hoặc dùng kim tiệt trùng đâm lỗ núm vú to hơn để giúp bé yêu dễ bú hơn.

1.3 Do bé mọc răng

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Phần lớn các bé đến giai đoạn mọc răng thường có phản ứng “chống đối” với việc bú bình sữa. Lúc này, trẻ chỉ thích cắn chặt răng vào núm vú của bình sữa chứ không chịu mút sữa.

2. Trẻ không chịu bú bình phải làm sao?

Theo kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình của nhiều mẹ thì lúc đầu sẽ rất khó khăn. Bé có thể không chịu bú bình hoặc bú được một lượng sữa rất ít, nhưng các mẹ không cần quá lo lắng. Hãy kiên trì, vì trẻ cần thời gian để quên vú mẹ và làm quen, thích nghi với núm vú của bình sữa.

nguyen-nhan-khien-be-khong-chiu-bu-binh-va-cach-giai-quyet1-voh

Mẹ cần có sự kiên nhẫn trong việc tập cho bé bú bình (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể áp dụng nhiều cách tập cho bé bú bình khác nhau, dưới đây là 4 cách đơn để tập cho trẻ bú bình mà mẹ có thể tham khảo:

2.1 Tập trẻ bú bình khi đi dạo

Đôi khi chính vì phân tâm với những khung cảnh xung quanh nên bé sẽ không cảm thấy khác lạ khi dùng bình sữa và sẽ bú như bình thường. Ngoài ra, việc đưa bé đi dạo sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái hơn, từ đó giúp cho việc ăn uống của trẻ cũng dễ dàng hơn.

Để thực hiện cách này, mẹ cần một chiếc địu trẻ sơ sinh hoặc xe đẩy để trẻ ngồi thẳng, mặt hướng về phía trước. Khi bé thoải mái, vui vẻ hãy đặt chiếc bình sữa vào trong miệng bé, dùng tay vỗ nhẹ ở bụng và hông, giống như đang “nịnh” con nhỏ bú sữa.

Không khí trong lành, mát mẻ sẽ khiến bé không nghĩ đến chuyện ăn uống và sẽ bú bình một cách vô thức. Nếu bé không thích và khóc, mẹ hãy đợi một lát hãy thử lại lần nữa. Trong lúc đó, mẹ vẫn trò chuyện và tiếp tục đi dạo với con yêu.

2.2 Cho bú khi đang buồn ngủ hoặc hơi đói

Một trong những cách tập bú bình cho bé là nên thực hiện khi trẻ đang đói, đang buồn ngủ, mắt lơ mơ... bởi khi đó, phản xạ bú mút của trẻ lên cao nên bé sẽ bú bình một cách không ý thức.

Để làm cách này, mẹ hãy cho bé bú mẹ như bình thường. Khi bé ngừng lại một chút thì mẹ nhanh chóng đặt bình sữa vào miệng bé. Nếu bé chịu bú bình bé sẽ bú hết cả bình sữa. Nếu không chịu, mẹ hãy cho trẻ bú mẹ lại, vỗ về, hát ru, đung đưa một chút. Con yêu sẽ dịu lại và chịu bú bình nhanh chóng.

2.3 Mẹ không phải là người cho bé ti bình sữa

Quá quen hơi mẹ và mùi sữa mẹ cũng sẽ làm bé không chịu bú bình. Vì thế, để tập con bú bình, mẹ có thể nhờ chồng hoặc bà của bé cho bé bú, đồng thời mẹ cũng không nên “lảng vảng” trước mặt con vì nếu bé thấy mẹ sẽ không chịu bú bình nữa.

2.4 Thay đổi giữa núm vú giả và bình sữa

Cách này thường dành cho những em bé thích ngậm ti giả. Ti giả cũng là một mẹo giúp trẻ ngừng khóc và la hét được nhiều mẹ áp dụng.

Dựa vào thói quen này, mẹ có thể tập bé bú bình bằng cách khi đến giờ bú sữa hoặc bé đòi bú, hãy cho bé ngậm ti giả khoảng 30 giây. Sau đó lấy ti giả ra, nhanh chóng đưa bình sữa vào miệng bé. Hầu hết các bé sẽ không cảm nhận được sự thay đổi và bú sữa như bình thường.

Nhìn chung, việc bé không chịu bú bình là vấn đề khá phổ biến nhưng không quá nghiêm trọng. Vì thế, các mẹ đừng quá lo lắng mà nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, áp dụng các cách nhỏ trên đây để giúp thiên thần nhỏ nhanh chóng thích nghi và hứng thú hơn với việc bú bình.

Bình luận