Vì vậy, việc dạy trẻ biết yêu thương bản thân từ khi còn nhỏ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
Lòng tự trọng là cách trẻ nhìn nhận về bản thân bao gồm những gì trẻ nghĩ về chính mình và khả năng học tập cũng như làm việc của trẻ.
Lòng tự trọng được hình thành bởi mức độ trẻ cảm thấy được yêu thương và mức độ hỗ trợ, động viên hay những lời chỉ trích mà trẻ nhận được từ những người quan trọng trong cuộc sống.
Tại sao cần phải dạy trẻ biết yêu thương bản thân?
Dạy trẻ yêu bản thân không phải là khiến trẻ chỉ biết hưởng thụ sớm, chăm chăm nghĩ đến mình mà vô cảm với người khác. Yêu bản thân cũng không có nghĩa là không yêu gia đình, càng không có nghĩa là ích kỷ.
Khi yêu bản thân mình, trẻ sẽ nỗ lực để xây dựng cuộc sống của mình một cách tốt đẹp hơn bằng cách xây dựng cộng đồng xung quanh tốt đẹp lên.
Người ích kỷ sẵn sàng vứt rác ra đường vì tiện thể. Còn người yêu bản thân mình sẽ làm sạch môi trường xung quanh họ vì họ không muốn hít thở trong bầu không khí vấy bẩn.
Người ích kỷ lấy lợi ích ngắn hạn làm mục tiêu còn người yêu bản thân mình lấy lợi ích lâu dài làm đích đến và chia sẻ lợi ích đó với những người xung quanh.
Bằng những cách nào đó, người lớn cần dạy trẻ phải yêu bản thân, để biết trân trọng giá trị của sự sống. Bởi trẻ có biết yêu bản thân mới biết sống có trách nhiệm. Trẻ sẽ lấy đó làm nền tảng để sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người xung quanh và với xã hội.
Một người không yêu bản thân, thì liệu có thể yêu được cha mẹ, anh chị em, người thân của mình, yêu thương những người khác ở ngoài xã hội?
Tuy nhiên, phải hiểu rằng, yêu bản thân hoàn toàn khác với ích kỷ. Trong khi ích kỷ là lối sống chỉ biết đến mình, vì mình, kể cả khi có phải chà đạp lên quyền lợi của người khác.
Yêu bản thân, phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với những người xung quanh. Thực tế, đó là cách sống vì mình và vì mọi người.
Các cách dạy trẻ biết yêu thương bản thân
Lòng tự trọng lành mạnh là đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển ở trẻ. Khả năng nhìn nhận về bản thân và lòng tự trọng đóng vai trò quan trọng khi trẻ xử lý những thử thách, áp lực từ cuộc sống.
Dưới đây là các cách dạy trẻ yêu thương bản thân.
Cho trẻ biết bản thân là quá đủ
Trẻ có thể sinh ra với cơ thể lành lặn hoặc không, có thể có làn da trắng, chiếc mũi, đôi mắt bé hay đôi môi mỏng... Tất cả đều được chấp nhận bởi trẻ là duy nhất trên cuộc đời. Hơn nữa, trẻ luôn được chào đón và yêu thương dù thế nào đi nữa.
Rất nhiều trẻ tự ti hay mặc cảm về ngoại hình của mình khi lớn lên. Những đứa trẻ như vậy sẽ không bao giờ có cảm giác hài lòng về ngoại hình của bản thân mà tìm mọi cách để chỉnh sửa chúng.
Dù có cố gắng bao nhiêu thì cảm giác tự ti cũng sẽ không bao giờ mất đi bởi trẻ không có tình yêu với bản thân mình, không hài lòng và biết ơn với cơ thể mà mình đang có.
Vì vậy, điều mà cha mẹ cần làm ngay từ khi trẻ sinh ra là chấp nhận và yêu thương mọi ưu và khuyết điểm trên cơ thể trẻ. Không so sánh trẻ với bất kỳ ai bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng và khiến trẻ hình thành cái nhìn không tốt về bản thân.
Cho trẻ cảm giác chủ động
Cha mẹ hãy để trẻ có thể tự lựa chọn quần áo, giày dép trẻ mặc đi học, hay đi chơi. Điều này không những giúp trẻ có được cảm giác mình có thể chủ động và kiểm soát được mọi thứ.
Khi trẻ còn nhỏ cha mẹ để trẻ lựa chọn những hoạt động mà trẻ thích làm, xếp hình, chơi búp bê, hay đọc sách... nó là những hoạt động bổ ích cho trẻ giúp phát triển trí não, khả năng tư duy, nhanh nhạy của trẻ.
Thể hiện tình yêu thương với trẻ mỗi ngày
Khi trẻ biết được cha mẹ yêu thương họ như thế nào sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và thân thuộc. Tình yêu vô điều kiện của cha mẹ đặt nền tảng cho tất cả các mối quan hệ lành mạnh và bền chặt mà trẻ sẽ hình thành sau này trong cuộc đời.
Ngôn từ có sức mạnh to lớn chẳng thua kém hành động. Mỗi lời nói tốt đẹp hàng ngày như giọt nước mát lành tưới tẩm tâm hồn trẻ. Nếu trẻ lớn lên biết cách trân trọng và yêu thương bản thân mình thì là vì lúc nhỏ, cha mẹ đã yêu thương và tôn trọng trẻ từ lời nói và những hành động nhỏ nhất.
Ngoài ra, hãy dành thời gian chất lượng cho trẻ mỗi ngày. Có thể là những cái ôm, đọc sách, cùng nhau ăn một bữa cơm, cùng nhau trò chuyện. Khi trẻ lớn lên, nền tảng của tình yêu thương này sẽ giúp ích cho trẻ tiếp tục xây dựng các mối quan hệ xã hội khác.
Khuyến khích trẻ làm những điều mới mẻ và chấp nhận rủi ro
Cha mẹ hãy giúp trẻ có những trải nghiệm trong cuộc sống. Giúp trẻ gạt bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, đừng ngại cho trẻ biết chấp nhận thất bại.
Những hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ cảm thấy yêu đời và yêu thiên nhiên hơn. Với tất cả những gì trẻ có được, cùng với sự vun đắp, dạy dỗ kiên trì của cha mẹ, trẻ sẽ thấy tâm hồn mình đầy ắp yêu thương. Trẻ sẽ tự tin vươn tới thành công và hạnh phúc, biết yêu quý, nâng niu, trân trọng mình.
Xây dựng tính cách độc lập cho trẻ
Những năm tiểu học là khoảng thời gian phát triển nhanh chóng tính độc lập ở trẻ. Cha mẹ nên cho phép trẻ ngày càng phát triển độc lập, tự chủ nhiều hơn.
Hãy để trẻ tự tìm cách nói chuyện với giáo viên về các vấn đề học tập, hoàn thành bài tập về nhà, chuẩn bị đồng phục đi học, sắp xếp đồ dùng học tập trước khi đến lớp...
Dạy trẻ làm chủ cảm xúc
Cảm xúc của trẻ rất quan trọng. Nó không những ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động của trẻ mà nó còn có thể thúc đẩy trẻ làm cả điều tốt lẫn điều xấu.
Khi trẻ giận dữ hay khóc nhè cha mẹ thường cố dạy trẻ phải đè nén cảm xúc của bản thân như: “Sao con lại giận dữ như vậy?”, “thôi nín khóc đi, không nhè là cha mẹ không yêu đâu...”. Bằng cách đó, cha mẹ dạy trẻ cách chối bỏ những cảm xúc hàng ngày, điều này sẽ khiến trẻ trở lên chai sạn, không sống thật với cảm xúc của mình.
Để việc này không xảy ra, cha mẹ luôn cần dạy trẻ về cảm xúc. Khi được sống thật với các cảm xúc của mình, khi trẻ buồn hãy nói với trẻ: “Không sao, ai mà chẳng có những lúc buồn cơ chứ, con cứ khóc đi”.
Dần dần, trẻ sẽ học được cách cảm thông, chia sẻ với người khác và luôn cảm thấy thoải mái với bản thân. Đây chính là nền tảng cho một trí tuệ cảm xúc tốt, là chìa khóa để được hạnh phúc.
Tình yêu thương của cha mẹ dành cho trẻ không bao giờ là đủ nhưng cách yêu thương thế nào là do chúng ta chọn. Bạn không bao giờ chắc chắn rằng mình có thể dạy cho trẻ trở thành người giỏi nhất nhưng hãy giúp trẻ có đủ tự tin theo đuổi ước mơ của mình bằng việc tin tưởng ở trẻ.