Biếng ăn là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ và cũng là nỗi vất vả của rất nhiều các bậc cha mẹ. Vây chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ xuất phát từ đâu và có thể gây ra những ảnh hưởng gì? Hiểu rõ được nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ có hướng giải quyết thích hợp.
1. Thế nào được gọi là trẻ biếng ăn?
Biếng ăn ở trẻ em được hiểu là dạng rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 – 6 tuổi. Đây là tình trạng trẻ ăn ít hơn bình thường, trẻ ngậm thức ăn trong miệng rất lâu, tình trạng kéo dài dẫn đến thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần cung cấp cho cơ thể.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, trẻ biếng ăn và trẻ kén ăn là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Kén ăn là tình trạng trẻ vẫn ăn uống bình thường và chỉ từ chối một số loại thức ăn nhất định. Trong khi biếng ăn là tình trạng trẻ ăn ít thậm chí không chịu ăn đối với tất cả các loại thức ăn.
2. Tại sao trẻ biếng ăn ?
Bác sĩ Phượng cho biết, nguyên nhân trẻ biếng ăn có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý và bệnh lý.
2.1 Trẻ biếng ăn tâm lý
- Do thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ.
- Thức ăn ở mỗi bữa ăn không có sự đa dạng.
- Biếng ăn có thể do trẻ bị tâm lý lo sợ bị la mắng.
- Sự thay đổi về môi trường sống cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn.
Trẻ biếng ăn có thể do yếu tố tâm lý hoặc do bệnh lý gây ra (Nguồn: Internet)
2.2 Trẻ biếng ăn do bệnh lý
Đối với những trẻ bị biếng ăn do bệnh lý thì được chia thành 2 nhóm là: bệnh lý cấp tính và bệnh lý mãn tính.
- Trẻ biếng ăn do bệnh lý cấp tính đến từ một số nguyên nhân như trẻ đang trong giai đoạn mọc răng, trẻ bị nghẹt mũi, trẻ bị viêm tai giữa, trẻ bị tiêu chảy hay táo bón…Ngoài ra, việc dùng kháng sinh cũng có thể gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em.
- Trẻ biếng ăn do bệnh lý mãn tính như bị dị tật bẩm sinh ở tim, các bệnh lý ở tuyến giáp như suy tuyến giáp, trẻ bị dị ứng sữa công thức, …
3. Một số sai lầm từ cách chăm sóc của cha mẹ
Tình trạng trẻ biếng ăn chậm tăng cân không chỉ xuất phát từ chính bản thân trẻ mà một phần đến từ cách chăm sóc của cha mẹ. Một số sai lầm cha mẹ thường hay mắc phải chính là:
- Cho trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn chính.
- Khoảng cách giữa các bữa ăn không hợp lý.
- Giờ ăn không cố định.
- Ép trẻ ăn quá nhiều trong bữa ăn.
3.1 Những hệ lụy khi tình trạng biếng ăn kéo dài
Khi tình trạng biếng ăn ở trẻ không được quan tâm và khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến việc trẻ bị chậm tăng cân, bởi cơ thể trẻ đang bị thiếu một số vitamin A, D… và các khoáng chất như canxi, sắt… Tình trạng này nếu kéo dài có thể khiến trẻ không thể phát triển về chiều cao.
Về lâu dài, những trẻ biếng ăn sẽ bị giảm hệ thống miễn dịch từ đó dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn… hậu quả sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển về trí não của bé.
Ngoài ra, với những trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng thì khả năng giao tiếp, học hỏi cũng sẽ bị giảm so với các bạn cùng trang lứa.
4. Cách khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ
Theo bác sĩ Phượng, tình trạng trẻ biếng ăn có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra và tùy vào từng nguyên nhân cụ thể sẽ có những cách giải quyết khác nhau.
4.1 Do bệnh lý
Đối với những trường hợp trẻ biếng ăn do bệnh lý cấp tính thì việc điều trị tương đối dễ dàng bởi chỉ cần điều trị được nguyên nhân là có thể giải quyết được việc trẻ biếng ăn. Ngoài ra, khi trẻ bị biếng ăn do các bệnh lý mãn tính thì việc điều trị cần được thực hiện tại bệnh viện trong thời gian dài.
4.2 Do tâm lý
Những trường hợp được cho là gây nhiều khó khăn trong việc điều trị chứng biếng ăn ở trẻ đến từ nguyên nhân tâm lý. Để khắc phục tình trạng này cha mẹ cần có sự kiên nhẫn và thời gian để có thể điều chỉnh lại tâm lý của trẻ.
Tùy vào từng nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn sẽ có những cách khắc phục khác nhau (Nguồn: Internet)
Nếu trẻ biếng ăn do tâm lý thì cha mẹ nên lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Cần đa dạng chế độ ăn cho trẻ mỗi ngày.
- Thức ăn phải theo đúng khẩu vị của trẻ.
- Có thể xen kẽ thêm một số loại thức mới vào để kích thích niềm hứng thú ăn của trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn ngọt trước bữa ăn chính khoảng 1 giờ.
- Cần tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn của trẻ để trẻ không bị căng thẳng, áp lực trong việc ăn uống.
- Cho trẻ vận động ngoài trời mỗi ngày khoảng 30 phút.
- Cha mẹ có thể bổ sung thêm cho trẻ bằng các loại men tiêu hóa để giúp kích thích tiêu hóa và làm trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Tẩy giun 6 tháng/lần để đường tiêu hóa trẻ không bị nhiễm ký sinh trùng.
5. Một số lưu ý dành cho các mẹ trong giai đoạn cho con bú
Một vài trường hợp các mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nhưng bé đột nhiên không muốn bú mẹ nữa thì nguyên nhân dẫn đến việc này có thể là do:
- Mẹ đã ăn một số loại thức ăn có mùi vị lạ làm cho mùi vị sữa bị thay đổi.
- Mẹ có uống một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến sữa.
- Một số chị em có thói quen cho con bú khi vừa tập thể dục xong. Tuy nhiên, việc tập thể dục sẽ làm tích tụ một số axit lactic và chính loại axit này sẽ làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ.
- Việc bôi kem dưỡng ẩm lên ngực cũng có thể làm đổi mùi vị sẽ và khiến cho trẻ không thích.
Bác sĩ Phượng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên xem thường tình trạng biếng ăn ở trẻ, bởi 5 năm đầu đời chính là giai đoạn rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Nếu trong giai đoạn này dinh dưỡng cho trẻ không đầy đủ sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của bé về sau.
Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Cam Ngọc Phượng tại audio bên dưới: