Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Mẹ cần nhận biết sớm bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ để giúp con mau khỏi

( VOH ) - Viêm lưỡi bản đồ thường làm xuất hiện vệt trắng loang lổ hay những đốm đỏ trên mặt lưỡi. Căn bệnh có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Vậy viêm lưỡi bản đồ là căn bệnh như thế nào?

Viêm lưỡi bản đồ không phải là căn bệnh hiếm gặp, song có rất nhiều người vẫn chưa hiểu hết về căn bệnh này, đặc biệt là các bậc cha mẹ khi thấy lưỡi bé có những vệt loang lổ thì vô cùng lo lắng.

1. Viễm lưỡi bản đồ là gì ?

Bệnh viêm lưỡi bản đồ (geographic tongue) là tên gọi chỉ tình trạng trên bề mặt của lưỡi và hai bên lưỡi xuất hiện hình thái giống như bản đồ. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác của miệng.

Về cơ bản thì đây là bệnh lành tính, vô hại, không liên quan đến bất kỳ một tình trạng nhiễm trùng hay ung thư nào. Ngoài tên gọi viêm lưỡi bản đồ thì căn bệnh này còn được gọi là viêm lưỡi di chuyển lành tính và ban đỏ di chuyển.

Tuy là bệnh lành tính nhưng nó vẫn có thể trở nên nghiêm trọng thì khi bị nhiễm trùng, nứt lưỡi, gây ra những cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 1 – 3% dân số và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Với trẻ nhỏ, viêm lưỡi bản đồ thường gặp ở những trẻ bị viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, hay do vảy nến. Một số trường hợp những trẻ bình thường cũng có thể mắc bệnh. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 1 - 5 tuổi và thường kéo dài nhiều năm.

Khi trẻ bị viêm lưỡi bản đồ, ở một vùng nào đó trên lưỡi sẽ xuất hiện những mảng viêm như hình bản đồ, bao bọc xung quanh là lớp sừng trắng và dày. Bên trong có những nốt đỏ đậm hơn màu bình thường. Diện tích mảng viêm có thể lan ra khắp lưỡi theo thời gian ủ bệnh.

cach-giup-me-nhan-biet-benh-viem-luoi-ban-do-o-tre-VOH

Bệnh viêm lưỡi bản đồ xuất hiện với hình thái giống như bản đồ (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng nhận biết bệnh viêm lưỡi bản đồ

Bệnh viêm lưỡi bản đồ thường khó được phát hiện hiện vì rất ít những triệu chứng báo trước. Nhưng nếu chú ý kỹ thì người bệnh vẫn có thể phát hiện ra những dấu hiệu của căn bệnh này. Cụ thể:

  • Lưỡi có hình bản đồ bao bọc xung quanh là lớp sừng trắng và dày, bên trong có nốt đỏ đậm hơn màu lưỡi bình thường.
  • Bệnh thường lan theo cơ chế vết cũ khỏi mới xuất hiện vết mới. Và thường không ở những vị trí cố định và bệnh phát triển từ nhẹ đến nặng.
  • Thời gian ủ bệnh kéo dài trong vòng 10 ngày. Bệnh có thể tự lành hẳn trong một thời gian dài.
  • Các mảng tổn thương có hình dạng bất thường, bề mặt mịn, đỏ xuất hiện ở phía trên hoặc hai bên lưỡi của bạn.
  • Thay đổi thường xuyên về vị trí, kích thước và hình dạng của tổn thương.
  • Người bệnh thường bị khó chịu, đau hoặc cảm giác nóng rát trong một số trường hợp, nhất là khi ăn các thức ăn cay hoặc có tính axit.
group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

3. Nguyên nhân nào gây viêm lưỡi bản đồ

Các chuyên gia về sức khỏe cho biết, nguyên nhân gây nên tình trạng viêm lưỡi bản đồ ở người lớn và trẻ em vẫn chưa được biết rõ. Song, một số yếu tố được cho là có liên quan đến các bệnh phổ biến của cơ thể và những vấn đề khác như:

  • Cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các mô tế bào gây nên viêm lưỡi bản đồ.
  • Một số trẻ có xu hướng mắc các bệnh viêm da và niêm mạc cũng có thể là nguyên nhân hình thành bệnh.
  • Thiếu hoặc rối loạn quá trình trao đổi chất và các vitamin nhóm B như vitamin B1, B2, B6, B12.
  • Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như: các dạng viêm gan, hội chứng kém hấp thu, bệnh dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày hoặc tá tràng có cũng thể hình thành nên viêm lưỡi bản đồ ở trẻ nhỏ và người lớn.
  • Viêm lưỡi bản đồ người lớn và trẻ em cũng có thể được hình thành do một số bệnh làm ảnh hưởng đến tuyến tụy như bệnh tiểu đường, khối u tăng trưởng, viêm tụy dạng mãn tính, cấp tính và tái phát.
  • Một số bệnh lý liên quan đến nội tiết như bệnh tuyến giáp, tuyến tụy và tuyến thượng thận.
  • Bệnh tự miễn hay các bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Do nhiễm các loại virus như SARS, vi khuẩn ở khoang miệng…
  • Một số nguyên nhân khác như: Do di truyền, do nhiễm giun (thường ở trẻ em), do tổn thương cơ học bề mặt màng nhầy của lưỡi, do những thay đổi ở răng sữa của trẻ.

cach-giup-me-nhan-biet-benh-viem-luoi-ban-do-o-tre-1-VOH

Trẻ em bị viêm lưỡi bản đồ thường do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

4. Cách điều trị viêm lưỡi bản đồ

Có nhiều lựa chọn trong việc điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ tùy thuộc vào mỗi người và mỗi trường hợp cụ thể. Cách điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Nếu bệnh viêm lưỡi bản đồ xuất hiện do các căn bệnh khác gây ra thì cần phải can thiệp và xử lý căn bệnh đó trước để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, từ đó sẽ giúp việc điều trị bệnh đơn giản và nhanh chóng hơn.

Một số biện pháp khắc phục, điều trị triệu chứng của viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em và người lớn thường được áp dụng:

4.1 Khám khoang miệng

cach-giup-me-nhan-biet-benh-viem-luoi-ban-do-o-tre-2-VOH

Loại bỏ những vấn đề ở khoang miệng sẽ giúp làm giảm sự hình thành bệnh viêm lưỡi bản đồ (Nguồn: Internet)

Nhận biết và điều trị răng sâu, loại bỏ các mảng cao răng, thực hiện vệ sinh toàn diện khoang miệng bằng các biện pháp chuyên dụng, cũng như thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên sẽ giúp làm sự hình thành và phát triển của bệnh viêm lưỡi bản đồ.

4.2 Dùng thuốc và vệ sinh bằng dung dịch kiềm

Để duy trì sự cân bằng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, có thể dùng vitamin tổng hợp.

Đối với trẻ lớn, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh, hãy vệ sinh bằng nước súc miệng có tính kiềm. Khi có các triệu chứng như ngứa, đau, nóng hoặc các triệu chứng khó chịu khác, có thể dùng thuốc giảm đau ở vùng bề mặt niêm mạc bị tổn thương.

4.3 Đưa trẻ đi khám để điều trị viêm lưỡi bản đồ

Nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ ngay từ khi mới phát hiện những triệu chứng có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng bệnh chưa trở nên nghiêm trọng.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp khi bị viêm lưỡi bản đồ

  • Những người thường bị viêm lưỡi bản đồ nên tránh những thức ăn nóng hay có nhiều gia vị, tránh tiếp xúc với những thức uống có cồn.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh tình trạng viêm loét kèm theo.
  • Trường hợp bệnh có tiến triển không tốt, nên tái khám để được chỉ định điều trị phù hợp.
  • Có thể uống bổ sung thêm vitamin B, C.

Viêm lưỡi bản đồ là bệnh lành tính, không đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh nhưng nếu để kéo dài sẽ có nguy cơ bị viêm loét, gây khó chịu. Chính vì thế, khi gặp phải căn bệnh này tốt nhất vẫn nên đi khám bác sĩ để được điều trị sớm.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận