Chờ...

Bật mí mẹ bí quyết cai sữa cho bé thành công

Khi trẻ được 18 – 24 tháng thì mẹ đã có thể bắt đầu cai sữa cho bé, đây là bước chuyển quan trọng trong sự phát triển những năm tháng đầu đời của trẻ. Cùng tham khảo bí quyết giúp trẻ cai sữa nhanh.

Sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên đây không phải là nguồn thức ăn vô tận và đến một độ tuổi nhất định trẻ phải được cai sữa và học cách tiếp cận với những loại thực phẩm khác.

1. Khi nào nên cai sữa cho bé?

Có nhiều mẹ không có thời gian để cho trẻ bú mẹ nhiều vì sau thời gian thai sản sẽ phải quay trở lại với công việc nên thường chọn cách cai sữa cho bé sớm, thường là sau khi trẻ đã bắt đầu biết ăn dặm (khoảng 6 – 7 tháng tuổi).

Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng sau 6 tháng, giá trị dinh dưỡng trong sữa mẹ đã không còn nhiều nên việc cho bé bú cũng không còn tác dụng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa, việc cai sữa cho bé sớm hơn 6 tháng tuổi có thể khiến bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

bat-mi-me-bi-quyet-cai-sua-cho-be-thanh-cong-voh

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời (Nguồn: Internet)

Do đó, tốt nhất các mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sau đó, mẹ nên tập cho bé ăn dặm kèm với việc bú bình cho đến khi bé được 1 tuổi. Đến lúc này, mẹ có thể bắt đầu cai sữa cho bé.

Thế nhưng, theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳTổ chức Y tế Thế giới thì mẹ nên để trẻ bú sữa khoảng 2 năm đầu đời, đồng thời cho trẻ ăn dặm, bổ sung đúng cách, hợp lý từ tháng thứ 6 để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng như: protein, chất béo, các chất miễn dịch khác...

2. Những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cai sữa cho bé

  • Bé đã có thể ngồi thẳng, tự cầm, nắm chơi những đồ vật đơn giản mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn.
  • Bé thích cắn hoặc cho vào miệng những thứ đang cầm, nắm.
  • Dù đã được bú sữa mẹ no nhưng bé vẫn có biểu hiện ‘không hài lòng’.
  • Ngoài ra, nếu mẹ cảm nhận bé không cần bú mẹ nữa và mẹ không muốn cho bé tiếp tục bú sữa thì mẹ cũng có thể tập cho bé cai sữa.

3. Cách cai sữa mẹ cho bé hiệu quả

Để có thể cai sữa cho bé thành công, mẹ có thể tham khảo theo một vài cách làm sau đây:

3.1 Chọn thời điểm thích hợp

Khi thực hiện các cách cai sữa cho bé, mẹ nên lựa chọn những lúc bé đang khỏe mạnh, không bị bệnh, không mọc răng. Thời tiết không quá nóng hoặc đang lúc chuyển mùa.

3.2 Cai sữa từ từ và có kế hoạch

Cai sữa cho bé từ từ sẽ giúp bé không bị cắt sữa mẹ đột ngột gây ra tâm trạng lo lắng và sợ hãi, đồng thời việc áp dụng các biện pháp cai sữa cho bé có kế hoạch cũng làm bớt đau hơn bởi lượng sữa sẽ được giảm dần.

Trong 5 ngày đầu tiên, mẹ nên thay thế một bữa bú mẹ bằng một bữa bú bình. 5 ngày tiếp theo, thay 2 bữa bú mẹ bằng 2 bữa bú bình... Dần dần, mẹ có thể tăng các bữa ăn thay thế và giảm số lần bú mẹ xuống.

Sữa mẹ sẽ cạn dần và bé cũng quen với với thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

3.3 Giải thích với bé

Mặc dù, trẻ còn rất nhỏ và có thể chưa hiểu hết điều mẹ nói nhưng mẹ vẫn nên giải thích cho bé, không nên dùng các biện pháp quá kiên quyết hay dọa nạt. 

Trong quá trình cai sữa cho bé, nếu bé muốn bú mẹ thì mẹ nên chọn cách từ chối khéo léo bằng các trò chơi hoặc sự ôm ấp (nếu mẹ nghĩ bé chưa đói) và có thể cho bé ăn một chút gì đó như sữa tươi, bánh ăn dặm...(nếu mẹ nghĩ bé đói).

4. Một số điều cần lưu ý khi áp dụng cách cai sữa mẹ cho bé

Khi thực hiện việc cai sữa cho bé, mẹ cần phải chú ý một số vấn đề như:

4.1 Đảm bảo dinh dưỡng cho bé

Khi trẻ bú mẹ, có thể an tâm vì bé đang nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Tuy nhiên, khi trẻ bú ngưng bú thì mẹ cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu đang chuẩn bị cai sữa, mẹ nên cho bé uống sữa công thức có bổ sung sắt và không nên cho bé uống sữa bò trước khi bé 1 tuổi.

4.2 Kiên nhẫn

bat-mi-me-bi-quyet-cai-sua-cho-be-thanh-cong-1-voh

Khi cai sữa cho bé mẹ cần phải hết sức kiên nhẫn (Nguồn: Internet)

Cũng giống như việc tập cho trẻ ăn dặm, khi áp dụng các cách cai sữa cho bé mẹ cần phải thật kiên nhẫn, không nên đốt cháy giai đoạn vì có thể khiến bé không chịu hợp tác.

4.3 Hạn chế ma sát

Một trong những việc bạn cần quan tâm khi thực hiện các cách cai sữa cho bé chính là làm giảm lượng sữa tiết ra. Để làm được việc này mẹ hãy hạn chế sự di chuyển khiến núm vú bị ma sát, kích thích việc sản xuất sữa mẹ.

4.4 Nhờ sự giúp đỡ

Hãy nhờ chồng trông giúp bé trong quá trình cai sữa, điều này không chỉ giúp không còn tập trung sự chú ý vào mẹ mà còn làm tăng thêm tình cảm giữa cha và con.

5. Mẹo giảm đau cho mẹ trong quá trình cai sữa cho bé

Có nhiều mẹo để giảm đau cho mẹ trong quá trình cai sữa cho con. Sau đây là một vài cách đơn giản nhất:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Mẹ có thể dùng một chiếc khăn mỏng thấm đá hoặc nước nóng áp vào ngực. Cần thay khăn thường xuyên, vì nhiệt độ của cơ thể có thể làm khăn ấm lên nhanh chóng.
  • Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen: Đây cũng là cách tốt để giảm đau, tuy nhiên bạn không nên áp dụng thường xuyên, vì cách này có thể làm tăng tiết sữa.
  • Vắt bớt sữa: Nếu bạn thực sự cảm thấy đau, có thể dùng tay hoặc dùng máy hút sữa để hút bớt sữa ra. Cần lưu ý, chỉ nên hút một lượng nhỏ vừa đủ để hết đau, không hút nhiều gây trống bầu ngực, khiến sữa sẽ tiếp tục được sản sinh.
  • Sử dụng lá bắp cải: Lá bắp cải có các enzym giúp giảm căng tức ngực và đau đầu ti. Cách làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần lót lá bắp cải vào áo ngực trước khi đi ngủ là được.

Thực tế, việc cai sữa mẹ cho bé hoàn toàn không khó, điều quan trọng là mẹ phải kiên trì thực hiện và phải lựa chọn đúng thời điểm cai sữa cho trẻ sẽ giúp mẹ có được thành quả bất ngờ.