Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách chăm sóc

( VOH ) - Da trẻ sơ sinh sẽ thay đổi theo độ tuổi của bé, một trong những thay đổi này có thể là sự xuất hiện của mụn sữa. Vậy các mẹ đã biết được gì về hiện tượng nổi mụn sữa ở trẻ sơ sinh?

Mụn sữa (mụn kê) là loại mụn thường thấy nhất ở trẻ sơ sinh bởi có khoảng 50% trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có mụn sữa, thường xuất hiện ở cằm, mũi, má hoặc trán của trẻ.

1. Nguyên nhân gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh

Mụn sữa có thể xuất hiện 1 – 2 ngày sau sinh nhưng thường gặp nhất là xuất hiện vài tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, với những em bé sinh non mụn sữa có thể không xuất hiện. Mặc dù không gây đau đớn cho bé hoặc lây nhiễm, nhưng những nốt mụn sữa lại gây cảm giác khó chịu và lo lắng cho các ông bố bà mẹ khi nhìn thấy chúng xuất hiện trên làn da non tơ của bé.

Nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trên mặt trẻ có thể là do trẻ bị phì đại tuyến bã nhờn hay hormone của mẹ kích thích hoạt động của các tuyến bã nhờn chưa phát triển trong người bé khi còn nằm trong bụng mẹ.

mun-sua-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-va-cach-cham-soc-voh

Nổi mụn sữa là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)

Ngoài ra một số yếu tố được cho là tác nhân khiến tình trạng nổi mụn sữa ở trẻ sơ sinh nhiều hơn như:

  • Người mẹ dùng thuốc trong thời gian mang thai hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe phải dùng thuốc, dược tính của thuốc có thể gây tác dụng phụ là mụn sữa.
  • Một số bé nổi mụn sữa là do da bé bị kích khi tiếp xúc với sữa mẹ, nước bọt...
  • Chất tẩy rửa còn sót trên quần áo cũng có thể khiến mụn sữa mọc lên nhiều hơn.
  • Mẹ ăn nhiều đồ nóng cũng là một trong những yếu tố có thể kích thích lên mụn sữa ở trẻ sơ sinh thông qua nguồn sữa mẹ.
  • Một số trẻ sơ sinh uống sữa công thức có chứa protein albumin cao cũng có thể khiến bé bị nổi mụn sữa.

2. Cha mẹ cần làm gì để trị mụn sữa cho trẻ sơ sinh

Hiện tượng nổi mụn sữa ở trẻ sơ sinh xảy ra khá phổ biến. Những đốm mụn nhỏ này có thể bị bao bọc bởi một vùng da hơi tấy đỏ và chúng sẽ càng tấy đỏ hơn khi cơ thể của bé nóng lên hoặc bị kích thích từ yếu tố bên ngoài.

Thông thường, mụn sữa ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Nếu trong vòng 3 tháng mụn vẫn chưa biến mất thì mẹ nên đưa con đi khám da liễu.

mun-sua-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-va-cach-cham-soc-1-voh

Không cần chăm sóc đặc biệt nhưng mụn sữa ở trẻ sơ sinh phải được theo dõi và xử lý đúng cách (Nguồn: Internet)

Trong thời gian chăm sóc tại nhà, tuy không đòi hỏi một lối chăm sóc đặc biệt nhưng tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh vẫn cần được theo dõi và xử lý đúng cách. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho mẹ:

  • Nên giữ cho cơ thể trẻ luôn được khô thoáng.
  • Rửa sạch da bé bằng nước ấm, dùng sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh khi tắm và lau khô người bé sau khi tắm.
  • Chọn quần áo cho trẻ sơ sinh nên chọn loại có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tránh cho trẻ mặc quần áo lông vì dễ gây kích ứng cho da bé.
  • Không nên để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da bé. Nếu muốn tắm nắng cho trẻ sơ sinh mẹ nên chọn khung giờ thích hợp (vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối).
  • Không sử dụng các loại kem, dầu dưỡng ẩm hay các loại thuốc trị mụn để trị mụn sữa trẻ sơ sinh vì rất dễ gây kích ứng và nhiễm trùng da.
  • Mẹ cần chú ý đến các loại thức ăn có thể gây dị ứng ở trẻ em. Khi thấy bé bị mụn sữa mẹ vẫn phải duy trì việc cho con bú sữa mẹ.

Như vậy, cùng với việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa tại nhà thì cha mẹ cũng cần lưu ý đến thời gian ‘tồn tại’ của mụn. Nếu sau 3 tháng mặt của bé vẫn còn mụn sữa mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Tuyệt đối, không được tự ý bôi, thoa các loại thuốc, đắp các loại thảo dược, lá cây theo kiểu dân gian truyền miệng vì rất dễ gây ra những hậu quả khôn lường cho làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh. 

Bình luận