Chăm sóc da trẻ sơ sinh khiến nhiều mẹ cảm thấy hứng thú nhưng đôi khi cũng gây ra không ít căng thẳng, nhất là khi thấy da trẻ sơ sinh bị khô, nứt nẻ, vì không biết bé bị thiếu chất gì hay do bé đã mắc phải căn bệnh nghiêm trọng nào?
1. Tại sao trẻ sơ sinh bị khô da?
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, da của bé được bao phủ một lớp có màu vàng và hơi trơn, đặc giống phô mai, gọi là chất gây (vernix caseosa). Khi trẻ sinh ra đời, lớp bảo vệ này sẽ dần được gột rửa sạch và bong ra, khi lớp da không còn màng bảo vệ sẽ thường bị khô, nẻ, bong tróc khi tiếp xúc với không khí, nước, nhiệt độ, quần áo, khăn bông...
Da trẻ sơ bị khô có khuynh hướng tăng lên vào mùa đông, vì thời điểm này nhiệt độ thường giảm đi và không khí trở nên ít độ ẩm hơn. Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh cũng bị khô da vào mùa hè do bé bị mất cân bằng độ ẩm trên da.
Một số trẻ sơ sinh cũng bị khô da do bị mất cân bằng độ ẩm trên da (Nguồn: Internet)
Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị khô da là do thời tiết thay đổi nhưng cha mẹ lại không biết cách chăm sóc khiến da bé càng khô hơn.
2. Một số biện pháp cải thiện tình trạng da trẻ sơ sinh bị khô
Thông thường, hiện tượng trẻ sơ sinh bị khô da sẽ tự hết, không cần phải điều trị. Nếu da trẻ quá khô, mẹ có thể bôi một chút dầu giữ ẩm hoặc thuốc mỡ loại không mùi thoa lên những vùng da bị khô, giúp bé cải thiện độ ẩm trên da.
Ngoài ra, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện tình trạng da bé sơ sinh bị khô ráp:
2.1 Giảm thời gian tắm
Tắm nhiều là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khô da, bởi khi tắm sẽ làm mất đi chất dầu tự nhiên trên da bé. Do đó, đối với trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên tắm từ 2 – 3 lần/ tuần. Những ngày còn lại, mẹ chỉ cần lau mình cho cho bé sạch sẽ là được.
Bên cạnh đó, đối với da bé sơ sinh bị khô ráp mẹ nên chọn những loại dầu tắm có chứa chất dưỡng ẩm, không có hóa chất gây hại để bảo vệ làn da non nớt của con.
Lưu ý: Khi sử dụng các sản phẩm dưỡng da cho trẻ sơ sinh mẹ cần theo dõi các dấu hiệu xảy ra sau đó. Nếu thấy da trẻ sơ sinh bị khô và mẩn đỏ, bọng nước xuất hiện... thì đây là dấu hiệu của dị ứng, mẹ cần ngưng sử dụng sản phẩm đó ngay.
Ngoài ra, không nên sử dụng dầu tắm gội, dầu massage hay khăn giấy, giấy ướt có chứa mùi thơm. Những sản phẩm như nước hoa, thuốc nhuộm, cồn và các hóa chất khác cũng có nguy cơ gây kích thích mạnh đối với da em bé.
2.2 Không dùng nước quá nóng để tắm cho con
Nước quá nóng có thể làm mất độ ẩm tự nhiên trên da trẻ khiến da trẻ sơ sinh bị khô sần. Với làn da mỏng manh của bé, mẹ nên dùng nước đã đun sôi để nguội pha với nước sôi đủ ấm để tắm cho bé. Hạn chế tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước muối hay nước chứa Clo vì sẽ khiến da bị khô trầm trọng hơn.
Với trẻ sơ sinh mẹ nên dùng nước ấm vừa đủ để tắm cho bé (Nguồn: Internet)
Trong trường hợp mẹ lỡ để da trẻ sơ sinh tiếp xúc với nước muối thì mẹ nên tắm lại cho bé bằng nước tinh khiết, sau đó nhanh chóng bôi kem dưỡng ẩm cho bé.
2.3 Sử dụng máy làm ẩm không khí
Mẹ có thể sử dụng máy làm ẩm để giúp không khí trong nhà đỡ khô hơn, giảm bí bách và ngột ngạt. Ngoài ra, nên để cửa sổ hơi hé mở nếu đang dùng máy lạnh để đảm bảo không khí trong phòng có đủ độ ẩm.
2.4 Cho trẻ bú đủ
Mẹ nên cho bé bú thường xuyên, liên tục theo nhu cầu của trẻ để cơ thể bé được cung cấp đủ chất lỏng cần thiết, từ đó làn da cũng sẽ được nuôi dưỡng tốt hơn.
2.5 Bảo vệ bé khỏi các yếu tố gây hại
Ánh nắng mặt trời, khói bụi, gió hanh... đều là những yếu tố khiến da trẻ bị khô. Chính vì thế, đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi mẹ không để trẻ ở ngoài quá lâu mà không có đồ bảo vệ.
Quần áo quá khô, cứng cũng có thể khiến trẻ khó chịu, bong da. Do đó, mẹ nên chọn những loại vải mềm mại, chất liệu tự nhiên để làm giảm khó chịu cho con.
Vào những ngày lạnh, mẹ nên cho bé đeo bao tay, vớ chân để bảo vệ làn da mỏng manh của con không bị khô, bong tróc, nứt nẻ...
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian thì dầu dừa, dầu oliu, bột yến mạch... đều có tác dụng trị được tình trạng trẻ sơ sinh bị khô da mùa đông, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp dân gian nào trên làn da của trẻ.