Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nghén ngủ khi mang thai: lợi và hại như thế nào?

( VOH ) - Khác với những bà bầu bị buồn nôn, chán ăn,… một số bà bầu lại thường bị nghén ngủ khi mang thai. Vậy nghén ngủ là như thế nào và làm sao để khắc phục việc ngáp liên hồi bất kể ngày đêm?

Phụ nữ khi mang thai thường gặp phải tình trạng ốm nghén. Triệu chứng và mức độ ốm nghén sẽ khác nhau tùy vào cơ địa từng người. Có mẹ sẽ bị nôn ói, có mẹ lại thèm ăn liên tục, có mẹ bị mất ngủ triền miên và đương nhiên cũng sẽ có không ít mẹ lại bị nghén ngủ.

1. Hiện tượng nghén ngủ là gì?

Khác với hiện tượng buồn ngủ thông thường, nghén ngủ ở phụ nữ mang thai diễn ra một cách mạnh mẽ, dường như mỗi ngày mẹ có thể ngủ được cả 24 tiếng và cơn buồn ngủ có thể ập đến bất cứ lúc nào, bất kể ngày hay đêm.

Chứng nghén ngủ diễn ra mạnh mẽ nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Điều này được các bác sĩ lý giải là do khi mang thai cơ thể phụ nữ sản sinh ra nhiều hormone progesterone tác động đến các thụ thể benzodiazepine, sau đó làm kích thích sản xuất các thụ thể GABA. Lúc này progesterone đóng vai trò như chất chủ vận GABA giúp làm dịu não bộ và phục hồi giấc ngủ.

Tuy nhiên, progesterone cũng chính là nguyên nhân làm phá vỡ giấc ngủ của mẹ bầu vào ban đêm. Thêm vào đó, việc thường xuyên cảm thấy mắc tiểu cũng khiến mẹ bầu không ít lần thức giấc để đi vệ sinh. Những điều này làm cơ thể mẹ cảm thấy mệt mỏi và kết quả mẹ bầu sẽ buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày để đáp ứng nhu cầu.

2. Bà bầu nghén ngủ sinh con trai hay gái?

Có thể nói vấn đề về giới tính thai nhi luôn là đề tài được rất nhiều mẹ quan tâm và theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người cho rằng có thể dự đoán được giới tính thai nhi thông qua tư thế ngủ của mẹ. Theo đó, nếu mẹ thích ngủ nghiêng sang bên trái thì có thể là sẽ sinh con trai, còn nằm nghiêng về bên phải thì khả năng cao sẽ là một bé gái.

nghen-ngu-khi-mang-thai-loi-va-hai-nhu-the-nao-voh

Việc mẹ bầu bị nghén ngủ không liên quan đến giới tính thai nhi (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm dân gian và hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc mẹ bầu nghén ngủ hay nằm ngủ nghiêng về bên trái sẽ sinh con trai và ngược lại.

Giới tính thai nhi đã được hình thành ngay tại thời điểm trứng và tinh trùng gặp nhau và mẹ sẽ biết được em bé trong bụng là trai hay gái ở tuần thứ 12 với độ chính xác khoảng 70% và nếu siêu âm thai ở tuần 16 với những bác sĩ giỏi thì độ chính xác sẽ là 100%.

3. Mẹ bầu nghén ngủ có tốt không?

Giấc ngủ rất quan trọng đối với mẹ bầu vì khi bà bầu ngủ đủ giấc trong giai đoạn thai kỳ sẽ giúp hồi phục sức khỏe và dưỡng thai hiệu quả. Vì thế bà bầu cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ trong thời gian mang thai.

Ngoài ra nghén ngủ có 1 điểm tốt chính là giúp mẹ bầu được nghỉ ngơi, do đó sẽ ăn tốt hơn và dễ lên cân. Tuy nhiên, việc ngủ nhiều cũng không tốt bởi nó sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mẹ.

3.1 Ảnh hưởng tinh thần, tâm trạng bà bầu.

Việc ngủ quá nhiều sẽ khiến bà bầu dễ mệt mỏi người, dễ cáu gắt, trí óc không được linh hoạt và kém minh mẫn. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được giải tỏa thì mẹ bầu dễ bị mắc bệnh stress, thường xuyên lo lắng, dễ suy nghĩ tiêu cực khi mang bầu và sau sinh.

nghen-ngu-khi-mang-thai-voh-3
Nghén ngủ nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ bầu

3.2 Nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp

Ngủ nhiều khiến cho cơ thể mẹ thường phải nằm yên một chỗ, việc thiếu vận động dễ dẫn đến tình trạng cứng cơ, xương dễ gãy. Cơ thể mẹ sẽ không còn linh hoạt, tinh thần giảm sút, kém minh mẫn.

3.3 Tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch

Nằm nhiều trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch, khi các khối tĩnh mạch ở chân di chuyển lên đến phổi sẽ dẫn đến thuyên tắc phổi gây thở dốc, khó thở, đau khi thở, ngất xỉu, mất ý thức, tim đập nhanh, môi và các đầu ngón tay bị tím do thiếu oxy.

3.4 Tiểu đường thai kỳ

Lười vận động còn là nguyên nhân làm gia tăng mức đường huyết gây tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, thời gian sinh nở của mẹ sẽ kéo dài hơn và khó khăn hơn do không đủ sức khỏe cũng như sức chịu đựng những cơn đau khi sinh thường.

4. Giúp mẹ khắc phục tình trạng nghén ngủ khi mang thai

Như đã nói, tình trạng nghén ngủ thường xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ và sẽ giảm dần về sau. Việc nghén ngủ thực tế là cách để cơ thể giải quyết nhu cầu tự nhiên, giúp mẹ bầu có thêm nhiều năng lượng để thích ứng với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lại không thích hiện tượng này vì nó làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của mình.

Các bác sĩ sản khoa cho biết, để khắc phục tình trạng nghén ngủ khi mang thai mẹ bầu cần sắp xếp lại chế độ ăn ngủ, làm việc và nghỉ ngơi thật hợp lý, khoa  học. Mẹ có thể ngủ sớm vào buổi tối, tranh thủ ngủ trưa và có nghỉ ngơi thêm vào những giờ rảnh rỗi trong ngày.

Ngoài ra, mẹ bầu cần hạn chế uống nước vào buổi tối để tránh việc mắc tiểu về đêm quá nhiều, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

nghen-ngu-khi-mang-thai-loi-va-hai-nhu-the-nao-1voh

Uống các loại nước như trà gừng, nước chanh muối sẽ giúp mẹ bầu được tỉnh táo hơn (Nguồn: Internet)

Để giúp cơ thể tỉnh táo, mẹ bầu có thể uống các loại nước như trà gừng, nước chanh muối hoặc mẹ mang theo một số đồ ăn vặt dễ ăn cũng rất tốt cho mẹ bầu. Việc vận động cơ miệng sẽ giúp đầu óc mẹ dễ tỉnh táo hơn.

Khi cơn buồn kéo đến khi đang làm việc, mẹ có thể đứng dậy thực hiện vài động tác đơn giản để lấy lại tinh thần.

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là một trong những cách khắc phục tình trạng nghén ngủ bởi cơ thể được cung cấp đủ chất sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, tăng sức khỏe và giảm mệt mỏi cho mẹ bầu.

Đừng quên luyện tập thể dục thể thao với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga để tăng tường sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu có thể, mẹ hãy san sẻ bớt công việc nhà để có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.

5. Mẹ bầu cần chăm chút giấc ngủ của chính mình

Phụ nữ mang thai cần được nghỉ ngơi nhiều, vì vậy nếu có thói quen ngủ ít, ngủ trễ thì ngay khi có thai mẹ cần phải thay đổi ngay. Hãy đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và tạo thói quen đi ngủ sớm. Vào ban ngày, mẹ bầu nên dành ra khoảng từ 30 phút cho giấc ngủ trưa.

Để có được giấc ngủ ngon và sâu mẹ bầu nên giữ tinh thần luôn được thoải mái, vui vẻ, không nên tự tạo áp lực cho chính mình.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khi mang thai cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ chất, bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập bơi, yoga… để cơ thể khỏe mạnh.

Như vậy, những mẹ bầu bị nghén ngủ khi mang thai sẽ có một lợi thế rất lớn về chất lượng giấc ngủ so với mẹ bầu khác, tuy nhiên, mẹ cũng cần xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, mẹ nhé!

Bình luận