Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Siêu âm đầu dò là gì, có gây ảnh hưởng thai nhi?

(VOH) – Khi thực hiện siêu âm đầu dò, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm vào bên trong âm đạo để tiến hành khảo sát cơ quan sinh dục bên trong của phụ nữ. Vậy siêu âm đầu dò có hại không?

Siêu âm đầu dò là kỹ thuật y khoa giúp phụ nữ kiểm tra tình trạng sức khỏe cơ quan sinh sản, giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý bao gồm: u nang buồng trứng, có thai ngoài tử cung...

Siêu âm đầu dò là gì?

Siêu âm đầu dò là loại siêu âm vùng chậu được bác sĩ chuyên khoa thực hiện để thăm khám, chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý ở tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và âm đạo của phụ nữ.

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò siêu âm chuyên dụng, khoảng 2 đến 3 inch vào bên trong ống âm đạo, sử dụng sóng âm tần cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiển thị hình ảnh chuyên sâu, có độ chính xác cao. Tình trạng sức khỏe của các cơ quan bên trong sẽ được xác định, chẩn đoán kịp thời bệnh lý nếu có.

Siêu âm đầu dò có tác dụng gì?

Siêu âm đầu dò trong khám phụ khoa

Siêu âm đầu dò cổ tử cung thường được bác sĩ chỉ định khi cảm thấy có những bất thường trong cơ thể bệnh nhân và muốn kiểm tra chi tiết về tử cung, buồng trứng, vòi trứng, cổ tử cung, ống dẫn trứng,...

Siêu âm đầu dò cũng dùng để đánh giá tình trạng rụng trứng, sự phát triển của trứng cũng như độ dày niêm mạc tử cung.

Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng đều có thể thực hiện siêu âm đầu dò. Tùy vào từng đối tượng khám phụ khoa mà bác sĩ sẽ có quyết định hình thức khám phù hợp. Với những phụ nữ mang thai, siêu âm đầu dò được chỉ định trong giai đoạn sớm, lúc phôi thai vẫn còn nhỏ, việc siêu âm qua thành bụng sẽ không thể hiển thị chính xác hình ảnh thai nhi. Trường hợp chị em đi khám phụ khoa, với những phụ nữ chưa từng có “quan hệ vợ chồng” thường sẽ không được chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo mà thay vào đó là siêu âm ổ bụng, siêu âm đầu dò hậu môn và các xét nghiệm khác.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp không nên dùng siêu âm đầu dò âm đạo, đó là:

  • Trẻ em, trẻ vị thành niên.
  • Người bị dị dạng bộ phận sinh dục.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Bị viêm nhiễm phụ khoa cấp tính.

sieu-am-dau-do-la-gi-co-gay-anh-huong-thai-nhi-voh

Siêu âm đầu dò là kỹ thuật y khoa giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe cơ quan sinh sản ở phụ nữ (Nguồn: Internet)

Siêu âm đầu dò ở phụ nữ mang thai

Siêu âm đầu dò thường được chỉ định thực hiện ở một số phụ nữ nghi ngờ có thai nhưng siêu âm ổ bụng không hiển thị hình ảnh phôi thai.

Với phụ nữ mang thai giai đoạn đầu, siêu âm thai bằng đầu dò sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác của thai nhi và có kết luận về tình trạng phát triển của thai nhi.

Siêu âm đầu dò khi mang thai cũng là phương pháp rất hữu hiệu trong việc phát hiện sớm hiện tượng thai ngoài tử cung. Tình trạng này nếu không được phát hiện kịp thời và xử lý hợp lý sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ vỡ ống dẫn trứng, nhiễm trùng ổ bụng,... nguy hiểm tới tính mạng thai phụ. 

Vào thời điểm tuần thai thứ 6 đến thứ 8, khi thực hiện siêu âm đầu dò còn có tác dụng theo dõi và đánh giá nhịp tim thai nhi, giúp theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi.

Trong một số trường hợp bác sĩ vẫn có thể yêu cầu thai phụ siêu âm đầu dò ngay cả khi thai nhi đã lớn. Cụ thể, nếu trường hợp thai lớn, đầu thai quay xuống dưới, nhau bám mặt sau,... che khuất sóng âm khiến bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo thì cần phải siêu âm đầu dò để xác định vị trí bánh nhau.

Siêu âm đầu dò có hại cho thai nhi không?

Có rất nhiều mẹ quan tâm đến việc siêu âm đầu dò có ảnh hưởng đến thai nhi hay không khi trực tiếp chạm vào “nơi nhạy cảm”?

sieu-am-dau-do-la-gi-co-gay-anh-huong-thai-nhi-1-voh

Siêu âm đầu dò không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cho biết, trong quá trình siêu âm đầu dò, bác sĩ chỉ di chuyển thiết bị quanh âm đạo mẹ bầu chứ không chạm vào cổ tử cung nên không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế, việc thực hiện siêu âm thai đầu dò sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng gì đến tử cung và cổ tử cung, từ đó thai nhi cũng được bảo vệ an toàn.

Khi siêu âm đầu dò cần chuẩn bị những gì?

Tương tự như các loại siêu âm khác, siêu âm đầu dò không đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều. Tùy vào lý do siêu âm mà các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể trong từng trường hợp.

Việc siêu âm hoàn toàn không không gây đau đớn, tuy nhiên có thể khiến chị em cảm thấy hơi khó chịu một chút. Đối với phụ nữ mang thai, siêu âm đầu dò không gây bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới sự phát triển của thai nhi. Vì thế, các mẹ hãy yên tâm, đừng tự gây căng thẳng cho mình sẽ không tốt cho bé yêu trong bụng.

Kết quả siêu âm đầu dò sẽ giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý bao gồm:

  • Ung thư các cơ quan sinh sản
  • U nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung
  • Nhiễm trùng vùng chậu
  • Có thai ngoài tử cung
  • Nguy cơ sảy thai
  • Nhau thai tiền đạo

Những lưu ý khi thực hiện siêu âm đầu dò

Để việc siêu âm đầu dò mang lại kết quả chính xác nhất, chị em phụ nữ cần thực hiện một số lưu ý dưới đây trước khi siêu âm:

  • Lựa chọn trang phục thoải mái khi đi siêu âm đầu dò.
  • Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi tiểu hay uống nhiều nước trước khi tiến hành siêu âm khoảng 1 tiếng để bàng quang trống rỗng hoặc căng đầy (Bàng quang căng đầy cung cấp hình ảnh siêu âm ở các cơ quan vùng chậu rõ nét hơn, trong khi đó, bàng quan trống rỗng giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng).
  • Không nên thực hiện siêu âm đầu dò khi đang trong kỳ kinh nguyệt. Thời gian siêu âm tốt nhất là sau khi sạch kinh nguyệt khoảng 3 đến 5 ngày.
  • Không sử dụng tampon trước khi siêu âm đầu dò âm đạo, nếu đang dùng tampon thì cần phải tháo bỏ vật này ra.

Như vậy, siêu âm đầu dò sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương nào đến cổ tử cung và tử cung, vì thế những chị em nào đang trong giai đoạn thai kỳ không nên quá lo lắng khi bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm này nhé.

Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ : Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa qua hình ảnh nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Siêu âm đúng thời điểm sẽ giúp chị em an tâm về sức khỏe của con trong suốt thai kỳ.

Siêu âm 4D là gì? Thời gian nào có thể thực hiện siêu âm 4D? :  Siêu âm 4D không phải là một thủ tục y tế bắt buộc, tuy nhiên hiện nay có nhiều cặp vợ chồng chọn hình thức siêu âm này vì có thể giúp nhìn rõ hơn về hình dáng và những cử động của con yêu.

Bình luận