Sốt siêu vi ở trẻ em – Cách nhận biết và hạ sốt nhanh tại nhà

Sốt siêu vi ở trẻ em là căn bệnh không hiếm gặp, thế nhưng biểu hiện bệnh lại khá giống với các bệnh cảm sốt thông thường nên cha mẹ thường không nhận diện được dẫn đến chậm trễ trong khâu điều trị.

Sốt siêu vi - căn bệnh thường gặp ở nhiều người nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Vậy sốt siêu vi là gì? Có bao nhiêu loại siêu vi có thể gây sốt cho trẻ cũng như cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này như thế nào sẽ được Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa nhi, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ ngay đây.

1. Sốt siêu vi ở trẻ em là gì ?

Sốt siêu vi là một thuật ngữ dùng để nói tất cả các loại sốt do siêu vi trùng gây ra. Đặc trưng của bệnh chính là nhiệt độ của cơ thể người bệnh tăng lên nhanh chóng. Bệnh thường xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau nhưng phổ biến nhiều hơn ở trẻ em.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, có rất nhiều loại bệnh có thể gây ra sốt siêu vi như: virus gây bệnh tay chân miệng, virus gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh rubella,… tuy nhiên, sốt siêu vi thường gặp nhất chính sốt do cảm cúm.

Và không phải trường hợp nào trẻ em bị sốt siêu vi cũng đều có thể tìm được nguyên nhân, mà phần lớn trẻ bị sốt siêu vi thường được điều trị thông qua các triệu chứng lâm sàng từ cơ thể người bệnh.

2. Những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em

Những triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị sốt siêu vi chính là:

  • Cơ thể đau nhức.
  • Sốt cao trên 39 độ C, đặc biệt những trường hợp bị sốt cao trên 39 độ C, 40 độ C thì có thể gây co giật ở những trẻ dưới 6 tuổi
  • Trẻ thường bị lừ đừ, mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, tay chân bị lạnh, đau bụng,…
  • Ngoài ra, trẻ cũng có triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sổ mũi, khàn tiếng), rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, nôn ói…), trẻ bị quai bị (viêm hạch, sưng má)…
  • Khi trẻ sốt siêu vi bước sang ngày thứ 3 – 5 thì trẻ có biểu hiện sốt phát ban. Khi trẻ chuyển sang sốt phát ban được chia thành 2 dạng. Nếu là sốt siêu vi do cảm thông thường thì việc sốt phát ban là dấu hiệu cho thấy bé đang hồi phục. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt do sốt xuất huyết thì việc sốt phát ban là triệu chứng cảnh báo bệnh của bé đang chuyển sang giai đoạn nặng.

Sốt siêu vi ở trẻ em – Cách nhận biết và hạ sốt nhanh tại nhà 1

Trẻ bị sốt siêu vi nhiệt độ cơ thể thường ở mức rất cao (Nguồn: Internet)

Do đó, các bậc cha mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ bị sốt siêu vi, bởi căn bệnh này nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể sẽ gây ra những biến chứng về đường hô hấp như: viêm phổi, các bệnh lý về thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ.

3. Điều trị bệnh sốt siêu vi ở trẻ em như thế nào ?

Trong dân gian nhiều người vẫn thường truyền tai nhau về các kinh nghiệm chữa sốt siêu vi ở trẻ như quấn kín người trẻ, bắt trẻ kiêng ăn, cạo gió, cắt lể, thậm chí nhiều người còn nặn chanh vào miệng trẻ để giúp bé hạ sốt.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hạnh Lê nếu trẻ được chẩn đoán bị sốt siêu vi thì cha mẹ tuyệt đối không nên nghe theo các kinh nghiệm dân gian để giúp trẻ hạ sốt vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Điều quan trọng trong việc điều trị sốt siêu vi chính là cần giúp bé hạ sốt nhanh chóng. Cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ em bị sốt siêu vi cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Trong nhà lúc nào cũng cần phải có 1 cặp nhiệt độ hạ sốt. Trường hợp trong nhà không có cặp nhiệt độ thì mẹ có thể dùng môi mẹ đặt lên trán bé để cảm nhận sự khác biệt về nhiệt độ.
  • Khi cặp nhiệt độ nên cặp ở hậu môn là tốt nhất, tiếp theo là cặp nhiệt độ tại nách trẻ. Mốc nhiệt độ để nhận biết trẻ bị sốt chính là: ở hậu môn trên 38,5 độ C; ở nách trên 37,5 độ C.
  • Nếu thấy trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cần giúp trẻ hạ sốt nhanh. Với những trẻ nhạy cảm, cơ thể bị co giật thì cha mẹ cần hạ sốt nhanh cho trẻ nếu thấy bé sốt trên 38 độ C.

dau-hieu-nhan-biet-sot-sieu-vi-o-tre-em-va-cach-ha-sot-tai-nha-hieu-qua-1-VOH

Cặp nhiệt độ ở hậu môn sẽ cho kết quả nhiệt độ cơ thể chính xác nhất (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Hạnh Lê cho biết, hiện nay có 2 cách có thể giúp trẻ hạ sốt tại nhà chính là dùng thuốc hạ sốt và lau mát cơ thể. Thế nhưng, việc dùng thuốc hạ sốt thường sẽ cho kết quả nhanh hơn.

Trên thị trường hiện nay cũng đã có bán những loại thuốc hạ sốt không gây hại cho trẻ như thuốc acetaminophen với liều dùng từ 10 – 15 mg/kg và chỉ dùng tối đa 4 liều cho một ngày (tuyệt đối không dùng nhiều hơn).

Trong trường hợp đã dùng thuốc nhưng trẻ vẫn còn sốt thì bé cũng có thể dùng thêm một loại thuốc khác tuy nhiên phải có sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó,cha mẹ cũng có thể giúp bé hạ sốt bằng cách lau mát người trẻ.

Việc lau mát cơ thể trẻ đang bị sốt có thể áp dụng như sau: Sử dụng 5 chiếc khăn và một chậu nước ấm. Nhúng khăn vào chậu, vắt nước khô sau đó, dùng 2 khăn đắp ở nách, 2 khăn đắp ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.

Sau khi giúp trẻ hạ sốt, nếu đo lại nhiệt độ trẻ và thấy nhiệt độ cơ thể bé đã xuống mức 37 độ C thì cha mẹ có thể ngưng việc hạ sốt cho trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ được thăm khám cụ thể.

4. Cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà

Bên cạnh giúp trẻ hạ sốt thì việc nâng đỡ thể trạng cho trẻ trong giai đoạn bé bị sốt siêu vi cũng cực kỳ quan trọng. Chính vì thế, những điều cha mẹ cần làm đối với trẻ trong lúc này chính là:

  • Cho trẻ uống nhiều nước để giúp trẻ hạ nhiệt và bổ sung lượng nước đầy đủ mỗi ngày.
  • Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh trẻ luôn được sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, bác sĩ Hạnh Lê cũng lưu ý đến các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ em bị sốt siêu vi tuyệt đối không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có màu đậm như: cà rốt, cà chua, củ dền, uống nước ngọt, ăn kẹo socola… vì có thể làm ảnh hưởng màu sắc phân của trẻ, khiến cha mẹ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết là đi tiêu phân có máu.

Trên đây là những chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê về bệnh sốt siêu vi ở trẻ em cũng những cách chăm sóc giúp trẻ hạ sốt tại nhà. Đây là căn bệnh khá phổ biến, do đó các bậc phụ huynh không nên lơ là với căn bệnh này mà chậm trễ điều trị gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện với bác sĩ tại audio bên dưới:

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái