Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Sữa mẹ loãng có đáng lo hay không?

(VOH) - Trong quá trình chăm sóc con, rất nhiều mẹ cảm thấy sữa của mình loãng hơn bình thường, khiến mẹ lo lắng bé sẽ bị thiếu dưỡng chất. Vậy tại sao sữa mẹ lại loãng và sữa mẹ loãng phải làm sao?

1. Vì sao cho trẻ bú sữa mẹ là cực kỳ quan trọng?

Cho con bú là điều tự nhiên và tuyệt vời nhất khi làm mẹ. Phụ nữ được thượng đế tạo ra với bộ ngực giúp cung cấp dưỡng chất cho những đứa con của mình. Trong sữa mẹ có đầy đủ các vitamin và chất dinh dưỡng quan trọng với một em bé đang lớn. 

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo: “Trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ sau khi đã làm quen với các loại thức ăn khác”.

 sua-me-loang-co-dang-lo-hay-khong-voh
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (Nguồn: Internet)

Sở dĩ có khuyến cáo như vậy là do sữa mẹ cung cấp các kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại bệnh tật. Ngoài ra, sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cũng như có thể nâng cao chỉ số thông minh của trẻ.  

Tuy nhiên, nếu có một nguyên nhân nào đó khiến mẹ không thể cho con bú hoặc không đủ sữa cho con bú, đừng quá tự trách mình. Chúng ta thật may mắn khi được sống trong thời đại mà các nhà khoa học đã có thể sản xuất ra những loại sữa giúp bé tăng cân và chiều cao cực kỳ an toàn cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

2. Tại sao sữa mẹ lại loãng?

Vài ngày sau khi sinh con, sữa mẹ sẽ bắt đầu tiết ra sau lượng sữa non không còn tiết ra nữa. Khi sữa mẹ bắt đầu tiết ra, nó sẽ tăng dần về số lượng và cấu trúc cũng sẽ thay đổi. Khi đó, sữa mẹ sẽ có hàm lượng chất béo và đường nhiều hơn, đồng thời hàm lượng protein và globulin miễn dịch cũng sẽ ít hơn. 

Trong giai đoạn này, mẹ có thể nhận thấy sữa mẹ loãng và trong hơn. Khi bắt đầu cho con bú, sữa mẹ loãng hơn – được gọi là sữa đầu cữ bú (foremilk). Sữa này chứa đầy đường lactose và vẫn cung cấp cho bé năng lượng cần thiết để bú. Vì thế mẹ đừng quá lo lắng, sữa mẹ đặc lên trong quá trình cho bé bú.

Sau những ngày đầu cho bé bú, trẻ sẽ nhận được sữa trưởng thành hay còn gọi là sữa vĩnh viễn. Nhiều mẹ nghĩ rằng sữa mẹ lúc này sẽ trông như sữa bò, tức là có bề ngoài và độ đặc giống như sữa tách béo. Nhưng thực chất không phải vậy, 90% sữa mẹ là nước, do đó, mẹ nhận thấy sữa mẹ loãng là điều hết sức bình thường. Sữa trưởng thành vẫn sẽ thay đổi trong suốt thời gian cho con bú.

 sua-me-loang-co-dang-lo-hay-khong-1-voh
Sữa mẹ loãng không ảnh hưỡng đến chất lượng dinh dưỡng mà trẻ nhận (Nguồn: Internet)

Trong thời gian đầu cho trẻ bú, sữa có ít chất béo nhưng lại chứa nhiều đường lactose, vitamin, protein, khoáng chất và nước. Tuy nhiên khi tiếp tục cho trẻ bú, sữa sẽ thay đổi, chứa ít đường và nhiều chất béo hơn. 

3. Sữa mẹ bị loãng phải làm sao? Cách giúp sữa mẹ đặc hơn

Dù nhiều chuyên gia đã khẳng định sữa mẹ loãng không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng mà trẻ nhận được nhưng nhiều mẹ vẫn lo lắng sữa mẹ loãng có tốt không và sữa mẹ loãng con sẽ tăng cân chậm. Do đó, để khắc phục tình trạng này, mẹ hãy cải thiện chất lượng sữa mẹ bằng cách cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.

Hãy nhớ rằng, một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp tăng lượng sữa cũng như cải thiện chất lượng sữa mẹ. Vậy ăn gì để sữa mẹ đặc và mát? Dưới đây là những cách có thể giúp sữa mẹ đặc hơn:

3.1 Ăn nhiều rau xanh, trái cây

Ăn nhiều rau xanh, trái cây trong mỗi bữa ăn giúp bổ sung các loại vitamin, chất xơ cho cơ thể, và cả cho sữa mẹ. Trẻ bú mẹ mà mẹ ăn nhiều rau xanh, trái cây không chỉ sữa mát mà còn hạn chế táo bón cho bé. 

3.2 Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều omega 3, DHA

Thịt, cá biển là nguồn thực phẩm cung cấp giàu chất dinh dưỡng, omega-3 cũng như DHA cho cả mẹ và con. Mỗi tuần mẹ nên bổ sung ít nhất từ 1 – 2 lần bữa ăn có cá, và tăng cường lượng thịt để cung cấp đầy đủ protein cho hai mẹ con.

3.3 Bổ sung các thực phẩm giàu canxi

Khi cho bé bú, mẹ nên lưu ý bổ sung thêm sữa cho bản thân mình, uống thêm sữa cũng giúp cho lượng sữa mẹ tiết ra được nhiều hơn, đồng thời giúp bổ sung canxi cũng như các dưỡng chất thiết yếu khác để tăng cường canxi cho con và tránh loãng xương cho mẹ sau này. 

3.4 Uống đủ nước

 sua-me-loang-co-dang-lo-hay-khong-2-voh
Uống nhiều nước có thể giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ (Nguồn: Internet)

Nước cũng chiếm vai trò quan trọng quyết định mẹ có đủ sữa cho con bú hay không. Hãy đảm bảo cung cấp đủ một ngày 2 lít nước để đủ nước cho mẹ và đủ sữa cho con nhé. 

3.5 Thay đổi chế độ sinh hoạt

Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng thì một thói quen sinh hoạt hợp lý cũng giúp tăng cường sữa mẹ và chất lượng sữa mẹ được tốt hơn. 

3.6 Nghỉ ngơi sau khi sinh

Sau khi sinh em bé, cơ thể mẹ vô cùng mệt mỏi và kiệt sức, đồng thời stress cũng dễ ảnh hưởng đến lượng sữa và chất lượng sữa cho em bé. Do đó, mẹ cần có một chế độ nghỉ ngơi tuyệt đối để phục hồi sức khỏe, tránh lo lắng, suy nghĩ quá nhiều. Chỉ khi mẹ thật sự khỏe mạnh, tinh thần thoải mái thì sữa mới tiết ra nhiều và đầy đủ dưỡng chất. 

3.7 Cho bé bú thường xuyên và đúng cách

Việc cho bé bú đều đặn thường xuyên cũng là cách giúp lượng sữa tiết ra nhiều và chất lượng hơn. Ngoài ra, việc cho bé bú đúng tư thế cũng rất quan trọng để bé có thể bú được nhiều sữa nhất có thể.

3.8 Tập các bài tập nhẹ nhàng

Những bài tập vận động nhẹ nhàng sẽ kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều hơn. Lưu ý vì sức khỏe của mẹ còn yếu nên hạn chế những bài vận động mạnh nhé. 

3.9 Không sử dụng chất kích thích

Những loại chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá…đều gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa và làm giảm chất lượng sữa. Mẹ hãy tránh xa các chất kích thích này khi cho con bú.

Ngoài ra mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khác để kích thích tiết sữa như massage ngực hoặc vệ sinh đầu ti sạch sẽ trước khi cho con bú nhé.

Trên đây là tất tần tật những thông tin giải đáp cho các mẹ về vấn đề sữa mẹ loãng và sữa mẹ loãng phải làm thế nào. Hy vọng với bài viết này, mẹ sẽ biết được tầm quan trọng của sữa mẹ và bớt lo lắng về việc sữa bị loãng. Đồng thời cũng có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản để khắc phục tình trạng này.

Bình luận