Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là bệnh không hiếm gặp, có khoảng 4 - 5% trẻ mới vừa sinh ra đã bị tình trạng này. Nhiều người nhầm tưởng các bé sinh non hay ảnh hưởng từ nước ối bẩn trong quá trình mẹ chuyển dạ thì mới mắc phải căn bệnh này. Song thực tế đây là bệnh bẩm sinh, do có màng bít ở ống lệ đạo.
1. Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là gì?
Bình thường, nước mắt được tạo ra từ tuyến lệ đạo, rồi di chuyển trên mắt với sự giúp đỡ của mí mắt, giúp giữ cho đôi mắt được bôi trơn và làm sạch. Khi cử động đôi mắt, những giọt nước mắt bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong của mắt, nhờ đó, nước mắt thoát ra khỏi mắt nhỏ xuống ống lệ tỵ vào phía sau của mũi.
Tuy nhiên, nếu ống dẫn này bị viêm tắc hoàn toàn hoặc một phần thì những giọt nước mắt sẽ không thoát ra ngoài được và làm xuất hiện triệu chứng tắc tuyến lệ ở trẻ.
2. Nguyên nhân gây tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là khuyết tật thường gặp nhất của hệ tuyến lệ. Nguyên nhân là do:
- Các tế bào biểu mô không tạo ra được những ống dẫn để hình thành ống mũi - lệ (ống lệ tỵ) khi đi xuống mũi.
- Một số trẻ tuyến lệ bị viêm nhiễm, làm cho nước mắt không lưu thông từ mắt xuống mũi của trẻ. Những giọt nước mắt được tạo ra không thể thoát ra ngoài khiến mắt trẻ bị ngập nước.
Trẻ bị tắc tuyến lệ khi khóc thường sẽ không không có nước mắt (Nguồn: Internet)
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tắc tuyến lệ
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tắc tuyến lệ có thể xuất hiện khi trẻ vừa mới sinh ra. Một số trẻ sơ sinh khi khóc không có nước, nhưng bình thường khi trẻ không khóc lại có một thứ nước mắt chảy tràn mi rồi xuống má, đồng thời có luồng trào ngược một thứ chất nhầy (ken) được sản xuất trong túi lệ.
Nếu quan sát kỹ mẹ sẽ thấy những dấu hiệu như:
- Bé chảy nước mắt thường xuyên
- Mắt trẻ lúc nào cũng ướt dù không khóc
- Sau khi thức dậy vào buổi sáng, quanh mắt trẻ có nhiều gỉ vàng
- Thỉnh thoảng góc mặt bị sưng
- Vùng da bị tiếp xúc với nước mắt nổi ban đỏ do kích ứng
- Đỏ mắt
Lưu ý: Nếu trẻ bị tắc tuyến lệ hoàn toàn thì những dấu hiệu trên sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
3.1 Trẻ bị tắc tuyến lệ có nguy hiểm không?
Hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh không quá nguy hiểm. Nếu được phát hiện những triệu chứng bất thường, mẹ có thể tham khảo phương pháp điều trị tại nhà từ bác sĩ nhi khoa.
Tuy nhiên nếu trẻ lớn quá sẽ bất lợi trong việc điều trị vì việc day mắt kém hiệu quả cũng như khi thực hiện kỹ thuật thông tuyến lệ cũng khó khăn hơn do các bé hay giãy giụa. Nếu không được thông tuyến lệ, mắt trẻ sẽ dễ bị viêm nhiễm và tạo thêm tâm lý lo lắng cho gia đình.
4. Trẻ bị tắc tuyến lệ phải làm sao?
Tuyến lệ bị tắc có thể ‘tự khai thông’ trở lại khi trẻ ở độ tuổi từ 1 - 2 tuổi nếu cha mẹ áp dụng theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, đặc biệt trong những trường hợp phải sử dụng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, còn có một số biện pháp cha mẹ có thể áp dụng để khai thông tuyến lệ cho trẻ sơ sinh như:
4.1 Rửa mắt cho bé
Rửa mắt cho trẻ bị tắc tuyến lệ để giúp đôi mắt bé luôn sạch sẽ (Nguồn: Internet)
Sử dụng nước sạch, dùng bông gòn thấm nước rồi nhẹ nhàng lau mắt cho bé để lấy hết những ghèn màu vàng bị dính trên đôi mắt của bé. Nên làm nhiều lần trong ngày để giữ cho đôi mắt của bé luôn sạch sẽ. Trong lúc làm phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh làm viêm nhiễm vùng mắt của bé.
Nếu thấy mắt bé xuất hiện những dấu hiệu như đỏ, sưng hay vàng thì có nhiều khả năng mắt bé đang bị nhiễm trùng, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ càng.
4.2 Massage tuyến lệ
Cha mẹ có thể dùng ngón tay (đã được vệ sinh sạch) để massage nhẹ nhàng vào góc mắt của bé, bắt đầu di chuyển từ góc trong của mí mắt về phía mũi của con. Việc massage sẽ gây áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và mở chúng ra.
Mỗi lần massage kéo dài trong khoảng từ 5 - 10 phút, thực hiện ít nhất 6 lần một ngày. Nếu muốn đảm bảo, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn các bước massage cụ thể.
4.3 Đưa bé đến bác sĩ nếu thấy mắt bé nghiêm trọng
Để chữa tắc tuyến lệ cho trẻ sơ sinh tốt nhất vẫn là nên đưa bé đến khám bác sĩ. Tùy vào tình trạng của từng bé mà bác sĩ có cách điều trị riêng, có thể dùng thuốc hoặc dùng biện pháp thông tuyến lệ vừa đảm bảo an toàn vừa có thể đạt được kết quả nhanh chóng.