Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trong khoảng tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ, trên người em bé bắt đầu xuất hiện một loại lông tơ gọi là lanugo (lông đẹn, lông măng...). Những lông này kết hợp với lớp vernix giúp bảo vệ làn da của em bé khi ở trong bụng mẹ, tránh được những tổn thương gây ra bởi nước ối.
Hầu hết các trẻ sơ sinh sau khi sinh ra điều có sẽ có loại lông này. Mặc dù không hề gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, thế nhưng chúng thỉnh thoảng lại khiến bé khó chịu. Chính vì thế, có nhiều mẹ rất muốn biết cách làm sao cho lớp lông tơ này rụng đi.
1. Cách làm rụng lông tơ ở trẻ sơ sinh theo khoa học
Thông thường, lông tơ của bé sẽ tự rụng dần khi bé được 1 tuổi. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp những chiếc lông tơ này lại kéo dài đến khoảng năm 2-3 tuổi. Nếu muốn loại bỏ loại lông này, phương pháp an toàn được áp dụng rộng rãi nhất chính là tắm thường xuyên cho bé.
Thực tế, nếu bé mọc lông tơ ít thì một thời gian lông tơ sẽ tự rụng. Mẹ có thể tắm sạch cho bé vài lần trong tuần với nước sạch nhưng tuyệt đối không bôi thoa bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ, bởi nếu sử dụng không đúng có thể khiến da bé bị tổn thương.
Sử dụng các loại sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh cũng được xem là cách làm rụng lông tơ ở trẻ sơ sinh an toàn, tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý không sử dụng các loại sữa tắm có tính tẩy mạnh, có thể làm da bé bị khô hoặc kích ứng.
Chỉ nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước sạch hoặc sử dụng các loại sữa tắm chuyên dùng cho bé sơ sinh (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, các mẹ có thể tẩy lông tơ cho trẻ bằng cách massage. Tiến hành masage bằng loại dầu chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, sau đó cho trẻ tắm với nước ấm như bình thường. Đây là cách đơn giản nhưng làm bé khá thích thú và cũng được các chuyên gia khuyến khích vì mang lại nhiều lợi ích.
Lưu ý: Khi thực hiện massage cho trẻ sơ sinh cần tránh phần mặt của bé để đảm bảo an toàn.
2. Không áp dụng các cách làm rụng lông tơ cho trẻ sơ sinh chưa được kiểm chứng khoa học
Có rất nhiều cách dân gian truyền miệng về các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh rụng lông tơ như: tắm bằng nước lá trầu không, tắm bằng nước lá vông, cây cỏ mực, lá đậu ván... tuy nhiên, những cách này cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được kiểm chứng về độ an toàn khi sử dụng.
Theo GS.TS Phạm Nhật An – trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc BV Nhi Trung Ương cho biết, tẩy lông tơ cho trẻ sơ sinh bằng các cách dân gian truyền miệng là không có cơ sở thực tiễn về mặt khoa học. Việc áp dụng các phương pháp này có thể sẽ gây hại đến làn da của trẻ, bởi làn da trẻ sơ sinh cực kỳ mẫn cảm.
Bên cạnh đó, nếu như trẻ mọc nhiều lông tơ trên da nhưng không có những dấu hiệu đáng lo ngại thì các bậc cha mẹ nên để tự nhiên vì đây có thể là do di truyền, đừng cố áp dụng các cách làm rụng lông tơ cho trẻ sơ sinh .
Trong trường hợp trẻ được hơn 1 năm tuổi nhưng vẫn chưa rụng lông hoặc lông tơ ngày càng mọc rậm rạp và đen, dày hơn thì cha mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị chính xác.
Nếu trẻ mọc nhiều lông tơ ở lưng thành từng bó hoặc cụm lớn thì cha mẹ cũng cần theo dõi và cho bé đi thăm khám vì rất có thể đây là dấu hiệu của chứng rối loạn thần kinh.
Tóm lại, việc xuất hiện lông tơ ở trẻ sơ sinh là chuyện bình thường. Vì thế, các mẹ không cần quá lo lắng và cũng không cần thiết áp dụng các cách tắm rụng lông cho trẻ sơ sinh. Mẹ chỉ cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày cho bé sạch sẽ là được.