Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh an toàn và đúng chuẩn

( VOH ) - Tắm nắng cho trẻ sơ sinh là một trong những cách giúp bổ sung vitamin D cho xương và răng của bé chắc khỏe. Tuy nhiên, mẹ có biết việc tắm nắng cho bé cũng cần được thực hiện đúng cách?

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh hay còn gọi là cách để trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giúp da tổng hợp được các vitamin D cần thiết cho cơ thể.

1. Tại sao phải tắm nắng cho trẻ sơ sinh ?

Theo bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo chia sẻ trong sách Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng, Vitamin D là một loại vitamin rất quan trọng, đóng vai trò chính trong việc hấp thụ canxi và photpho từ thức ăn, ngăn chặn tình trạng còi xương ở trẻ.  Ngoài ra, vitamin D còn giúp bảo vệ cơ thể, giảm nguy cơ ung thư ruột, bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường và các vấn đề về hệ miễn dịch.

Sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh về nhiều mặt, thế nhưng sữa mẹ lại chứa rất ít vitamin D, chính vì thế nhiều bác sĩ thường khuyên các mẹ nên cho cho trẻ sơ sinh tắm nắng sau khi sinh từ 7 – 10 ngày để bổ sung vitamin D vào cơ thể thông qua da.

Những thành phần trong tia nắng mặt trời thường có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm và kích hoạt da sinh ra vitamin D3 để tăng tổng hợp canxi và photpho giúp xương và răng chắc khỏe.

2. Cách tắm nắng có trẻ sơ sinh như thế nào là chuẩn nhất?

Có rất nhiều mẹ hiện nay vẫn thực hiện việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên lại không biết tắm nắng cho trẻ đúng cách là như thế nào dẫn đến việc khiến trẻ bị vàng da, tổn thương da nhưng lượng vitamin D lại không được hấp thu nhiều.

2.1 Tắm nắng cho trẻ sơ sinh lúc mấy giờ là tốt ?

Thời điểm tắm nắng đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp lượng vitamin D. Thông thường, hai thời điểm tắm nắng cho trẻ sơ sinh phù hợp nhất chính là từ 6 – 9 sáng và sau 5 giờ chiều.

cach-tam-nang-cho-tre-so-sinh-an-toan-va-dung-chuan-VOH

Thời điểm tắm nắng tốt nhất cho trẻ sơ sinh là từ 6 – 9 sáng và sau 5 giờ chiều (Nguồn: Internet)

  • Từ 6 – 9 giờ sáng là thời điểm tia hồng ngoại và tia cực tím của ánh sáng mặt trời khá yếu, sẽ giúp bé thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể tốt hơn.
  • Sau 5 giờ chiều, lượng tia X- quang trong ánh mặt trời sẽ giúp bé hấp thu được canxi và photpho một cách tốt nhất, từ đó có ích cho sự phát triển của xương.

Lưu ý: Tuyệt đối không tắm nắng cho trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm tia cực tím chiếu mạnh mẽ nhất, nếu cho trẻ tắm vào khoảng thời gian này sẽ dễ khiến cho làn da trẻ bị tổn thương.

2.2 Tắm nắng cho trẻ bao lâu là an toàn?

Thông thường, thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bé. Ngoài ra, theo BS Trần Thị Huyên Thảo các mẹ cũng có thể dựa vào những yếu tố sau đây xác định thời gian tắm nắng cho trẻ:

  • Với những bé màu da trắng thì cho trẻ tắm nắng từ 5 – 15 phút ngày.
  • Với những bé có màu da vàng hoặc da đen thì cần cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng từ 30 – 45 phút mỗi ngày, da càng đen càng phải tiếp xúc dài hơn.

Mỗi đợt tắm nắng của trẻ chỉ nên kéo dài khoảng 10 ngày, sau đó ngưng lại từ 10 – 20 ngày rồi mới bắt đầu lại quy trình như trên.

cach-tam-nang-cho-tre-so-sinh-an-toan-va-dung-chuan-1-VOH

Với trẻ sơ sinh mẹ có thể cho bé tắm nắng trong nhà, gần cửa kính, cửa sổ... (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ sơ sinh, các mẹ không cần phải đưa bé ra ngoài, mẹ có thể tắm nắng cho trẻ sơ sinh qua cửa kính, cửa sổ vào buổi sáng sớm, nên mở cửa kính để cơ thể bé được hấp thụ ánh nắng tốt hơn.

Nếu tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào mùa đông, các mẹ nên tắm nắng cho trẻ buổi chiều, có thể từ 4 giờ đến 5 giờ chiều, vì thời gian này buổi sáng thường lạnh hơn và bé dễ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Nếu vào mùa hè thì nên phơi nắng cho trẻ sơ sinh vào buổi sáng sớm là tốt nhất vì ánh nắng buổi sáng thường không quá gắt và cũng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, các mẹ cũng nên nhớ rằng khi tắm nắng trẻ sơ sinh cần phải bỏ bớt quần áo của trẻ, tuy nhiên không nhất thiết phải bỏ hết quần áo của trẻ, có thể mặc quần áo mỏng, có màu sáng. Bên cạnh đó, với trẻ sơ sinh các mẹ cần đeo kính râm hoặc che mắt trẻ khi tắm nắng.

3. Những vấn đề cần y lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh

  • Không nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh ở những nơi gió lộng, nên chọn nơi thoáng đãng, có nhiều nắng.
  • Không được để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đầu, mặt và mắt của bé.
  • Nếu tắm cho bé trong phòng, nên mở cửa kính để giúp việc hấp thu tia hồng ngoại của cơ thể trẻ được tốt hơn.
  • Không nên cho con tắm nắng vào những ngày thời tiết bất thường hoặc những lúc giao mùa.
  • Cho bé uống nước (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi) và lau mồ hôi cho trẻ sau khi tắm nắng. Nếu là mùa hè, mẹ có thể tắm cho bé sau khi cho con tắm nắng.
  • Mặc ít áo cho bé, nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng.
  • Tuyệt đối không tắm nắng cho trẻ sơ sinh khi mặt trời đã lên cao. Vào mùa hè, từ sau 7 giờ trở đi, không nên tắm nắng cho trẻ bởi tia nắng lúc đó đã gay gắt và chói chang.

Tắm nắng là cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các mẹ cũng có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng thực phẩm hoặc thuốc uống bổ sung và cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu thấy trẻ có dấu hiệu thiếu vitamin D.