Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thai giáo là gì? Những cách thai giáo tốt cho bé yêu từ trong bụng mẹ

(VOH) – Trong những năm gần đây nhiều phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến thai giáo cho bé yêu từ khi còn ở trong bụng mẹ. Vậy thai giáo là gì? Có những phương pháp thai giáo nào tốt cho bé?

1. Thai giáo là gì?

Thai giáo thực chất là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ lúc mang thai, điều chỉnh hoàn cảnh trong và ngoài cơ thể mẹ, tránh những kích thích, ảnh hưởng không tốt, giúp thai nhi có được sự phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần sau khi chào đời.

Từ khoảng 10 tuần, thai nhi đã có thể cử động trong bụng mẹ. Khi thai được 23 tuần, bé yêu có thể nghe được âm thanh của mẹ, thậm chí phản ứng lại những gì nghe được. Vì thế, trong thời gian mang thai mẹ có thể giúp bé phát triển trí não một cách tự nhiên bằng cách tương tác, hát và nói chuyện với bé.

Cuối tam cá nguyệt thứ 2, ngoài việc nghe được nhịp tim, hơi thở, tiếng nói của mẹ, thai nhi còn có thể nghe thấy những âm thanh từ bên ngoài. 

Do đó, trong thời kỳ mang thai, thực hành thai giáo cho con sẽ mang đến cho bé yêu rất nhiều lợi ích sau khi chào đời, chẳng hạn như:

  • Giúp trẻ sinh ra ít quấy khóc về đêm và có nhịp sinh học đúng giờ.
  • Giúp bé có được thể chất khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vui tươi, hoạt bát.
  • Gắn kết sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và bé.
  • Tăng khả năng giao tiếp, ứng xử ở chốn đông người.
  • Tự lập khi không có cha mẹ ở bên cạnh.
  • Sau khi sinh bé vẫn nhớ những kí ức đã từng được mẹ chia sẻ khi mang thai.

2. Các phương pháp thai giáo dạy con từ trong bụng mẹ

Có rất nhiều phương pháp thai giáo cho bà bầu, trong đó thai giáo bằng thị giác, thính giác và xúc giác và 3 phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới. Đây cũng là những cách giáo dục con từ trong bụng mẹ được các chuyên gia đánh giá cao.

2.1 Thai giáo bằng thính giác

Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, bé đã phát triển đầy đủ các bộ phận, tai cũng phát triển tốt hơn. Vì vậy, bất cứ hoạt động nào của mẹ, từ đọc sách, nghe nhạc... đều có những ảnh hưởng nhất định đến bé, mà cụ thể là thính giác.

Vì vậy, khi thai kỳ ở tháng thứ 4 mẹ có thể bắt đầu thai giáo cho con bằng cách mở những bản nhạc thú vị cho bé nghe. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mở nhạc cho thai nhi nghe đúng lúc, đủ lượng sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển trí não của trẻ. Những giai điệu du dương, êm ái có tác dụng nhất định đến trí thông minh của trẻ nhỏ ngay khi còn trong bụng mẹ.

thai-giao-la-gi-nhung-cach-thai-giao-tot-cho-be-yeu-tu-trong-bung-me-voh

Cho bé nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ là cách giúp bé phát triển về thính giác (Nguồn: Internet)

Không những vậy, lúc chào đời, trẻ có thể nhận ra những âm thanh và tiếng nhạc quen thuộc đã được nghe trong thai kỳ. Ngoài ra, bé sẽ cảm thấy được dỗ dành khi nghe những âm thanh này sau khi sinh ra. Mặt khác, bé cũng có thể được xoa dịu bằng tiếng rung và tiếng ồn, do chúng gợi nhớ đến tiếng chuyển động và âm thanh của cơ thể mẹ khi mang thai.

Ngoài âm nhạc, việc mẹ thường xuyên trò chuyện với thai nhi cũng giúp bé cảm thấy ấm áp, thư giãn và yên bình hơn rất nhiều. Và không chỉ có tiếng nói của mẹ, nếu ba cũng thường nói chuyện với con lúc bé ở trong bụng mẹ thì ngay từ khi chào đời, bé cũng sẽ nhận ra được giọng nói của ba và có thái độ thân thiện hơn.

2.2 Thai giáo bằng thị giác

Thai giáo thị giác hay còn gọi là phương pháp thai giáo bằng ánh sáng (mẹ có thể hình dung đây như một trò chơi tương tác giữa cha mẹ và bé). Từ tuần thứ 18 của thai kỳ bé mới có thể cảm nhận được ánh sáng và tới tuần 28 mắt mới bắt đầu mở. Mẹ không thể đẩy nhanh quá trình phát triển của thị giác của trẻ nên chỉ có thể áp dụng phương pháp này từ tam cá nguyệt thứ 3.

Khi thực hiện phương pháp thai giáo cho con bằng thị giác mẹ nên tránh sử dụng những loại ánh sáng mạnh. Mẹ có thể chọn lựa một chiếc đèn pin có độ sáng thật dịu nhẹ. Tiếp đến, di chuyển đèn dọc theo bụng, tốc độ chậm rãi và chờ xem phản ứng của bé. Mỗi lần chiếu sáng thường kéo dài khoảng 5 phút, mỗi ngày thực hiện 3 lần.

2.3 Thai giáo bằng xúc giác

Massage chính là cách phổ biến nhất để mẹ thực hành thai giáo bằng xúc giác. Mẹ lưu ý, khi thực thai giáo bằng xúc giác, những động tác massage mẹ cần phải làm đúng kỹ thuật chứ không phải kiểu giao tiếp có hại cho con như dùng tay xoa trực tiếp nhiều lần vào bụng bầu vì có thể dẫn đến những cơn co thắt tử cung, dọa sinh non hoặc sảy thai.

thai-giao-la-gi-nhung-cach-thai-giao-tot-cho-be-yeu-tu-trong-bung-me-1-voh

Massage là cách phổ biến nhất để mẹ thực hành thai giáo bằng xúc giác với con (Nguồn: Internet)

Khi mẹ thực hiện việc “giao tiếp” với thai nhi thông qua cơ thể sẽ giúp bé có những phản ứng đáp lại, chẳng hạn như duỗi cánh tay, đạp chân, chuyển động...

Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai. Các nghiên cứu cho thấy môi trường trong tử cung của mẹ dạy cho thai nhi về môi trường sống ở bên ngoài sau khi chào đời. Nếu mẹ ăn đầy đủ dinh dưỡng, các tế bào của thai nhi và quá trình trao đổi chất sẽ được hoạt động khỏe mạnh. Khi mẹ áp dụng chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bào thai cho rằng môi trường bên ngoài thiếu thốn, nên các tế bào sẽ tích trữ calorie dưới dạng mỡ và đều đó sẽ gây ảnh hưởng đến cân nặng về sau.

3. Những sai lầm thường gặp trong thai giáo cho con

3.1 Ép mình nghe nhạc cổ điển

Đây có thể nói là sai lầm phổ biến nhất khi thực hành thai giáo của các mẹ bầu. Rất nhiều chị em khi thực hành thai giáo bằng thính giác đã cố chọn những loại nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng mà bản thân không thấy hay, không cảm thụ được chỉ vì tin rằng như thế là tốt cho sự phát triển trí tuệ của bé.

Thực tế, mẹ chỉ cần chọn loại nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm là đã hoàn toàn thích hợp cho việc thai giáo bằng âm nhạc. Mẹ có thể chọn bất cứ thể loại nhạc nào mẹ thích như nhạc trẻ, nhạc trữ tình, dân ca,… cũng đều có thể phát huy tác dụng xoa dịu tinh thần của mẹ và phát triển thính giác cho bé, miễn là mẹ yêu thích và thoải mái khi nghe.

Điều quan trọng nhất cần nhớ đó là bé chịu ảnh hưởng lớn bởi tâm trạng của mẹ nên chỉ khi mẹ thấy thư thái, vui vẻ, việc nghe nhạc mới có ích cho bé.

3.2 Mở nhạc với âm lượng lớn

Với tâm lý lo lắng bé bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi màng bụng và túi nước ối không nghe rõ âm thanh nên một số mẹ cố gắng mở nhạc thật to. Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó chịu cho thai nhi, thậm chí gây hại cho thính giác của bé nếu nhạc có sóng âm cao từ 4.000 – 5.000Hz.

Do đó, khi cho bé nghe nhạc, mẹ chỉ nên mở loa ngoài vừa đủ hoặc dùng tai nghe chuyên dụng cho bà bầu để đảm bảo an toàn cho sự phát triển thính giác của con.

3.3 Thường xuyên xoa bụng bầu

Ở tuần thai thứ 18 – 20, khi bé có cử động thai máy đầu tiên mẹ đã có thể bắt đầu thực hành thai giáo bằng xúc giác cho con, cụ thể là vuốt ve bụng bầu. Tuy nhiên, mẹ lưu ý những hành động xoa, vuốt mạnh tay và thường xuyên trên thành bụng, đặc biệt là khu vực đáy tử cung, có thể kích thích các cơn co tử cung gây ra sinh non hoặc sảy thai.

Vì thế, nếu không biết các kỹ thuật xoa bụng khi mang thai thì mẹ chỉ cần thực hiện động tác ôm bụng và đi lại nhẹ nhàng hoặc vừa chạm tay lên bụng vừa trò chuyện cùng con cũng là cách giao tiếp hiệu quả, thể hiện tình cảm yêu thương mẹ dành cho bé.

Như vậy, thai giáo là phương pháp giúp trẻ sớm nhận diện thế giới sau khi sinh, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, muốn các bài tập đạt kết quả, mẹ nên thực hiện các động tác tương tự nhau, đơn giản, đúng giờ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Tránh nôn nóng như: xoa bụng mạnh, nghe nhạc “quá liều”... vì rất dễ gây động thai hoặc các nguy hiểm khác.

Bình luận