Còn với người mẹ, ở tuần này cơ thể đã trở nên rất nhạy cảm với những cơn co thắt tử cung, tâm lý cũng thường rất căng thẳng bởi thời khắc “vượt cạn” có thể đến bất kỳ lúc nào.
1. Thai nhi 37 tuần nặng bao nhiêu kg?
Thông thường, thai nhi 37 tuần tuổi sẽ có chiều dài khoảng 49cm và cân nặng là hơn 2.9kg.
Khoảng thời gian này, bé sẽ tăng cân chậm và không gian tăng trưởng cũng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, điều này là bình thường và cũng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
2. Sự phát triển thai nhi 37 tuần tuổi
Gần như mọi cơ quan đều đã được phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên, lớp mỡ dưới da bé thì vẫn được tạo ra mỗi ngày. Lớp mỡ này sẽ bao bọc bé và giúp giữ ấm cơ thể bé sau khi chào đời.
Phần đầu thai nhi 37 tuần tuổi vẫn còn khá to, chu vi có thể tương đương với vòng ngực của bé lúc sinh ra. Tóc của bé đã mọc nhiều và dài.
Hệ miễn dịch vẫn đang phát triển và tiếp tục hoàn thiện cho đến sau khi bé chào đời. Việc cho bé bú ngay sau sinh cũng là một trong những cách đơn giản và hiệu quả để giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.
Hai cơ quan não và phổi dù đã hoàn chỉnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo nếu bé chào đời trong tuần này, bé sẽ không cần phải nằm trong lồng kính.
Nếu siêu âm mẹ sẽ nhìn thấy các ngấn thịt ở khuỷu tay, cổ tay, đầu gối hay các vết hằn nhỏ ở cổ hoặc vai của bé. Ngoài ra mẹ cũng sẽ nhận thấy nhiều sự phát triển khác thai nhi tuần 37 như:
- Mút tay: Bé có thể sẽ mút tay nhiều hơn để chuẩn bị cho việc bú sữa mẹ sau này.
- Nắm tay: Ngón tay của bé đã phát triển khéo léo hơn rất nhiều. Lúc này bé có thể cầm nắm vào các bộ phận khác của cơ thể khi đang ngủ, chẳng hạn như mũi, ngón chân...
- Tập luyện: Bên trong bụng mẹ ở tuần 37, bé yêu sẽ bắt đầu dành thời gian cho đường hô hấp bằng cách tập hít vào và thở ra, tập chớp mắt hoặc mở mắt dần đồng thời xoay người từ bên này sang bên khác.
Lưu ý: Những mẹ nào đang có dự định sinh mổ ở tuần 37 thì nên đi thăm khám đều đặn và nghe theo tư vấn của bác sĩ. Tuy vậy, hầu hết trường hợp bác sĩ sẽ cố gắng giúp mẹ dưỡng thai thêm vài tuần nữa để bé được sinh đủ tháng, trừ những trường hợp bất thường, bắt buộc phải can thiệp y tế.
Xem thêm: Những kiến thức mẹ bầu cần biết về phương pháp sinh mổ
2.1 Thai nhi 37 tuần đạp nhiều có sao không?
Mặc dù không gian trong tử cung mẹ đã khá chật chội, nhưng bé vẫn có thể tạo ra được những cú đạp hặc đá trong giai đoạn này, chủ yếu là để ngọ nguậy và duỗi thẳng chân tay. Ngoài ra, thai nhi tuần thứ 37 đã nhận biết rất tốt các ánh sáng, tâm thanh từ bên ngoài và bé cũng sẽ phản ứng lại bằng cách đá vào bụng mẹ.
Do đó, nếu quan sát kĩ mẹ sẽ thấy thai nhi 37 tuần đạp khoảng 15 – 20 lần mỗi ngày. Hiện tượng thai nhi đạp nhiều cho thấy bé yêu đang phát triển rất tốt và có phần hiếu động.
Tuy nhiên, một số trường trường hợp thai 37 tuần đạp nhiều và mạnh lại là biểu hiện bất thường. Bé đạp nhiều có thể do đang bị ngạt thở hoặc bị dây rốn quấn cổ. Vì thế, ở những tuần cuối thai kỳ mẹ cần thăm khám thai đầy đủ theo lịch hẹn bác sĩ để được theo dõi kỹ càng hơn.
Xem thêm: Giải mã hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi khiến nhiều mẹ bầu lo sợ
3. Dấu hiệu mang thai 37 tuần
3.1 Những thay đổi sinh lý
Thực tế, các triệu chứng mang thai tuần 37 đều là những triệu chứng quen thuộc với mẹ, đó là:
- Sưng tấy ở tứ chi
- Khó ngủ
- Tiểu nhiều
- Hay quên
- Rạn da
- Bầu vú và núm vú to hơn
- Chuột rút ở chân
- Cơn buồn nôn có thể quay trở lại
- Xuất hiện cơn co thắt Braxton-Hicks
Xem thêm: Nhận diện 3 cơn gò tử cung khác nhau trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết
3.2 Những thay đổi tâm lý
Ở tuần này, một số mẹ sẽ cảm thấy gần như đã sẵn sàng để bước vào cuộc “vượt cạn”. Mẹ sẽ không muốn di chuyển xa và lâu. Trong đầu mẹ luôn dự phòng những trường hợp có thể xảy ra, và chính điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến mẹ lo lắng và mệt mỏi.
Các vật dụng chuẩn bị đi sanh chắc hẳn mẹ đã chuẩn bị đầy đủ nhưng mẹ vẫn luôn nghi ngờ rằng mẹ có thể bỏ quên điều gì đó.
Phụ nữ rất hay nhạy cảm và sẽ càng nhạy cảm hơn ở giai đoạn thai kỳ. Lúc này, mẹ sẽ rất nhạy cảm với những tín hiệu cơ thể báo hiệu sắp sinh và thường là khá chính xác.
3.3 Thai 37 tuần gò cứng bụng có sao không?
Như đã nói, ở tuần thai 37 cơ thể người mẹ sẽ xuất hiện các cơn co thắt Braxton-Hicks, những cơn co thất này có thể tăng lên mỗi ngày.
Trong giai đoạn đầu mang thai, cơn co thắt Braxton-hicks có thể không tạo ra nhiều thay đổi trong cơ thể người mẹ. Nhưng ở tuần thai này, các cơn gò Braxton-Hicks có thể làm mỏng tử cung của mẹ để chuẩn bị cho ngày sinh nở.
Nếu muốn giảm bớt cơn đau, mẹ hãy thử thay đổi tư thế, uống nước hoặc nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu các cơ gò cứng bụng vẫn không thuyên giảm và ngày càng nhiều hơn thì mẹ có thể sắp chuyển dạ. Lúc này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám cụ thể.
4. Những xét nghiệm khi mang thai 37 tuần
Ngoài những thăm khám thông thường như kiểm tra cổ tử cung, ngôi thai, nước ối, tim thai nhi... thì bác sĩ cũng có thể sẽ thực hiện một hoặc nhiều lần kiểm tra vùng xương chậu.
Việc kiểm tra này sẽ giúp bác sĩ xác định tốt hơn vị trí sinh của em bé khi còn nằm nên trong tử cung của mẹ, chẳng hạn: đầu trước, chân trước hoặc mông trước. Hầu hết trẻ sinh ra sẽ nằm ở vị trí đầu trước.
Trong suốt quá trình kiểm tra xương chậu, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cổ tử cung của mẹ để xem nó đã mềm, giãn ra và mỏng đi bao nhiêu, để từ đó có thể xác định lại ngày dự sinh cũng như hình thức sinh nở.
5. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 37
Ở những tuần cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé đều cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Mẹ có thể trao đổi cùng bác sĩ về vấn đề chuyển dạ và sinh con. Cũng như thảo luận cùng chồng các biện pháp thư giãn như đọc sách, xem phim, đi bơi... để giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
5.1 Khi thai nhi 37 tuần tuổi nên kiêng gì?
Cũng giống như những tuần thai trước, mẹ cần lưu ý cách đi đứng nhẹ nhàng, mang giày bệt để tránh những “tai nạn” không mong muốn.
Không tự ý dùng thuốc trong giai đoạn này cũng như trong suốt thai kỳ, nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
5.2 Có thai 37 tuần mẹ nên ăn gì?
Khi thai nhi được 37 tuần, mẹ vẫn ăn theo một chế độ ăn cân bằng và hợp lý. Bên cạnh đó, cần tập trung bổ sung vitamin K, vì đây là vitamin thiết yếu để tạo đông máu, vốn rất quan trọng trong thời điểm sinh nở. Một lượng lớn vitamin K sẽ giúp cầm máu khi bé rời khỏi bụng mẹ.
Mẹ có thể bổ sung vitamin K cho cơ thể từ các nguồn như:
- Rau lá xanh gồm súp lơ xanh, mùi tây, cần tây…
- Các loại trái cây: dưa hấu, đu đủ, dâu tây, lê
- Súp lơ, bắp cải, măng tây và cà chua
- Các loại đậu đỗ và ớt chuông
- Nếp, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám
- Sữa
Như vậy, bé yêu của mẹ có thể “đòi” ra bất kỳ ngày nào kể từ tuần thứ 37. Vì thế, hãy chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, hoàn thành nốt các việc còn dang dỡ đi mẹ nhé, vì cuộc sống của mẹ sẽ sớm phải thay đổi khi có thêm sự xuất hiện của thành viên mới.