Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thai nhi 38 tuần phát triển thế nào? Những điều mẹ cần lưu ý

(VOH) – Thai nhi 38 tuần đã có thể ‘đòi’ ra ngoài bất kỳ lúc nào. Bé đã chuyển sang tư thế sẵn sàng chào đời, chẳng hạn như quay mặt về phía sau, đầu cúi xuống dưới...và nhiều sự thay đổi khác nữa.

1. Thai nhi 38 tuần nặng bao nhiêu kg?

Ở tuần thai 38 được xem là giai đoạn cuối của thai kỳ, bé yêu của mẹ hiện có kích thước dài 50cm (đo từ đỉnh đầu đến gót chân) và nặng khoảng 3.1kg. Kích thước của bé lúc này tương đương như một nhánh tỏi tây.

So với các bé gái, cân nặng của bé trai thường có xu hướng “nhỉnh” hơn. Cân nặng này sẽ có sự thay đổi đáng kể khi bước sang tuần 39 và 40 do cơ thể đang tiếp tục tích mỡ.

Đặc biệt, nếu mẹ muốn cân nặng thai nhi tăng nhanh thì đây chính là thời điểm tốt nhất để “chạy đua” cân nặng của con.

thai-nhi-38-tuan-phat-trien-the-nao-nhung-dieu-me-can-luu-y-voh-0
Thai nhi 38 tuần cân nặng không nhiều thay đổi so với tuần trước đó (Nguồn: Internet)

1.1 Thai nhi 38 tuần không tăng cân có sao không?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến thai nhi 38 tuần không tăng cân. Những lý do phổ biến nhất là:

  • Mẹ bị thiếu cân hoặc thừa cân: Mẹ không ăn đủ chất dinh dưỡng, khiến bé 38 tuần không tăng cân được. Mẹ ăn nhiều nhưng không đa dạng cũng có thể gây ra tình trạng này.
  • Thai nhi bị dị tật bẩm sinh: Thai nhi có thể bị chậm phát triển nếu có dị tật, chẳng hạn như thiếu cơ quan trong cơ thể, hay có những bộ phận không được phát triển đầy đủ.
  • Sử dụng chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá là những chất có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến bé yêu trong bụng, gây ức chế phát triển cân nặng.
  • Mẹ bổ sung canxi quá sớm: Bổ sung canxi trước tuần thai thứ 16 có thể khiến thai nhi chậm tăng cân. Nguyên nhân là do canxi bám vào bánh nhau, khiến dưỡng chất không được cung cấp cho bé yêu đầy đủ.
  • Mẹ thường xuyên ăn đêm: Ăn đêm khi mang thai không tốt cho cả mẹ và con, vì thế tốt nhất mẹ chỉ nên uống sữa trước khi đi ngủ.

1.2 Thai nhi 38 tuần đã quay đầu chưa ?

Thông thường, thai nhi ở tuần 35 và 36 đã bắt đầu quay đầu. Thai 38 tuần chưa quay đầu sẽ được gọi là ngôi thai ngược. Đây là một tình trạng hiếm gặp và có thể sẽ phải áp dụng hình thức sinh mổ để đảm bảo an toàn.

Xem thêm: Cách giúp mẹ xoay ngôi thai khi được chẩn đoán ngôi thai ngược

2. Sự phát triển thai nhi 38 tuần tuổi

Nếu mẹ theo dõi đầy đủ quá trình phát triển của thai nhi sẽ biết rằng, ở tuần 38 bé yêu sẽ phát triển chậm lại. Cụ thể, trong tuần bé yêu của bé sẽ phát triển một số điểm sau:

  • Mọc móng tay và móng chân: Móng tay và móng chân của bé bắt đầu mọc ra với độ dài có thể đã chạm đến đầu ngón chân.
  • Phản xạ cầm nắm tay: Các hành động mút tay hoặc nắm chặt bàn tay cũng được bé thực hiện thường xuyên hơn. Điều này sẽ giúp bé có được ngay phản xạ ngậm mút bầu sữa hoặc nắm lấy bàn tay mẹ sau khi chào đời.
  • Rụng lông tơ: Lớp lông tơ hay lớp chất sáp bã nhờn sẽ dần rụng để chuẩn bị cho ngày bé bước ra thế giới bên ngoài.
  • Màu mắt: Màu mắt của bé có thể sẽ giữ nguyên hoặc thay đổi khi sinh ra. Do đó, để biết chính xác mắt bé có màu gì mẹ cần đợi đến khi bé tròn 1 tuổi.
  • Các cơ quan trong cơ thể hoàn chỉnh: Ở tuần thai 38, các bộ phận trên cơ thể như da, tóc, não bộ, tim, mạch máu...đã được hoàn thiện đầy đủ, riêng phổi thai nhi vẫn đang trong giai đoạn trưởng thành hoàn chỉnh. Sau khi sinh ra, bé cần vài tiếng để thiết lập nhịp hô hấp bình thường.
  • Nhau thai cung cấp dưỡng chất ít lại: Những tuần gần cuối thai kỳ, nhau thai sẽ không còn cung cấp đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu cho bé. Sau khi chào đời, sữa mẹ mới là nguồn cung cấp chất dưỡng tốt nhất cho con.
  • Thân nhiệt hoàn thiện, mỡ trải đều dưới da: Bắt đầu từ tuần này, bé đã có thân nhiệt riêng. Lớp mỡ chiếm phần lớn trong khối lượng cơ thể thai nhi và đã trải đều dưới da, có tác dụng giữ ấm cho bé sau khi chào đời.
  • Thính giác, thị giác, khứu giác đã hoàn thiện: Lúc này bé đã có thể cảm nhận rất rõ ràng các động tác bên ngoài bụng mẹ.

3. Dấu hiệu mang thai 38 tuần

Mặc dù thai 38 tuần cũng được xem là sắp bước vào giai đoạn chuyển dạ, nhưng mẹ vẫn có thể phải đối mặt với một vài triệu chứng ở tuần thai này, chẳng hạn như:

thai-nhi-38-tuan-phat-trien-the-nao-nhung-dieu-me-can-luu-y-voh-1
Bụng to khiến mẹ thường xuyên bị đau lưng (Nguồn: Internet)
  • Đau lưng nhẹ
  • Ợ chua, buồn nôn và khó tiêu
  • Táo bón
  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Chảy sữa
  • Tăng áp lực vùng chậu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Phù ở chân và mắt cá chân
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Có cơn co thắt Braxton-Hicks

3.1 Những thay đổi tâm lý ở người mẹ

Cảm giác lo lắng là những gì mẹ có thể nhận thấy ngay lúc này. Nếu cảm thấy tâm lý đang mất cân bằng, mẹ nên chia sẻ với chồng hoặc nói chuyện với bác sĩ. Họ sẽ giúp mẹ giải tỏa tâm lý cũng như xoa dịu một số lo lắng mà mẹ đang gặp phải.

Còn nếu mẹ cảm thấy không thoải mái về thể chất, hãy cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn bằng cách: ngủ, đi bộ, tập yoga hay nói chuyện cùng bạn bè, người thân.

3.2 Thai 38 tuần ra dịch nhầy màu vàng có sao không?

Mẹ có thể sẽ thấy xuất hiện dịch nhầy màu vàng ở tuần 38 thai kỳ. Tuy nhiên, nếu dịch nhầy có màu vàng nhạt và không có mùi hôi khó chịu thì mẹ không cần quá lo lắng, bởi sự thay đổi hormone khi mang thai có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trường hợp bà bầu ra dịch nhầy màu vàng kèm theo mùi hôi, gây ngứa hay có bọt thì mẹ nên cẩn thận vì đây có thể là triệu chứng liên quan tới viêm âm đạo, hay nhiễm trùng...

Ngoài ra, vào khoảng tuần 38 thai kỳ, mẹ có thể sẽ không còn nút nhầy trong cổ tử cung. Đây là một loại chất nhầy giúp bảo vệ cổ tử cung khỏi bị nhiễm trùng trong suốt thai kỳ.

Nhiều người cho rằng, nút nhầy cổ tử cung chỉ biến mất khi thai phụ bước vào giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên, thực tế lớp chất nhầy bảo vệ này có thể bị bong ra vài tuần trước khi bắt đầu chuyển dạ.

4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 38

Nếu mẹ vẫn chưa tìm hiểu về những dấu hiệu sắp sinh ở tuần trước, thì mẹ nên thực hiện ngay việc đó trong tuần này.

thai-nhi-38-tuan-phat-trien-the-nao-nhung-dieu-me-can-luu-y-voh-2
Mang thai tuần 38 mẹ cần quan tâm đến những dấu hiệu sắp sinh (Nguồn: Internet)

Những cơn co thắt Braxton-Hicks thường đã diễn ra một vài tuần trước đó và chúng thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng lại rất giống với các cơn gò tử cung thật sự.

Xem thêm: Nhận diện 3 cơn gò tử cung khác nhau trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết

Vì thế, mẹ hãy lưu ý khi cơn chuyển dạ thật sự bắt đầu, mẹ có thể sẽ nhận thấy:

  • Các cơn co thắt xuất hiện thường xuyên và cơn đau ngày càng nhiều hơn
  • Vỡ túi ối
  • Bị tiêu chảy
  • Nặng vùng xương chậu

Nếu có những dấu hiệu này, mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.

5. Lời khuyên cho bà bầu mang thai tuần 38

Có lẽ mẹ đã chuẩn bị đầy đủ tất cả mọi việc và hiện tại mẹ chỉ cần chờ đợi giây phút bé yêu xuất hiện. Tuy nhiên, nếu có thể mẹ nên thực hiện một số việc làm sau đây, vì nó thực sự tốt cho quá trình sinh nở của mẹ:

5.1 Đi bộ

Vận động cơ thể nhẹ nhàng luôn có lợi cho bà bầu, đặc biệt là khi thai kỳ ở tuần 38. Việc đi bộ sẽ giúp cho phần hông lắc lư liên tục, điều này sẽ giúp đầu em bé chui vào xương chậu của mẹ dễ dàng hơn, từ đó quá trình “vượt cạn” cũng sẽ thuận lợi hơn

5.2 Giảm căng thẳng

Giữ tinh thần thoải mái luôn là ưu tiên hàng đầu mà mẹ cần thực hiện nghiêm túc. Suy nghĩ nhiều, lo lắng hay hồi hộp có thể làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé. Để giảm căng thẳng mệt mỏi, mẹ hãy tập các bài thư giãn như yoga, thiền định, bài tập thở....

5.3 Thực hiện bài tập Squat

Các động tác đứng lên ngồi xuống trong bài tập Squat tương tự như ngồi xổm. Bài tập này giúp cơ thể mẹ dẻo dai và tăng cường sức khỏe cơ. Đồng thời, bài tập này cũng giúp thời gian chuyển dạ xảy ra sớm hơn vì các cơ xương chậu mở rộng, tạo không gian cho phép bé kích thích chuyển dạ.

Như vậy là mẹ đang ở rất gần với ngày sinh nở. Vì thế, hãy bình tĩnh, nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất. Nếu có những dấu hiệu bất thường mà mẹ nghi ngờ cơn chuyển dạ đang diễn ra hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được chăm sóc và theo dõi.

Bình luận