Thai nhi ở tuần 39 tức mẹ đang ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Sinh con ở tuần 39 đã được coi là đủ tháng, thai nhi ra đời khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy vậy, trên thực tế, có ít hơn 5% phụ nữ mang thai sẽ sinh đúng vào ngày dự sinh, bé có thể sẽ sinh sớm hơn hoặc trễ hơn so với mốc thời gian tính toán của bác sĩ.
1. Sự phát triển thai nhi 39 tuần tuổi
Vì bé đã phát triển một cách thật hoàn hảo trong 9 tháng vừa qua nên giờ đây bé yêu trong bụng mẹ đã trông giống như một đứa trẻ sơ sinh. Nếu bé vẫn chưa muốn “ra ngoài” bé sẽ tiếp tục phát triển để hoàn thiện hơn nữa các cơ quan, bộ phận trong cơ thể mình, chẳng hạn như:
- Bé vẫn sẽ tiếp tục béo lên do sự tích tụ mỡ dưới da. Lớp mỡ này sẽ bao phủ khắp cơ thể thai nhi nhằm giữ ấm cho bé sau khi chào đời, đảm bảo thân nhiệt bé sẽ ổn định và thích nghi tốt với môi trường bên ngoài tử cung người mẹ.
- Cơ bắp tay và chân của bé trở nên săn chắc hơn. Móng tay và móng chân đã phát triển hoàn thiện.
- Bộ não của bé vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc (tăng trưởng khoảng 30% trong 4 tuần). Sự tăng trưởng này vẫn sẽ được tiếp dục duy trì trong 3 năm đầu đời của bé.
- Lớp bã nhờn giống như sáp bao phủ da và tóc đã bong ra, thay vào đó là một lớp da mới. Lông tơ và chất bảo vệ cơ thể bé cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, một số trẻ có thể sẽ vẫn còn một ít bã nhờn và lông tơ khi chào đời.
- Dây rốn dài khoảng 50cm và dày tới 1.3cm. Tuy nhiên, do dây rốn dài nên bé có thể gặp phải tình trạng dây rốn quấn cổ hoặc quấn quanh người.
- Nhịp tim của bé có thể sẽ nhanh hơn nhịp tim của mẹ.
- Cơ thể thai tuần 39 sẽ tự tiết ra một chất bôi trơn, chất này có tác dụng tránh 2 lá phổi dính vào nhau, để bé có thể dễ dàng hít thở và ra bên ngoài.
- Bé đã có được kháng thể do mẹ truyền qua nhau thai để giúp bảo vệ bé tránh nhiễm bệnh sau khi sinh ra. Lượng kháng thể này sẽ được tăng nhiều hơn khi bé được bú sữa mẹ.
- Bé tụt sâu xuống tử cung, phần đầu hướng ra sau (ngôi thai thuận) để sẵn sàng cho việc chào đời. Nếu đến giai đoạn này, thai nhi vẫn chưa quay đầu, mẹ nên thử áp dụng một số bài tập giúp bé xoay về ngôi thai thuận để hạn chế phải sinh mổ.
Xem thêm: Những kiến thức mẹ bầu cần biết về phương pháp sinh mổ
1.1 Thai nhi 39 tuần nặng bao nhiêu kg?
Kích thước thai nhi 39 tuần sẽ có thay đổi nhẹ về cả chiều dài và cân nặng. Theo tiến trình phát triển của thai nhi, em bé của mẹ có thể đã to bằng một quả dưa hấu nhỏ, với chiều dài hơn 50cm và cân nặng khoảng 3.2kg.
Tuy nhiên, cân nặng thai nhi 39 tuần cũng còn tùy thuộc vào giới tính của bé. Những bé trai sẽ có xu hướng nặng hơn bé gái một chút xíu.
1.2 Thai nhi 39 tuần ít đạp có sao không ?
Hoạt động thai máy của thai nhi sẽ diễn ra rất đều đặn từ tuần 15, 16 hoặc trễ hơn là khoảng tuần thai 18 và kéo dài đến hết thai kỳ.
Do đó, nếu ở giai đoạn này mẹ không nhận thấy thai nhi ít đạp thì nên báo cho bác sĩ sản khoa biết. Việc bé ít hoạt động hơn trong bụng mẹ có thể là dấu hiệu của một vấn đề bất thường.
2. Dấu hiệu mang thai 39 tuần
Mỗi tuần thai trôi qua là một trải nghiệm thú vị đối mẹ bầu. Những thay đổi về thực thể hay tâm lý của mẹ bầu vẫn sẽ diễn ra đều đặn ở các tuần thai kỳ. Trong tuần này cũng sẽ có những sự thay đổi mà mẹ bầu cần lưu ý:
2.1 Triệu chứng thực thể
Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai 39 tuần là:
- Ợ chua và buồn nôn
- Đau lưng
- Đau xương mu
- Mất ngủ
- Lo lắng, mệt mỏi
- Ăn không ngon
- Các cơn co thắt Braxton-Hicks diễn ra thường xuyên
Ngoài ra, do bé yêu của mẹ có thể sẽ “đòi” vào bất kỳ lúc nào. Vì thế mẹ cần đặc biệt quan tâm đến 3 dấu hiệu chuyển dạ điển hình nhất, đó là:
- Đau bụng: Các cơn đau bụng sẽ xuất hiện với tần suất gần nhau, thời gian đau kéo dài và khoảng cách các cơn đau sẽ càng lúc càng ngắn lại
- Ra huyết hồng âm đạo: Đây là dấu hiệu cho thấy nút nhầy tại cổ tử cung đã bong ra, cổ tử cung đã bắt đầu mở để em bé di chuyển qua ống sinh sản.
- Cảm giác muốn đi ngoài (hoặc bị tiêu chảy): Khi ngôi thai bắt đầu tụt xuống, chui vào tiểu khung để chuẩn bị ra ngoài có thể sẽ đè vào trực tràng, khiến mẹ có cảm giác muốn đi ngoài.
2.2 Thay đổi trong tâm lý
Bà bầu mang thai 39 tuần thường sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và hồi hộp chờ đến ngày vượt cạn. Hãy cố gắng tránh những cảm xúc tiêu cực, nghỉ ngơi và làm những công việc nhẹ nhàng, không tốn nhiều năng lượng.
Có thể những cơn đau sẽ khiến mẹ không thoải mái, nhưng đừng quá lo lắng mẹ có thể đọc trước những dấu hiệu sắp sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt tinh thần.
Đôi khi những giấc mơ kỳ lạ cũng có thể xuất hiện trong tuần này. Điều này cho thấy mẹ đang trong trạng thái hoang mang vì đã trễ ngày dự sinh, hoặc những lo lắng ban ngày của mẹ đã khiến mẹ kiệt sức. Biện pháp tốt nhất dành cho mẹ là hãy thư giãn, bớt suy nghĩ và lo lắng vì thực tế có những thai kỳ kéo dài đến 40 tuần hoặc lâu hơn. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Xem thêm: Trọn bộ ‘bí kíp’ các vật dụng cần thiết đảm bảo mẹ đi đẻ là suôn sẻ
2.3 Mang thai tuần 39 bụng căng cứng có sao không?
Hiện tượng thai gò căng cứng bụng diễn ra khá phổ biến trong các kỳ tam cá nguyệt, đặc biệt là ở tam cá nguyệt thứ 2. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là:
- Thai nhi phát triển tốt
- Mẹ bầu bị táo bón
- Xoa bụng quá nhiều
- Tâm lý căng thẳng
- Các nguyên nhân bất thường như thai chết lưu, nhau thai rách, thiếu nước ối,...
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bụng căng cứng ở tuần 39 nhiều khả năng là dấu hiệu sắp sinh. Nếu mẹ nhận thấy các cơn gò cứng bụng xuất hiện liên tục, âm ỉ ở bụng dưới, không thuyên giảm khi mẹ thay đổi vị trí. Kèm theo đó là các triệu chứng ra huyết hồng âm đạo, đau vùng xương chậu, đau lưng, chuột rút...thì mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn sàng để đến bệnh viện.
3. Những xét nghiệm khi mang thai 39 tuần?
Mẹ vẫn còn vài tuần nữa trước khi được xem là “thai quá ngày”. Để chắc chắn rằng bé vẫn khỏe mạnh, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu mẹ làm một vài thử nghiệm để kiểm tra và quyết định xem có nên chấm dứt thai kỳ không.
Mẹ có thể được lập hồ sơ đánh giá sinh lý phát triển thai (BPP), trong đó bao gồm: khám siêu âm kiểm tra các chuyển động tổng thể của bé; cử động hít thở, chuyển động của các cơ ngực và cơ hoành: trương lực cơ, bé xòe nắm bàn tay hoặc duỗi và gập chân tay lại; cũng như lượng nước ối bao quanh bé, phản ánh nhau thai đang hỗ trợ bé tốt thế nào.
Việc theo dõi nhịp tim thai (NST) sẽ được thực hiện riêng lẻ hoặc cùng với các xét nghiệm kể trên.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có những điều không chắc chắn, chẳng hạn như mức nước ối quá thấp, mẹ sẽ được can thiệp để chuyển dạ. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem cổ tử cung của mẹ đã sẵn sàng về vị trí, độ mềm, mỏng và giãn nở hay chưa.
Như vậy, kết quả của xét nghiệm này sẽ quyết định việc “kích thích chuyển dạ” sẽ được thực hiện như thế nào và vào lúc nào. Thông thường, nếu cơ thể không thể chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ sẽ chủ động can thiệp vào khoảng giữa tuần 40 và 41.
4. Lời khuyên cho mẹ bầu mang thai tuần 39
Nếu mẹ muốn cố gắng để chuyển dạ tự nhiên, mẹ có thể thử một vài cách dưới đây. Mặc dù không đảm là chắc chắn sẽ thành công, nhưng chúng cũng có thể giúp ích cho mẹ:
4.1 Nghỉ ngơi
Mẹ có thể sẽ không được ngủ đủ giấc vì những cơn đau nhức khiến mẹ khó ngủ. Vì thế, hãy tranh thủ chợp mắt vào ban ngày để bù đắp lại khoảng thời gian khó ngủ vào buổi tối.
Lựa chọn tư thế ngủ thoải mái và an toàn cho bà bầu để giấc ngủ không bị gián đoạn.
4.2 Chia nhỏ bữa ăn
Mặc dù mẹ đã thoát khỏi triệu chứng nghén khi mang thai nhưng vào thời điểm thai 39 tuần hệ tiêu hóa của mẹ cũng rất dễ bị quá tải. Vì thế, mẹ hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Tránh ăn các loại thức ăn cay, chua để ngăn ngừa tình trạng ợ nóng và buồn nôn trong tam cá nguyệt thứ 3.
4.3 Uống đủ nước
Không uống đủ nước có thể khiến mẹ bị mệt mỏi, kiệt sức và thậm chí gây rối loạn tiêu hóa.
4.4 Thay đổi tư thế chậm và nhẹ
Mọi vận động của mẹ trong lúc này nên được diễn ra một cách từ từ, không nên thực hiện bất kỳ một động tác nào một cách đột ngột. Nên nằm nghiêng khi ngủ, ngồi dậy và giữ nguyên tư thế một chút trước khi ra khỏi giường hoặc nên duỗi thẳng chân nếu mẹ đã ngồi lâu trên ghế.
Nếu thấy việc di chuyển quá khó khăn, mẹ hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng, vì di chuyển với một chiếc bụng to thật sự rất khó khăn đối với mẹ.
4.5 Giảm căng thẳng
Nghỉ ngơi nhiều hơn là cách để mẹ được thoải mái, vui vẻ. Mẹ cũng có thể sử dụng các loại tinh dầu, tập yoga... để cải thiện tâm trạng của mình.
Như vậy, khi thai nhi 39 tuần mẹ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, vì bé yêu của mẹ có thể sẽ chào đời vào bất cứ thời gian nào. Trong khi chờ đợi, mẹ hãy chăm sóc bản thân mình thật tốt và nếu có dấu hiệu chuyển dạ hãy đến bệnh viện ngay lập tức.