Tiêu điểm: Nhân Humanity

3 nguyên nhân thường gặp khiến thai nhi nấc cụt

(VOH) – Trong suốt thai kỳ, bé yêu trong bụng luôn có nhiều sự thay đổi mà mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận được. Ngoài những cú đạp, đá thì mẹ còn nghe được cả tiếng thai nhi nấc cụt.

Trong thời gian mang thai, nhiều mẹ bầu cảm nhận được những tiếng nấc cụt của thai nhi. Thế nhưng, phần lớn các mẹ lại không biết hiện tượng thai nhi nấc cụt là báo hiệu điều gì nên thường cảm thấy lo lắng.

1. Nguyên nhân thai nhi nấc cụt

Theo các bác sĩ, nấc trong bào thai là một phản xạ bình thường. Ngay từ trong bụng mẹ bé đã có thể nấc, thậm chí nấc cụt rất sớm (khoảng tuần thứ 9 của thai kỳ) nhưng do giai đoạn này thai nhi còn quá nhỏ nên các mẹ thường không cảm nhận được, chỉ đến những tháng gần cuối thai kỳ bà bầu mới cảm nhận được một cách rõ ràng nhất.

Những nguyên nhân gây ra hiện hiện tượng thai nhi nấc cụt có thể là do:

1.1 Bé muốn được chào đời

Trong bụng mẹ, thai nhi đã hình thành những tính cách riêng, có những bé hiếu động nhưng lại có những bé khá trầm tính. Những em bé hiếu động thường vung tay, đạp chân, hoạt động nhiều gây ra tình trạng nấc cụt thường xuyên hơn và điều đó được lý giải là do bé thiếu kiên nhẫn, chỉ mong nhanh chóng đến ngày ra khỏi bụng mẹ.

Bên cạnh đó, tiếng nấc của thai nhi cũng là biểu hiện bé đang chuẩn bị cho kỹ năng bú mẹ sau này. Việc bé tự tập mút, tập bú mẹ sẽ có thể tạo ra những tiếng nấc.

3-nguyen-nhan-thuong-gap-khien-thai-nhi-nac-cut-voh

Hiện tượng nấc cụt trong bào thai có thể do bé mong muốn được chào đời (Nguồn: Internet)

1.2 Trục trặc nhịp nuốt – thở

Giống như hiện tượng nấc cụt ở người lớn, thai nhi nấc cụt có thể do chuyển động bất thường của cơ hoành. Vì còn bé nên thai nhi chưa tự cân bằng được nhịp nuốt và thở của mình. Khi tập nuốt hoặc tập thở, bé sẽ hít vào hoặc đẩy nước ối ra ngoài, gây ra tiếng nấc.

1.3 Cuống rốn bị chèn ép

Một nguyên nhân gây nấc cụt ở thai nhi mà các mẹ cần phải lưu tâm vì có khả năng bé bị nguy hiểm đó chính là cuống rốn bị chèn ép. Khi cuống rốn bị chèn ép, nguồn cung cấp oxy sẽ bị hạn chế hoặc truyền tới quá ít khiến thai nhi nấc cụt trong bụng mẹ.

Ngoài ra, khi cuống rốn bị chèn ép nó cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tim và việc lưu thông máu đến bào thai. Vì thế, nếu mẹ bầu cảm thấy hiện tượng nấc cụt ở thai nhi có sự gia tăng đột biến về tần suất cũng như mức độ thì mẹ nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra chính xác.

2. Cách nhân biết dấu hiệu thai nhi nấc cụt

3 nguyên nhân thường gặp khiến thai nhi nấc cụt 2

Có nhiều dấu hiệu giúp mẹ nhận biết hiện tượng nấc cụt ở thai nhi (Nguồn: Internet)

Mẹ bầu có thể nhận thấy thai nhi đang bị nấc cụt thông qua những dấu hiệu sau:

  • Về nhịp điệu: Dấu hiệu thai nhi nấc cụt được nhiều mẹ bầu miêu tả giống như những cú giật đều hoặc tiếng đồng hồ tích tắc. Nếu đặt tay lên bụng bầu, sẽ cảm nhận được tiếng nấc của thai nhi trong bụng mẹ như nhịp tim đang đập.
  • Về thời gian: Thời gian thai nhi bị nấc thường kéo dài khoảng 3 – 15 phút. Thông qua siêu âm mẹ có thể nhìn thấy hình ảnh bé nấc.
  • Về thời điểm: Thai nhi có thể bị nấc nhiều lần trong ngày, bất kể ban ngày hay ban đêm.
  • Về mức độ: Những tiếng nấc của bé trong bụng mẹ thường diễn ra khá nhẹ nhàng.

Nhìn chung, hiện tượng thai nhi bị nấc trong bụng mẹ là bình thường và nó cũng giống như hiện tượng thai máy. Tuy nhiên, trong thai kỳ mẹ cũng cần lưu ý đến những chuyển động của bé yêu trong bụng, nếu có bất cứ nghi ngờ nào, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.

Bình luận