Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thai nhi tuần thứ 10: Móng tay bé hình thành, mẹ cũng có những thay đổi thú vị

(VOH) – Ở tuần thai này, bạn vẫn còn đang trong thời kỳ mệt mỏi vì những triệu chứng nghén, nhưng với thai nhi tuần thứ 10 thì đã có nhiều những sự thay đổi ở bên trong lẫn bên ngoài.

Mặc dù bạn đang tiếp tục ở những tuần thai đầy mệt mỏi trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng những gì bạn trải qua cũng mang đến bạn nhiều trải nghiệm thú vị.

1. Sự phát triển thai nhi 10 tuần tuổi

Thai nhi 10 tuần tuổi sẽ có kích thước cỡ quả quất, nặng khoảng 7g và chiều dài hơn 2.54cm (chỉ số này không tính hai cánh tay và cẳng chân). Trong tuần này, tất cả các cơ quan nội tạng của bé đã được hình thành và bắt đầu hoạt động cùng nhau. Mẹ có thể hình dung thai nhi lúc này như sau:

  • Không còn các màng giữa ngón chân và tay. Thay vào đó, móng đang dần hình thành trên ngón tay và ngón chân.
  • Xương và sụn ở chân đang phát triển thành đầu gối, mắt cá chân và tay cùng với khủy tay đã được hình thành.
  • Những chồi răng nhỏ đang bắt đầu xuất hiện dưới lợi, đang cứng dần và liên kết với xương hàm.
  • Trán phồng lên do sự phát triển nhanh chóng của não.
  • Thận, ruột, gan (hiện đang tạo ra các tế bào hồng cầu để thay thế cho tũi noãn hoàng) đã sẵn sàng và bắt đầu hoạt động. Dạ dày của bé đã bắt đầu tiết dịch vị.
  • Tủy sống bắt đầu sản sinh ra bạch cầu.
  • Hai lỗ tai của bé gần như định hình xong. Lông mi sẽ phủ đầy đôi mắt bé, bé sẽ nhắm mắt để bảo vệ an toàn cho đôi mắt.
  • Lông tơ đã bắt đầu mọc trên làn da mềm mại của con.
  • Nếu con bạn là con trai, hormone testosterone sẽ được sản xuất trong giai đoạn này.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

1.1 Thai nhi 10 tuần tuổi đã biết đạp chưa?

Như đã nói, thai nhi 9 tuần tuổi đã bắt đầu có những cử động ngẫu nhiên và đến tuần thai thứ 10 sự vận động của bé sẽ càng nhiều hơn. Lúc này, bé có thể đá, trườn, vặn mình và xoay người, nhưng đa phần người mẹ sẽ không thể cảm nhận được vì bào thai còn khá nhỏ.

thai-nhi-tuan-thu-10-mong-tay-be-hinh-thanh-me-cung-co-nhung-thay-doi-thu-vi-voh

Sự phát triển của thai nhi 10 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Những động tác co – duỗi nhẹ nhàng của bé sẽ được thực hiện thường xuyên hơn khi cơ thể bé lớn lên, phát triển và có nhiều chức năng hơn.

1.2 Nhịp tim thai nhi tuần thứ 10

Ở tuần thai thứ 10, nhịp tim thai bình thường sẽ dao động ở ngưỡng 120 – 160 lần/phút. Nếu đo được nhịp tim thai trên 180 lần/phút thì đây được xem là tình trạng tim thai nhanh.

Để nghe được nhịp tim thai, bạn có thể nhờ vào sự trợ giúp của ống nghe Doppler – một thiết bị siêu âm cầm tay đặt trên bụng mẹ.

Xem thêm: Sự thật thú vị về việc đoán giới tính bé yêu qua nhịp tim thai nhi

2. Dấu hiệu mang thai tuần 10

Bắt đầu từ tuần này, có những bộ quần áo thông thường đã không còn vừa vặn và khiến bạn không được thoải mái vì bộ ngực căng tức và tăng cân nhẹ.

Ngoài ra, các hormone thai nghén sẽ “thông báo” sự hiện diện của chúng theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Bạn sẽ bị mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi xuất hiện rất nhiều trong giai đoạn này do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Bạn có thể đi bộ và tập thể dục nhẹ nhàng để cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn.
  • Ốm nghén: Buồn và nôn sẽ diễn ra thường xuyên, nhưng bạn đừng nên bỏ bữa bởi nó sẽ khiến tình trạng buồn nôn càng thêm trầm trọng. Hãy uống trà gừng hoặc ăn kẹo có gừng để giảm cảm giác buồn nôn.
  • Ợ nóng và khó tiêu: Nên tránh các loại đồ ăn như bánh mì hoặc mì và ăn nhiều đồ ăn có chất xơ. Sau khi ăn xong, không nên nằm ngay để tránh hiện tượng trào ngược dạ dày và ợ nóng.
  • Chóng mặt: Lượng máu tăng dần lên để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi có thể khiến bạn bị chóng mặt. Hãy nghỉ ngơi nhiều hơn khi cảm thấy chóng mặt.
  • Đau dây chằng: Do các dây chằng ở bụng sẽ dãn ra khi thai nhi càng lớn, nên bạn có thể cảm thấy đau bụng. Hãy massage vùng bụng hoặc nghỉ ngơi khi thấy cảm giác đau này.

thai-nhi-tuan-thu-10-mong-tay-be-hinh-thanh-me-cung-co-nhung-thay-doi-thu-vi-1-voh

Mẹ vẫn chưa thoát khỏi triệu chứng nghén ở tuần thai thứ 10 (Nguồn: Internet)

Xem thêm: Đây là cách giảm triệu chứng nghén khi mang thai cực kỳ hiệu quả

3. Những điều lưu ý khi mang thai tuần thứ 10

Khi bước sang tuần thai thứ 10, bạn hãy theo dõi cân nặng mình để đảm bảo tăng cân phù hợp. Thông thường các đề xuất tăng cân từ bác sĩ đều sẽ dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI trong thời kỳ mang thai của bạn.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra sau để thăm dò sự phát triển của thai nhi:

  • Đo cân nặng và huyết áp.
  • Kiểm tra nước tiểu để đo lượng đường và lượng đạm.
  • Kiểm tra nhịp tim thai nhi.
  • Đo kích thước tử cung, chiều cao của đáy tử cung.
  • Kiểm tra độ sưng của tay và chân, kiểm tra việc giãn tĩnh mạch ở chân.

3.1 Khi thai nhi tuần thứ 10 nên kiêng gì?

Hãy thận trọng khi uống thuốc, sử dụng thức uống có cồn và hút thuốc lá, bởi chúng có thể làm ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.

thai-nhi-tuan-thu-10-mong-tay-be-hinh-thanh-me-cung-co-nhung-thay-doi-thu-vi-2-voh

Tránh uống rượu, bia khi mang thai 10 tuần (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, cần lưu ý về việc “quan hệ vợ chồng” trong lúc mang thai. Mặc dù hầu hết phụ nữ đều có thể sinh hoạt tình dục một các an toàn trong suốt thai kỳ nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên thận trọng.

3.2 Mang thai tuần 10 nên ăn gì?

Vào tuần mang thai thứ 10, bạn hãy cố gắng đạt một sự cân bằng có lợi cho sức khỏe bằng cách chọn các loại thức ăn phù hợp từ tất cả các nhóm thực phẩm, bởi bé cần được nuôi dưỡng bằng nhiều loại dưỡng chất khác nhau.

Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị, phụ nữ mang thai 10 tuần nên sử dụng các khẩu phần thuộc các nhóm thực phẩm chính sau đây:

  • 6 - 11 khẩu phần bánh mì và ngũ cốc
  • 3 - 4 khẩu phần protein
  • 4 - 5 khẩu phần các sản phẩm sữa
  • 5 -10 khẩu phần rau và trái cây, gồm 2 hoặc nhiều khẩu phần thực phẩm giàu vitamin C

Khi bé phát triển với tốc độ nhanh hơn, bạn sẽ cần bổ sung thêm 300 kcal/ngày vào khẩu phần ăn.

Bên cạnh đó, trong tuần thứ 10 của thai kỳ bạn có thể áp dụng một số phương pháp tập luyện nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, yoga... để giúp tăng cường sức khỏe, giảm stress cho cơ thể...

Như vậy, với thai nhi 10 tuần tuổi mọi sự phát triển trong cơ thể bé vẫn đang diễn ra từng ngày. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để bạn gặp gỡ với những bà mẹ khác, cùng giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm khi mang thai.

Bình luận