Chờ...

Theo dõi thay đổi ở trẻ 13 tháng tuổi và lưu ý cách chăm sóc bé

(VOH) – Bước sang năm thứ hai, trẻ 13 tháng tuổi dường như trở nên ‘tự lập’ hơn nhưng cũng không kém phần bướng bỉnh. Mẹ cần làm gì để cùng bé vượt qua tháng tuổi đặc biệt này?

Các bạn nhỏ 13 tháng tuổi luôn háo hức khám phá thế giới xung quanh mình mỗi ngày, không chỉ con cảm thấy hào hứng với những phát hiện mới mà cảm xúc ấy còn “lan truyền” tới cả cha mẹ nữa đấy!

1. Bé 13 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Sau khi tròn 1 tuổi, chỉ số tăng trưởng chiều cao và cân nặng của con có ít sự thay đổi. Dưới đây là các chỉ số của bé mà mẹ cần theo dõi: 

Chỉ số của bé trai 

  • Cân nặng: từ 7.8 – 12.1kg, trung bình 9.8kg
  • Chiều cao: từ 72.1 – 80.3cm, trung bình 76.9cm 

Chỉ số của bé gái 

  • Cân nặng: từ 7.1 – 11.6kg, trung bình 9.1kg
  • Chiều cao: từ 70 – 80.5cm, trung bình 75.1cm 

2. Trẻ 13 tháng tuổi biết làm gì?

Các hệ cơ quan của trẻ 13 tháng tuổi vẫn đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên, theo dõi sự phát triển của trẻ trong thời gian này, cha mẹ sẽ cảm thấy con thực sự “lớn”.

2.1 Phát triển cảm xúc

Trong khoảng thời gian này, cảm xúc của bạn nhỏ “khó chiều” và không còn đáng yêu như giai đoạn trước. Con hay cáu gắt và khóc hờn mà mẹ chẳng rõ được lý do, đặc biệt, tính tự lập của bé trong giai đoạn này phát triển khá mạnh mẽ, con muốn làm theo ý của mình nhiều hơn nên mẹ sẽ thấy bé thật bướng bỉnh. 

Xem thêm: 10 cách ‘thuần phục’ một đứa trẻ bướng bỉnh không quát mắng hay đòn roi

2.2 Tập leo cầu thang 

Ở tháng tuổi thứ 13, hầu hết trẻ đã đi khá vững nên các con đang tập luyện một kĩ năng mới, đó là leo cầu thang. Hoạt động leo trèo cầu thang luôn khiến bé yêu thích thú dù với cha mẹ thì có phần “đuối sức” vì vẫn cần nắm tay và hỗ trợ con leo từng bước. 

theo-doi-thay-doi-o-tre-13-thang-tuoi-va-luu-y-cach-cham-soc-be-voh-0
Trẻ 13 tháng tuổi sẽ tập leo cầu thang với sự trợ giúp của cha mẹ (Nguồn: Internet) 

2.3 Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Khả năng nói và phát âm của trẻ 13 tháng tuổi có thay đổi rõ rệt, con gọi chính xác được những tiếng đơn giản như bà, mẹ, măm măm hay tên các con vật. Nhưng đáng chú ý là bé biết kết hợp những cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ mong muốn của mình, con sẽ dùng tay để chỉ đồ vật mình muốn lấy hoặc xua tay đi khi không đồng ý. 

2.4 Thích trò chơi tương tác

Thời kì này mẹ sẽ cảm thấy trẻ luôn tràn đầy năng lượng, ham vui chơi với mọi người thay vì chơi một mình. Con rất thích tham gia các trò chơi có tính tương tác cao như trốn tìm, ném bóng hay đuổi bắt. 

3. Bé 13 tháng tuổi ăn được những gì?

Con bước vào tháng thứ 13, có lẽ mẹ sẽ “đứng ngồi không yên” khi bé biếng ăn hơn trước, mẹ sẽ băn khoăn liệu bé 13 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ vì con thường từ chối ăn và ham vui chơi nhiều. 

Thực tế, ở giai đoạn này con đã mọc được thêm khá nhiều răng sữa, con đã có đủ 4 chiếc răng cửa hàm trên nên mẹ hãy đa dạng các món ăn dặm để bé tập nhai và đảm bảo bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho các hoạt động. Bé cần ăn đủ 3 bữa chính kèm theo từ 2 – 3 bữa phụ mỗi ngày. 

3.1 Sữa và các chế phẩm từ sữa

Cùng với việc duy trì cho bé bú sữa mẹ, các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyên mẹ nên cho bé dùng thêm sữa công thức và sữa tươi thanh trùng không đường để bổ sung đủ 700mg canxi mỗi ngày. 

Trẻ 13 tháng tuổi cũng có thể tập làm quen với các chế phẩm từ sữa khác như sữa chua, phô mai hay váng sữa, tuy nhiên cần đảm bảo bé chỉ hấp thụ tối đa 500-600 ml sữa mỗi ngày, tránh dùng quá nhiều sẽ cản trở quá trình hấp thu sắt từ các món ăn khác. 

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết mẹ 'mát sữa' và cách cải thiện chất lượng sữa mẹ

3.2 Nước 

Dù trẻ có uống sữa nhưng mẹ cũng hãy khuyến khích con uống thêm nước, để hạn chế nguy cơ thiếu nước và tình trạng táo bón. Với bé 13 tháng tuổi, trung bình bé nên uống từ 400-600ml nước mỗi ngày. 

theo-doi-thay-doi-o-tre-13-thang-tuoi-va-luu-y-cach-cham-soc-be-voh-1
Mẹ hãy khuyến khích bé uống đủ nước mỗi ngày (Nguồn: Internet) 

3.3 Cơm 

Khi thiết kế thực đơn ăn dặm cho con, mẹ còn lăn tăn bé 13 tháng tuổi ăn cơm được chưa, thực tế thì bé có thể ăn được rồi vì vào tháng tuổi này khả năng nhai của con đang tốt lên. Mẹ hãy tập cho bé làm quen với cơm nát và mềm một chút, ăn từng lượng nhỏ để bé kịp nhai. 

3.4 Các loại hạt

Để bổ sung thêm năng lượng cho bé, mẹ có thể nghiền nát hoặc xay mịn các loạt hạt như hạnh nhân, óc chó, đậu xanh, đậu đen rồi pha bột hoặc sữa uống. Tuy nhiên, khi cho bé ăn cần theo dõi kĩ càng, tránh trường hợp bị hóc, nghẹn hay sốc phản vệ do dị ứng. 

Xem thêm: Lợi ích và tác hại khi sử dụng quả óc chó mà người dùng phải biết

3.5 Trái cây và rau xanh 

Các bé yêu thường không thích rau xanh nhưng đây là nhóm thực phẩm bổ sung rất nhiều vitamin và chất xơ nên mẹ hãy chia nhỏ lượng rau xanh thành nhiều bữa để động viên bé ăn. Khi chế biến các loại rau, không nên nấu quá lâu vì rau sẽ bị mất chất, mùi vị không còn hấp dẫn. 

Sau mỗi bữa ăn chính, bé có thể ăn thêm trái cây hoặc nước ép trái cây, nhưng nên hạn chế cho quá nhiều đường. 

theo-doi-thay-doi-o-tre-13-thang-tuoi-va-luu-y-cach-cham-soc-be-voh-2
Bé cần ăn thêm rau xanh để bổ sung thêm chất xơ và vitamin (Nguồn: Internet) 

4. Các dấu hiệu phát triển chậm ở trẻ 13 tháng tuổi

Nếu nhận thấy ở bé 13 tháng tuổi xuất hiện các vấn đề sau đây thì có thể quá trình phát triển của con đang diễn ra khá chậm:

  • Không thể đứng vững dù có sự hỗ trợ.
  • Vẫn chưa mọc răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới.
  • Không bập bẹ nói, ít phản xạ lại khi có người trò chuyện. 
  • Chưa thể cầm nắm các đồ vật nhỏ, không hứng thú với các trò chơi. 

5. Những điều cần làm khi chăm sóc trẻ 13 tháng tuổi

Bé lớn thêm khiến cha mẹ có những mối lo mới và cần phải tìm hiểu các lưu ý chăm sóc để phù hợp với tháng tuổi của con. Cùng tham khảo một số lời khuyên dưới đây khi chăm sóc trẻ 13 tháng tuổi nhé.

5.1 Chăm sóc giấc ngủ

Ở tháng tuổi mà con khá mải chơi, cha mẹ cần theo dõi và rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc để thúc đẩy các cơ quan phát triển hoàn thiện. Thời gian ngủ đủ của trẻ 13 tháng tuổi là khoảng 14 tiếng một ngày, bé sẽ ngủ trưa từ 2 – 3 tiếng. 

Xem thêm: Các tư thế ngủ an toàn giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc hơn

5.2 Luôn theo sát trẻ 

Với giai đoạn 13 tháng tuổi, con sẽ “mò mẫm” khắp các ngóc ngách trong nhà, thích leo trèo lên các bậc cầu thang nên cha mẹ cần tăng cường quan sát trẻ, bố trí các thanh chắn để đảm bảo an toàn cho bé. 

5.3 Vệ sinh răng miệng 

Các món con ăn được đa dạng hơn nên vi khuẩn gây bệnh cho răng miệng cũng xuất hiện nhiều. Trước khi đi ngủ, hạn chế cho bé bú sữa mẹ hay ăn thêm, nhớ dùng khăn ấm lau răng và lưỡi nhẹ nhàng cho con. 

5.4 Tiêm phòng vacxin 

Theo lịch tiêm chủng, vào tháng thứ 9, bé đã được khuyến cáo đi tiêm phòng mũi sởi đơn, trong tháng tuổi thứ 13, mẹ hãy cho bé thực hiện mũi sởi - quai bị - rubella. Cùng với đó đây cũng là thời điểm con có thể tiêm phòng thêm nhiều loại vacxin khác như vacxin ngừa bệnh thủy đậu, viêm gan A và viêm não Nhật Bản. 

Hành trình nuôi nấng bé yêu còn rất nhiều điều thú vị, bất ngờ phía trước bởi cả cha mẹ và các bạn nhỏ sẽ cùng nhau “lớn lên” cũng như thay đổi mỗi ngày. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh