Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trẻ 8 tháng tuổi: Những mốc phát triển mẹ không thể bỏ qua

(VOH) – Trẻ 8 tháng tuổi không chỉ biết bò mà bé còn có thể làm quen với mọi thứ. Hãy cùng khám phá những cột mốc quan trọng mà bé yêu của mẹ có thể đạt được ở tháng thứ 8 này.

Trẻ giai đoạn 8 tháng tuổi luôn tò mò về mọi thứ xung quanh, bởi bé đã nhận thức rõ hơn về thế giới bên ngoài. Nếu để ý mẹ sẽ thấy bé trở nên hiếu động, ham học hỏi và có thể tự chơi cùng đồ chơi.  Bên cạnh đó, mẹ cũng cần đa dạng thực đơn ăn dặm cho bé trong giai đoạn này.

1. Bé 8 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Như đã nói, khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, cân nặng của trẻ sẽ có phần chững lại. Tuy nhiên bé vẫn tiếp tục tăng khoảng 450 -600gr/ tháng.

Bảng chiều cao, cân nặng bé 8 tháng tuổi
  Bé trai Bé gái
Chiều cao

Từ 66.5 – 70.6cm. Trung bình: 68.3cm

Từ 64.0 – 73.5cm. Trung bình: 68.7cm

Cân nặng Từ 7.7 – 9.6kg. Trung bình: 8.6kg Từ 7.0 – 9.0kg. Trung bình: 7.9kg

Khi bé 8 tháng tuổi có cân nặng thấp hơn hoặc cao hơn so với cân nặng chuẩn, mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của bé. Vì trẻ 8 tháng tuổi đã chuyển sang giai đoạn ăn dặm, nên mẹ cần có một kế hoạch cho bé ăn dặm hợp lý, cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng.

2. Trẻ 8 tháng tuổi ăn được những gì?

Trong chế độ ăn cho trẻ 8 tháng tuổi cần có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính, bao gồm: bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, bởi chúng rất cần thiết để giúp trẻ phát triển toàn diện.

tre-8-thang-tuoi-nhung-moc-phat-trien-me-khong-the-bo-qua-voh-0
Chế độ dinh dưỡng trẻ 8 tháng tuổi cần đủ 4 nhóm dưỡng chất cơ bản (Nguồn: Internet)

Bên cạnh sữa mẹ, sữa công thức, mẹ có thể thử xem xét và bổ sung các thực phẩm sau đây vào chế độ dinh dưỡng của con:

2.1 Trái cây

Các loại trái cây thông thường như chuối, đu đủ, kiwi, táo, bơ, dưa hấu, thanh long.... đều rất giàu vitamin C, khoáng chất cũng như các vi chất dinh dưỡng khác.

2.2 Rau củ

Có khá nhiều loại rau củ mà bé có thể ăn được trong giai đoạn này, chẳng hạn như súp lơ, bông cải xanh, măng tây, bí ngô.... Với trẻ 8 tháng tuổi, bé đã có thể bắt đầu tăng độ thô của các loại rau xay nhuyễn.

Xem thêm: Trẻ 8 tháng tuổi ăn ngon miệng với thực đơn các món ăn dặm bổ dưỡng, dễ làm

2.3 Cá, thịt

Trẻ 8 tháng tuổi đã có thể ăn được các loại cá thịt trắng như các lóc. Ngoài ra, các loại cá ngủ, cá hồi... cũng có thể sử dụng, vì chúng chứa nhiều axit béo omega-3, có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ. Với cá, mẹ có thể cho bé ăn dưới dạng thịt hấp, gỡ bỏ hết xương, tán nhuyễn nấu cùng cháo, súp.

Thịt gà cũng là một loại thực phẩm lành mạnh đối với trẻ 8 tháng tuổi. Thịt gà có thể được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau như thịt xay nhỏ hoặc nấu cháo, súp. Mẹ cũng có thể lấy nước hầm từ xương gà để chế biến món ăn cho trẻ.

Nhiều mẹ thắc mắc, bé 8 tháng tuổi ăn tôm được không? Thì câu trả lời là từ 7 tháng tuổi, mẹ đã có thể tập cho bé ăn các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, hàu... Tuy nhiên, khi cho bé ăn mẹ cần quan sát biểu hiện cơ thể bé. Với những bé có cơ địa dị ứng, hãy thật thận trọng khi tập cho bé ăn tôm.

2.4 Đậu phụ

Đậu phụ được biết đến là thực phẩm giàu protein và cùng nhiều dưỡng chất có lợi cho sự phát triển của trẻ. Đậu phụ cũng là thực phẩm có thể thay thế cho những em bé đang mắc phải hội chứng không dung nạp đường lactose.

Xem thêm: 4 triệu chứng giúp bạn nhận biết mình đang trong tình trạng không dung nạp Lactose

2.5 Sữa chua

Trẻ 8 tháng tuổi có thể ăn được sữa chua. Món ăn này không chỉ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa cho trẻ, cung cấp lợi khuẩn đường ruột mà còn là một nguồn giàu vitamin và khoáng chất.

3. Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

Bước sang tháng thứ 8, bé đã có thêm được rất nhiều kỹ năng mới, chẳng hạn như bé có thể bám vào một điểm tựa nào đó để đứng lên, một số bé có thể chập chững bước những bước đầu tiên.... Dưới đây là một số cột mốc phát triển mà trẻ 8 tháng tuổi có thể đạt được:

3.1 Phát triển vận động

Bé đã biết bò, trườn hoặc nhoài người ra trước khi muốn di chuyển hoặc lấy đồ vật.

Bé biết chống tay, nghiêng người để ngồi dậy khi đang nằm ngửa hoặc nằm sấp.

Bé có thể vịn vào cũi, thành ghế, hoặc một điểm tựa nào đó để đứng dậy.

tre-8-thang-tuoi-nhung-moc-phat-trien-me-khong-the-bo-qua-voh-1
Trẻ 8 tháng tuổi đã có thể tự chơi với các đồ chơi (Nguồn: Internet)

Một số trẻ đã biết dùng ngón tay trỏ và ngón cái để cầm những đồ vật nhỏ - một dấu hiệu cho thấy vận động tinh tế phát triển.

Tiếp tục thích chơi với cơ thể của bé, bằng cách xòe tay ra và nắm tay lại, thích đạp chân...

3.2 Phát triển ngôn ngữ

Bé biết ghép nhiều âm tiết hơn, biết bắt chước nhiều ngữ điệu khác nhau. Thỉnh thoảng mẹ có thể nghe bé nói mama, baba... nhưng bản thân bé vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của nó đâu. Bé cần thêm vài tháng nữa để biết thêm nhiều từ hơn và biết cách kết từ cũng như hiểu được ý nghĩa của các từ.

Bé thích nói chuyện nhiều hơn, đây là cách để bé phát triển ngôn ngữ. Mẹ có thể đọc cho bé nghe những bài thơ ngắn, có vần điệu dễ nhớ. Bé sẽ thích thú khi mẹ hát hoặc đọc thơ kèm theo một số động tác tay chân của mẹ.

3.3 Phát triển nhận thức

Về mặt nhận thức, giờ đây bé đã hiểu được ý nghĩa của từ “không”. Khi thấy những âm thanh mang ý nghĩa phủ định như “không”, bé sẽ tạm thời ngừng lại nhưng sẽ lại nhanh chóng tiếp tục động tác của mình.

Bé cũng đã tự biết tìm đồ chơi bị rơi hoặc do bé ném đi.

Đây là giai đoạn bé thích khám phá, vì thế, không có gì là ngạc nghiên khi bé thích cho mọi thức vào miệng để “nếm”. Hãy cố gắng đảm bảo sự an toàn cho trẻ bằng cách sắp xếp đồ đạc xung quanh bé hợp lý, tránh khỏi tầm tay bé những loại đồ vật nhỏ có thể khiến trẻ bị hóc.

Xem thêm: 3 sai lầm thường gặp khi sơ cứu trẻ bị hóc dị vật

Bé đã thích tự ngắm mình trong gương từ nhiều tháng trước và sở thích này cũng không hề thay đổi ở tháng thứ 8. Việc đứng ngó nghiêng trước một cái gương giúp bé khám phá ra rất nhiều điều về cơ thể của bé.

Bé thích được đi dạo và khám phá thế giới xung quanh.

Giai đoạn này, bé đặc biệt thích chơi trò ú òa, và nếu mẹ có thời gian chơi cùng bé mẹ sẽ được chứng kiến những trận cười nắc nẻ của con.

Ngoài ra, trẻ 8 tháng tuổi đã nhận thức được sự vắng mặt và trở về của người lớn. Cũng như việc bé đã phân biệt rõ ràng hơn người lạ, người quen. Do đó, bé thường có xu hướng bám lấy cha mẹ hoặc những người thân thiết. Không thích để người lạ bồng, bế.

4. Dấu những dấu hiệu đáng lo ngại ở trẻ 8 tháng tuổi

Theo sự phát triển của trẻ, trẻ 8 tháng tuổi cần đạt được những kỹ năng cơ bản như: tự ngồi, tạo ra được âm thanh, tiếng động, phân biệt được người lạ người quen... Do đó, nếu mẹ nhận thấy bé yêu nhà mình không đạt được một hoặc nhiều kỹ năng dưới đây, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ:

4.1 Không thể tự ngồi

Nếu trẻ 8 tháng tuổi vẫn chưa thể tự ngồi khi có sự trợ giúp từ người lớn, hoặc dễ dàng bị ngã xuống trong lúc tập ngồi thì mẹ cần đưa bé đi thăm khám, nhằm phát hiện kịp thời các bất thường.

4.2 Cơ bắp cứng

tre-8-thang-tuoi-nhung-moc-phat-trien-me-khong-the-bo-qua-voh-2
Theo mốc phát triển bình thường trẻ 8 tháng tuổi đã bắt đầu tập đứng (Nguồn: Internet)

Ở giai đoạn này, hai chân của bé đã thẳng, khi mẹ giúp bé đứng thẳng, chân của bé phải chạm vào mặt đất một cách tự nhiên. Nếu mẹ thấy tay và chân của bé vẫn nắm chặt hoặc co lại thì đây là là dấu hiệu bất thường cần đưa bé đến gặp bác sĩ.

4.3 Không tạo ra bất kỳ tiếng động, âm thanh nào

Mặc dù trẻ 8 tháng tuổi vẫn chưa thể nói, nhưng bé đã biết bập bẹ một vài từ và có thể tạo ra các âm thanh đơn giản. Việc con thường xuyên im lặng hoặc mẹ hiếm khi nghe thấy bất kỳ âm thanh nào từ bé, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé yêu đang gặp vấn đề.

4.4 Không nhận diện được gương mặt người thân

Như đã nói, theo sự phát triển tự nhiên, trẻ 8 tháng tuổi sẽ phân biệt được người lạ - người quen, và bé có thể nhận ra được cha mẹ và những người thân thiết. Do đó, nếu bé yêu của mẹ luôn quấy khóc dẫu người bế bé là cha mẹ thì mẹ cần quan sát trẻ nhiều hơn, vì đó có thể là dấu hiệu của một số rối loạn thần kinh.

4.5 Ánh nhìn khác lạ

Nếu thấy bé gặp khó khăn trong việc tập trung tìm kiếm nơi phát ra âm thanh hoặc, ánh mắt bé không theo dõi kịp sự chuyển động chậm của các đồ vật, thì mẹ cũng nên đưa bé đến bác sĩ càng sớm càng tốt.

5. Chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi

Để trở thành một người mẹ thông thái, cùng đồng hành và chăm sóc con đúng cách, mẹ cần lưu tâm một số những vấn đề sau đây:

5.1 Giấc ngủ

Trẻ 8 tháng tuổi sẽ có nhu cần ngủ 2 – 3 giấc/ngày. Tổng thời gian ngủ sẽ dao động trong khoảng 14 tiếng, giấc ngủ ban đêm sẽ kéo dài từ 6 – 8 tiếng, ban ngày bé có thể ngủ thêm 1-2 giấc. Bé có thể thức giấc nửa đêm, tự khóc lên và tự ngủ trở lại.

Xem thêm: Mách mẹ 7 mẹo giúp bé ngủ ngon giấc vào ban đêm, không bị giật mình khi ngủ

5.2 Bữa ăn

Với trẻ 8 tháng tuổi, mẹ nên tập cho bé thói quen tự cầm thìa ăn. Điều này sẽ giúp bé có sự phối hợp giữa mắt và tai.

5.3 Giữ an toàn cho bé

Trẻ 8 tháng tuổi rất thích tìm tòi, khám phá, bé sẽ rất thích tự tập đứng bằng cách bám vào đồ vật bất kỳ, nên bé rất dễ bị té ngã. Do đó, mẹ phải quan sát trẻ nhiều hơn để tránh những “tai nạn” đáng tiếc xảy ra với bé.

5.4 Chọn đồ chơi thích hợp cho bé

Với trẻ 8 tháng tuổi mẹ hãy ưu tiên lựa chọn những món đồ vật có nhiều màu sắc, hoặc những món đồ chơi có âm thanh, vì sẽ rất dễ tạo được sự thu hút đối với bé.

5.5 Hãy nói chuyện cùng con

Nói chuyện cùng bé, kể chuyện hoặc hát cho bé sẽ giúp tình cảm giữa mẹ và bé thêm khắng khít. Mẹ không  nên cho bé xem tivi cho đến khi bé đủ 2 tuổi, dù đó là các chương trình giáo dục hữu ích, vì đó không phải là cách giải trí tốt nhất dành cho bé giai đoạn này.

5.6 Kiên nhẫn với những khó chịu của con

Mẹ hãy quan tâm và chia sẻ với những sự khó chịu của bé. Những lúc bé làm sai, mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu, nhằm tạo nên thói quen tốt đẹp cho bé.

5.7 Đưa bé đi tiêm ngừa

Đừng quên đưa bé đi tiêm ngừa, có rất nhiều mũi tiêm vacxin mà bé cần phải thực hiện trong những năm tháng đầu đời. Đây là cách giúp bé có thể phòng ngừa tốt bệnh tật.

Như vậy, trẻ 8 tháng tuổi đã rất hiệu động và tò mò nhiều thứ, mẹ cần nắm rõ những sự thay đổi của con để có thể lên những kế hoạch chăm sóc bé phù hợp, giúp con yêu phát triển tốt hơn.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận