Ở tháng tuổi thứ 7, mẹ có thể lên kế hoạch tập cho con một số thói quen thiết yếu vì con có thể hiểu và ghi nhớ được nhiều điều lắm đấy!
1. Bé 7 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?
Cân nặng và chiều cao là hai trong các chỉ số tăng trưởng quan trọng để đánh giá sự phát triển của trẻ. So với tháng thứ 6, sự tăng trưởng của trẻ 7 tháng tuổi không có nhiều thay đổi.
Chỉ số của bé trai
- Cân nặng: từ 7.4 – 9.2kg, trung bình 8.3kg
- Chiều cao: từ 67 – 71cm, trung bình 69.2cm
Chỉ số của bé gái
- Cân nặng: từ 6.8 – 8.6kg, trung bình 7.6kg
- Chiều cao: từ 65 – 69cm, trung bình 67.3cm
2. Sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi
Dù chăm sóc mỗi ngày nhưng cha mẹ sẽ luôn cảm thấy bất ngờ khi con lớn lên và thay đổi. Cùng tìm hiểu xem vào giai đoạn 7 tháng tuổi, sự phát triển của bé diễn ra thế nào nhé!
2.1 Mọc răng
Theo lịch mọc răng, từ tháng thứ 4 trở đi, những chiếc răng sữa nhỏ xinh của một số em bé sẽ bắt đầu nhú lên. Nếu phát triển tốt, con của mẹ ở tháng thứ 7 đã có 2 chiếc răng cửa ở hàm dưới, hai răng cửa hàm trên sẽ dần nhú và mọc lên khi bước sang tháng thứ 8.
2.2 Tập bò
Sau hơn 6 tháng thì phần cổ của bé đã cứng cáp và vùng cơ lưng hoàn thiện tốt hơn, con ngồi vững vàng mà ít cần đến sự trợ giúp. Từ tháng thứ 7, mẹ sẽ ‘mệt nhoài’ vì con đang tập bò để di chuyển quanh nhà nghịch ngợm.
Trong những ngày đầu, trẻ sẽ tập giữ thăng bằng với hai tay, sau đó dần chống hai đầu gối và di chuyển. Giai đoạn tập bò sẽ giúp con chuẩn bị cho quá trình tập đi ở những tháng tiếp theo, tuy nhiên, nhiều bé có thể ‘trốn’ bò và bước vào thời kì đứng dậy tập đi luôn.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp biết đi và 5 bài tập giúp bé biết đi sớm
2.3 Phân biệt giọng nói
Có thể nói đây là giai đoạn các bạn nhỏ khá ‘hóng hớt’, con sẽ theo dõi và phát hiện ra khu vực có âm thanh, tiếng động. Đặc biệt, trẻ 7 tháng tuổi bắt đầu nhận dạng cũng như phân biệt giọng nói khác nhau, bé sẽ biết đó là tiếng nói của người thân quen hay người lạ.
Con cũng bắt đầu bập bẹ phát ra nhiều âm thanh đa dạng và chờ bạn phản ứng lại để tiếp tục nói hoặc la hét nếu không được chú ý.
2.4 Hình thành kí ức
Tháng tuổi thứ 7 được xem là dấu mốc phát triển quan trọng của não bộ vì bé dần ghi nhớ và bắt đầu hình thành kí ức với các sự kiện diễn ra trong thời gian gần. Con sẽ cảm thấy gần gũi khi nhìn thấy người từng gặp trước đó hay khóc khi gặp người lạ. Bên cạnh đó, các bé sẽ nhớ hình ảnh các món đồ chơi và thích lục tìm đồ vật được cất giấu.
2.5 Biểu đạt cảm xúc
Vì chưa thể nói nên các bé sẽ bày tỏ cảm xúc của mình qua các cử chỉ, tiếng cười, tiếng khóc. Con có thể khóc nếu thấy các trẻ khác cũng đang khóc vì thấy hoảng và lo sợ nhưng lại dễ bật cười nếu được vỗ về hay âu yếm.
Xem thêm: Trẻ sơ sinh khóc nhiều: Đây là 6 lý do khiến mẹ dỗ hoài không nín
3. Trẻ 7 tháng tuổi ăn được gì?
Khi trẻ 7 tháng tuổi, con đã làm quen với thực đơn ăn dặm của mẹ, tuy nhiên, trong khẩu phần ăn của bé mẹ vẫn cần cân bằng giữa việc bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm bên ngoài và sữa mẹ. Mẹ nên đảm bảo cho trẻ ăn khoảng 5 bữa sữa mỗi ngày, tương đương 150 – 170ml sữa mỗi cữ.
3.1 Một số thực phẩm ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi
Để tập cho trẻ ăn dặm thành công, bên cạnh việc chiều theo ý bé và nấu những món ăn mà con thích, mẹ đừng quên thay đổi thực đơn và đảm bảo cung cấp đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng. Dưới đây là các loại thực phẩm mẹ có thể tham khảo:
- Ngũ cốc: Bột ngũ cốc được xem là món ăn vừa hấp dẫn vừa cung cấp thêm chất sắt và chất xơ cho bé. Mẹ có thể chuẩn bị bột ngũ cốc rất đơn giản bằng cách kết hợp xay các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, rồi đem nấu chín với một chút sữa.
- Rau xanh: Tăng cường cho bé ăn các loại rau xanh như bông cải xanh, mồng tơi, cà chua hay bắp cải để bổ sung vitamin A và vitamin C.
- Thịt: Bé có thể ăn thêm thịt heo, thịt gà hoặc thịt bò xay nhuyễn và nấu cùng cháo.
- Cá: Cá rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé vì protein từ cá dễ hấp thu, đặc biệt đây là thời kì mọc răng nên ăn cá sẽ tăng cường canxi cho con.
- Trái cây: Sau khi ăn món chính, hãy chuẩn bị thêm cho bé một số loại trái cây tráng miệng như dâu tây, cam, đu đủ, kiwi, xoài.
Lưu ý:
- Khi chế biến món ăn cho con, mẹ nên xay nhuyễn, làm mềm vì con chưa thể nhai mà sẽ dùng lưỡi nghiền.
- Có thể thêm gia vị nhưng không nên quá 0.1g muối trong một bữa ăn.
3.2 Bé 7 tháng tuổi ăn dặm mấy bữa?
Bước sang tháng thứ 2 của giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn dặm 2 bữa một ngày, mỗi bữa có thể đan xen ăn từ 1 – 2 món khác nhau để bé không cảm thấy ngán. Lịch ăn dặm trong ngày có thể linh hoạt với từng bé, mẹ có thể cho bé ăn vào bữa sáng và bữa trưa hoặc bữa trưa và bữa tối.
Cho trẻ ăn dặm không nhất thiết phải ăn đủ theo số bữa hay hết lượng thức ăn đã chuẩn bị sẵn mà nên quan sát nếu con lắc đầu, ngậm chặt miệng không muốn ăn thì nên tạm dừng.
Xem thêm: 5 món ăn dặm theo cách truyền thống cho trẻ 7 tháng tuổi lớn nhanh và tăng cân đều
4. Các vấn đề bất thường ở trẻ 7 tháng tuổi
Giai đoạn trẻ 7 tháng tuổi mẹ sẽ cảm thấy khá hào hứng vì các kĩ năng vận động cũng như khả năng ăn uống của con đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên, đây cũng là thời kì mẹ cần chủ động theo dõi những vấn đề bất thường có thể xảy ra ở con để kịp thời can thiệp và điều trị.
4.1 Trẻ 7 tháng tuổi ngủ không sâu giấc
Đồng hồ sinh học của mỗi bé sẽ không giống nhau, từ tháng thứ 7 trở đi, thời gian ngủ mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng riêng của con. Trẻ 7 tháng tuổi có thể ngủ không sâu giấc, bé sẽ thức đêm và đòi sữa mẹ ít nhất một lần trong đêm, đặc biệt là những ngày bé đang mọc răng, con sẽ quấy khóc và gắt ngủ thường xuyên.
Bên cạnh đó nếu thấy tình trạng xáo trộn giấc ngủ của con kéo dài, mẹ cần đưa bé tới thăm khám để kiểm tra sức khỏe của con vì khi cơ thể mệt mỏi hoặc mắc bệnh, giấc ngủ của con cũng ảnh hưởng.
Xem thêm: Mách mẹ 7 mẹo giúp bé ngủ ngon giấc vào ban đêm, không bị giật mình khi ngủ
4.2 Trẻ 7 tháng tuổi không biết ngồi
Thông thường từ tháng thứ 6 bé đã có thể tập ngồi và dần tự ngồi, nếu kéo dài sang tháng thứ 7 con vẫn chưa thể ngồi vững dù được hỗ trợ, mẹ nên cho bé tới cơ sở y tế để kiếm tra hệ vận động cũng như các chức năng khác của hệ thần kinh.
4.3 Phản xạ chậm
Trẻ 7 tháng tuổi khá nhanh nhạy với âm thanh, con sẽ quay tìm hướng phát ra tiếng động và cười nói khi có người trò chuyện. Nếu trẻ phản xạ chậm và kém nhạy cảm với âm thanh, có thể bé đang có dị tật ở thính giác, nghiêm trọng hơn là hệ thần kinh tổn thương.
4.4 Tiểu ít
Khi được 7 tháng tuổi, con di chuyển, trườn, bò nhiều hơn nên cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi, dẫn đến thiếu nước và số lần đi tiểu trong ngày cũng sẽ giảm xuống. Tiểu ít cũng là biểu hiện của nhiễm trùng tiểu nên mẹ cần theo dõi kĩ càng và đưa bé đi xét nghiệm nước tiểu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.5 Trẻ 7 tháng tuổi bị táo bón
Nếu trong vòng 7 – 10 ngày, con không đi “ị” hoặc phải gắng sức, khóc khi rặn phân thì con đang bị táo bón. Phần lớn trẻ bị táo bón vì con không nạp đủ lượng nước và chất xơ cần thiết nên mẹ hãy điều chỉnh thực đơn ăn dặm của con, khuyến khích bé ăn thêm trái cây, rau xanh.
Xem thêm: Nếu mẹ ghi nhớ 5 điều này, bé sẽ không khổ sở vì táo bón trong giai đoạn tập ăn dặm
4.6 Trẻ 7 tháng tuổi bị sốt
Trong quá trình chăm sóc con, cha mẹ thường lo lắng khi bé bị sốt, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khiến nhiệt độ cơ thể con tăng cao hơn bình thường. Trẻ 7 tháng tuổi có thể sốt nhẹ do sưng nướu và lợi vì mọc răng hoặc do vừa tiêm phòng vacxin.
Bên cạnh đó, nếu theo dõi thấy bé sốt trên 39 độ C, có phát ban đỏ, ho dai dẳng và nôn trớ thì tuyệt đối không chủ quan mà nên sớm đưa bé tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh.
5. Cách chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi
Trẻ 7 tháng tuổi đã có những cột mốc phát triển vượt bậc so với những tháng trước, nhưng dù con đã “lớn” thì cha mẹ cũng cần chú ý thực hiện những lưu ý sau đây khi chăm sóc bé.
5.1 Vệ sinh răng miệng
Ở tháng thứ 7, quá trình mọc răng của bé vẫn đang diễn ra, dù chưa có nhiều răng nhưng con có thể ăn dặm được rất nhiều món khác nhau nên việc vệ sinh răng miệng cần được thực hiện đầy đủ. Mẹ nên lau nhẹ nướu và lưỡi của bé bằng miếng gạc nhỏ hoặc vải mềm nhúng nước ấm hay nước muối sinh lý sau mỗi bữa ăn.
Xem thêm: 4 giai đoạn chăm sóc răng miệng cho trẻ để tránh các bệnh răng miệng
5.2 Tập cho trẻ dùng cốc
Đôi bàn tay nhỏ bé của con giờ đã có thể làm nhiều hoạt động một cách thuần thục, mẹ hãy tận dụng thời gian này để hướng dẫn trẻ dùng cốc uống nước.
Để bé làm quen với những chiếc cốc, ban đầu mẹ có thể cho bé cầm cốc và dùng ống hút, bé vừa thích thú vừa nhanh biết dùng. Chú ý quan sát bé uống bằng cốc để tránh trường hợp bị sặc nước.
5.3 Hướng dẫn trẻ động tác chào hỏi
Trong tháng thứ 7 này, cha mẹ có thể bắt đầu dạy con cách chào hỏi mọi người bằng các cử chỉ như vẫy tay hay hôn gió. Bé sẽ ghi nhớ rất nhanh và tự thực hiện mỗi khi bạn đưa ra gợi ý chào hỏi ai đó đấy!
5.4 Chơi đùa với trẻ
Dù các con chưa biết nói nhưng chúng luôn cảm thấy vui vẻ khi có cha mẹ chơi đùa cùng. Khi có thời gian rảnh, hãy đọc sách, trò chuyện với con, đơn gian hơn là cùng bé chơi ú òa.
Chăm sóc và nuôi nấng trẻ nhỏ luôn là một hành trình vất vả nhưng nhiều niềm vui, cha mẹ hãy dành thời gian quan sát cũng như lắng nghe nhu cầu của các bé để lựa chọn phương pháp chăm sóc thích hợp.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh