Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trẻ 9 tháng tuổi phát triển và hiếu động thế nào?

(VOH) - Hành trình nuôi nấng bé yêu của mẹ đã được 9 tháng với rất nhiều sự thay đổi qua từng ngày. Cùng xem trẻ 9 tháng tuổi phát triển và nghịch ngợm thế nào nhé!

Bước sang tháng thứ 9, bé biết “bày trò” nhiều hơn và tò mò khám phá mọi điều xung quanh mình. Dù cha mẹ sẽ vất vả đôi chút vì con luôn hiếu động nhưng không khí gia đình sẽ vui vẻ và hào hứng lắm đấy. 

1. Trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Khi con được 9 tháng tuổi, bé sẽ cứng cáp cũng như ‘dài người’ hơn so với khoảng thời gian trước. Các chỉ số chiều cao - cân nặng của bé trai và bé gái được tính toán như sau:

Chỉ số của bé trai

  • Cân nặng: từ 8.1 – 10kg, trung bình 8.9kg
  • Chiều cao: từ 69 – 74cm, trung bình 72cm 

Chỉ số của bé gái

  • Cân nặng: từ 7.3 – 9.3kg, trung bình 8.2kg
  • Chiều cao: từ 67.5 – 72cm, trung bình 70.1cm

2. Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi

Trong tháng tuổi thứ 9 của con, mẹ sẽ thấy bé tự làm được rất nhiều điều mà ít “cầu cứu” đến sự giúp đỡ của người lớn. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn phát triển khá hỗn loạn với con, nên mẹ cũng không nên chủ quan và lơ là trẻ. 

2.1 Tập đứng dậy

Thông thường, tháng thứ 9 được xem là thời điểm “lò dò biết đi” của các bạn nhỏ. Con sẽ bám vịn để dần tự đứng dậy, chập chững bước đi nhưng vẫn cần cha mẹ theo sát. 

Vào những ngày đầu tập đi, bạn sẽ thấy hai chân của trẻ thường mở rộng, ngón chân hướng ra ngoài, con không đi theo đường thẳng mà bước ngang từ bên này qua bên kia. 

tre-9-thang-tuoi-phat-trien-va-hieu-dong-the-nao-voh-0
Trẻ 9 tháng tuổi sẽ bám vịn để tập đứng dậy (Nguồn: Internet) 

2.2 Học nói

Trẻ 9 tháng tuổi có khả năng bắt chước âm thanh khá tốt, con có thể lặp lại những tiếng đơn giản khi nghe người lớn nói dù không thực sự hiểu được ý nghĩa. Con sẽ gọi “bà", “mẹ” với bất cứ ai chứ không chỉ dành cho bà hay mẹ. 

Xem thêm: Mẹo giúp mẹ dạy bé tập nói siêu nhanh, siêu đơn giản

2.3 Biết cầm tự ăn

Giai đoạn này mẹ tốn khá nhiều công sức để dọn dẹp sau mỗi lần cho bé ăn bởi con bắt đầu “nghiên cứu” các món ăn theo cách của riêng mình. Trẻ có thể tự cầm, lấy đồ ăn bằng tay, thậm chí lúc này mẹ có thể hướng dẫn bé dùng thìa để xúc ăn. 

Các bé tò mò và nghịch ngợm nên thường sẽ bóp nát hoặc ném đồ ăn lung tung khắp nhà, nhưng mẹ đừng vội la mắng mà tạm thời hãy “lơ” bé đi, con sẽ tự dừng lại và thấy hành động đó không còn thú vị nữa.  

2.4 Bày tỏ cảm xúc

Khi con nhận biết được nhiều điều hơn, bé dần biết bày tỏ và phân biệt rõ ràng các cảm xúc. Với cha mẹ thường xuyên gần gũi bên cạnh, bé sẽ cảm thấy vui vẻ khi được bồng bế, nhưng với người lạ, con sẽ phản ứng khóc và la hét. Đặc biệt, nếu trái với ý muốn của mình, các bạn nhỏ sẽ càng la hét dữ dội hơn để gây sự chú ý của mọi người. 

3. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 9 tháng tuổi 

Dù con đã lớn hơn và có thể ăn dặm được nhiều món ăn khác nhau nhưng trong quá trình chuẩn bị khẩu phần ăn của trẻ, mẹ vẫn cần đảm bảo bổ sung đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất.

Các món ăn sau đây không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của bé: 

3.1 Sữa 

Trẻ 9 tháng tuổi đã quen với các món ăn dặm nhưng mẹ vẫn cần duy trì cho bé bú sữa. Mỗi ngày nên duy trì 5 bữa sữa, lượng sữa mẹ mà bé ăn mỗi cữ trong ngày nên đạt khoảng từ 180 – 220ml. Cùng với sữa mẹ, các bé có thể ăn thêm sữa công thức xen vào các bữa. 

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết mẹ 'mát sữa' và cách cải thiện chất lượng sữa mẹ

3.2 Bột đặc

Vào tháng thứ 9, mẹ có thể cho bé ăn từ 1 – 2 bữa bột đặc một ngày, không cần xay quá nhuyễn nguyên liệu thịt, , nên có chút lợn cợn để con tập nhai. Lưu ý không nên cho nhiều gia vị, nên giữ nguyên các hương vị sẵn có. 

tre-9-thang-tuoi-phat-trien-va-hieu-dong-the-nao-voh-1
Mẹ có thể cho trẻ 9 tháng ăn bột (Nguồn: Internet) 

3.3 Rau xanh 

Tăng cường cho trẻ ăn thêm rau xanh để bổ sung chất xơ và hạn chế tình trạng táo bón. Mẹ có thể nấu chung các loại rau như cải bó xôi, bông cải xanh, cà rốt, đậu cove, khoai tây với bột hoặc cháo nguyên hạt. Bên cạnh đó, nếu con thích ăn rau riêng thì hãy hấp hoặc luộc cho bé. 

3.4 Trái cây 

Mẹ thường băn khoăn khi bé 9 tháng tuổi ăn được trái cây gì, câu trả lời là những loại trái cây mềm và dễ nhai như bơ, táo, xoài, đu đủ, chuối, lê. Khuyến khích mẹ cắt miếng nhỏ để bé tập nhai nhiều hơn, còn trong trường hợp con lười ăn trái cây, mẹ hãy ép lấy nước cho trẻ uống. 

Xem thêm: Ăn bơ sai cách sẽ làm tổn hại sức khỏe ra sao?

4. Các dấu hiệu bất thường ở trẻ 9 tháng tuổi 

Quá trình phát triển của các bạn nhỏ sẽ diễn ra không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên, nếu con không đạt được những mốc phát triển cơ bản hoặc quá chậm so với các bạn cùng trang lứa thì đó có thể là dấu hiệu bất thường về sức khỏe mẹ cần lưu tâm. 

4.1 Trẻ 9 tháng tuổi chưa mọc răng

Theo lịch mọc răng sữa, trong thời gian từ tháng thứ 9 tới tháng thứ 13, các bé sẽ có 4 chiếc răng cửa hàm trên. Nếu đã bước sang tháng tuổi thứ 9, bé vẫn chưa mọc chiếc răng nào, thì đây là trường hợp răng bé đang mọc khá chậm. Mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra răng hàm mặt và tìm hiểu rõ nguyên nhân. 

4.2 Bé 9 tháng tuổi khó ngủ ban đêm 

Giấc ngủ của trẻ 9 tháng tuổi khá giống người lớn, con sẽ ngủ trung bình 2 giấc một ngày. Tuy nhiên, đây là giai đoạn con vận động và vui chơi nhiều nên ban đêm sẽ hay giật mình tỉnh giấc. Hơn nữa, vì bé đang học các kĩ năng mới như đi, đứng, bò, trườn nên thay vì nằm yên để ngủ con sẽ tập luyện mà quên giờ giấc. 

tre-9-thang-tuoi-phat-trien-va-hieu-dong-the-nao-voh-2
Trẻ giật mình và hay thức giấc vào ban đêm (Nguồn: Internet) 

4.3 Trẻ 9 tháng tuổi biếng ăn

9 tháng tuổi bé thích đi lại và “mải chơi” hơn nên việc ăn uống dễ bị xao nhãng, ngoài ra, trong thời gian mọc răng, con sẽ quấy khóc và lười ăn hơn bình thường. Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài, con vận động chậm chạp hơn thì mẹ nên liên hệ các bác sĩ nhi khoa để thăm khám tình trạng bệnh cho bé. 

Xem thêm: Bé lười ăn cỡ nào cũng sẽ ăn khỏe, ăn ngon khi mẹ áp dụng những tuyệt chiêu này

4.4 Trẻ 9 tháng tuổi bị vàng da

Hiện tượng vàng da sinh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ khi vừa ra đời nhưng sẽ biến mất ngay sau đó khoảng 7 – 10 ngày. Ở tháng tuổi thứ 9, mẹ quan sát thấy con bị vàng da trở lại thì đây là tình trạng vàng da bệnh lý, có thể do xuất huyết dưới da hay các bệnh gan mật.

5. Một số điều nên làm khi chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi

Có thể bạn sẽ cảm thấy trẻ 9 tháng tuổi đang dần tự làm được những điều mình mong muốn nhưng các bạn nhỏ vẫn luôn cần đến sự quan tâm, chăm sóc kĩ càng của cha mẹ. Dưới đây là một số lời khuyên khi chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi nên được thực hiện để sự phát triển của trẻ diễn ra tốt nhất. 

5.1 Hỗ trợ con tập đi

Trong thời gian con chập chững tập đi, cha mẹ hãy là “tay vịn” để con nắm và bước đi. Không nên để con lệ thuộc vào xe tập đi vì khiến bé có xu hướng di chuyển bằng mũi bàn chân và ngón chân thay vì cả bàn chân. Nên khuyến khích bé đi bằng chân trần nếu di chuyển trong nhà, để con cảm nhận rõ từng bước đi. 

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp biết đi và 5 bài tập giúp bé biết đi sớm

5.2 Tăng cường giao tiếp với trẻ

Trò chuyện và giao tiếp với trẻ luôn là hoạt động cha mẹ nên làm với các bạn nhỏ dù ở tháng tuổi thứ mấy. Vào thời kì học nói, con chủ yếu bắt chước từ người lớn nên hãy cố gắng nói tròn vành rõ chữ và sử dụng ngôn từ lễ phép khi trò chuyện với bé. 

5.3 Hạn chế cáu gắt với trẻ

Khi trẻ khóc hay không nghe theo yêu cầu của bạn, đừng vội cáu gắt với con, hãy nhẹ nhàng vỗ về các bé vì nếu con thấy bạn giận dữ, con sẽ càng hoảng sợ và la hét nhiều hơn. 

5.4 Vệ sinh đồ chơi 

Mọi thứ có trong tay trẻ đều có thể cho lên miệng để thoả tính tò mò, chính vì vậy cần đảm bảo cho trẻ sử dụng các món đồ an toàn, không quá nhỏ và sắc nhọn, được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. 

5.5 Tiêm phòng vacxin 

Trẻ 9 tháng tuổi sẽ cần thực hiện khá nhiều mũi tiêm phòng bệnh, cha mẹ cần cập nhật lịch tiêm chủng đầy đủ để đưa bé tới tiêm vacxin đúng thời điểm, nhằm ngăn chặn các bệnh lý nguy hiểm. 

9 tháng tuổi con sẽ trải qua nhiều dấu ấn đặc biệt trong hành trình phát triển của chính mình, cha mẹ hãy kiên nhẫn với con hơn một chút và vững vàng đồng hành cùng bé nhé. 
 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận