Có lẽ với những mẹ đang muốn tập cho con ăn dặm tự chỉ huy đều biết rằng, phương pháp BLW không giống với phương pháp ăn dặm kiểu nhật hay ăn dặm truyền thống. Vì thế, các mẹ thường có chung một niềm lo lắng là khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy thì cần chuẩn bị dụng cụ gì hay phải lưu ý những điều gì?!
1. Mẹ cần chuẩn bị dụng cụ gì khi chi trẻ ăn dặm tự chỉ huy?
Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, mẹ có thể sẽ không cần mua bất kỳ một dụng cụ hỗ trợ đặc biệt nào. Tuy nhiên, một số sản phẩm có thể sẽ giúp ích cho mẹ trong việc tập cho bé ăn dặm, chẳng hạn như:
1.1 Ghế ăn
Ghế ăn có rất nhiều loại, mẹ có thể dễ dàng lựa chọn một chiếc ghế phù hợp với con và không gian trong nhà. Mẹ nên chọn loại nhỏ gọn, dễ vệ sinh, di chuyển thuận tiện, để được trên ghế khác và có các nấc điều chỉnh độ cao khác nhau nếu đặt dưới đất.
1.2 Yếm máng
Với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy mẹ nên chọn yếm máng. Vì các bé ăn dặm theo phương pháp này thường ăn rất tự do, bốc ném rơi vãi nhiều. Việc sử dụng yếm máng sẽ rất tiện lợi để “gom” đồ ăn rơi vào yếm mà không làm bẩn hay rơi ra ghế và dính vào quần áo.
Cũng như ghế, yếm máng rất đa dạng về màu sắc và chất liệu. Theo kinh nghiệm, mẹ nên chọn các loại yếm mang bằng chất liệu nhựa hay nilon mềm bởi chúng sẽ không thấm vào bên trong quần áo.
1.3 Bát đĩa và các dụng cụ khác
Sau khoảng 2 – 3 tháng tập ăn bốc, bé sẽ được làm quen với thìa dĩa, bát đũa, vì thế, mẹ cần chuẩn bị những dụng cụ này. Nên chọn loại bát có đế dính được vào mặt phẳng vì giai đoạn mới tập ăn, bé thường thích cầm đồ vật và ném.
Bát dính sẽ chỉ dùng ở giai đoạn đầu tập ăn dặm, khay ăn sẽ được sử dụng khi bé đã quen với bát đĩa. Thức ăn được để vào từng ô riêng trên khay, không “trộn tất cả vào một” như kiểu ăn thông thường.
Đối với thìa dĩa, mẹ nên chọn loại có độ nông vừa phải, cán cầm hơi dày, không quá bé bởi sẽ không xúc được đồ ăn.
Cốc uống nước chỉ cần một cốc nhỏ bằng nhựa, kích thước to như bình sữa khoảng 300mml vào khoảng mức vạch 150 – 200ml, có thể có hoặc không có quai.
Xem thêm: Lên ý tưởng giúp mẹ có được thực đơn ăn dặm BLW cho bé 6 tháng tuổi trong 30 ngày đầu
2. Một số lưu ý mẹ cần nhớ khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy
2.1 Khi chế biến thức ăn
Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, bé sẽ được trải qua 3 giai đoạn ăn dặm. Vì thế mẹ cần lưu ý trong việc cắt thức ăn, hình thù và cách chế biến để có thể phù hợp theo từng giai đoạn phát triển vị giác cũng như kỹ năng nhai, phát triển cơ hàm của trẻ. Cụ thể:
- Giai đoạn bé tập các kỹ năng: Mẹ nên cắt thức ăn thành các thanh dài, nên tạo răng cưa để việc bé cầm được dễ dàng hơn.
- Giai đoạn phát triển các kỹ năng: Mẹ nên cắt nhỏ thức ăn với nhiều hình dạng khác nhau để bé có thể học cách bốc thức ăn cho vào miệng. Ngoài ra, ở giai đoạn này mẹ cũng nên hướng dẫn bé cách sử dụng thìa trong bữa ăn.
- Giai đoạn hoàn thiện các kỹ năng: Đây là giai đoạn giúp bé cầm thìa, nĩa một cách thành thạo, bé sẽ ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau với độ thô của thức ăn khác nhau. Đây cũng là giai đoạn bé được hoàn thiện kỹ năng nhai, nuốt thức ăn tốt hơn.
2.2 Khi cho trẻ ăn dặm
Khi áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây để quá trình ăn dặm của trẻ diễn ra nhanh chóng.
- Không mở tivi, điện thoại, ipad hoặc để đồ chơi kế bên bé, bởi sẽ khiến bé không tập trung khi ăn.
- Để bé ăn những thứ bé thích, không năn nỉ, không ép buộc.
- Thời gian cho mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên gói gọn trong khoảng 30 phút. Khi con không ăn nữa thì mẹ nên dừng lại.
- Cho bé ngồi ghế ăn.
- Không nêm gia vị vào thức ăn của bé.
- Không nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn đóng hộp có gia vị và chất bảo quản, vì chúng sẽ không tốt cho thận của trẻ.
Tóm lại, để hành trình ăn dặm tự chỉ huy thành công, mẹ cần nhớ một điều là hãy tôn trọng bé, để bé ăn một cách chủ động và ăn theo nhu cầu của bé, không ép bé ăn nếu bé không muốn. Ngoài ra, nên tập cho trẻ ăn bài bản, chia thức ăn riêng lẻ khác nhau, trình bày lạ mắt để kích thích thị giác của trẻ.