Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

U mềm lây ở trẻ em là gì? Điều trị như thế nào?

(VOH) – U mềm lây là một dạng bệnh nhiễm trùng da do virus được biểu hiện bằng những tổn thương riêng lẻ, rời rạc và lõm ở trung tâm. Vậy u mềm lây là gì và có gây nguy hiểm không?

1. U mềm lây ở trẻ em là bệnh gì?

U mềm lây là bệnh về da do nhiễm virus, tương đối phổ biến trên da, gây ra các vết sưng tròn, mọc riêng lẽ, rời rạc và lõm ở vùng trung tâm. Bệnh lây lan rộng do tự lây nhiễm bởi các vết cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn.

Bệnh u mềm lây có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhiều nhất ở trẻ em từ 1 đến 12 tuổi. Ngoài ra, bệnh cũng hay gặp ở người trưởng thành có “quan hệ vợ chồng” không an toàn (trường hợp này u mềm lây được xếp vào bệnh lây qua đường tình dục, gọi là bệnh u mềm lây sinh dục), người có hệ miễn dịch yếu hoặc do có những tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.

2. Triệu chứng bệnh u mềm lây ở trẻ em

Bệnh u mềm lây có thời gian ủ bệnh khác nhau trong từ 4 – 8 tuần. Dấu hiệu và triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh u mềm lây chính chính là:

  • Sự xuất hiện của những sang thương có dạng sẩn gồ cao trên da, chắc, bề mặt nhẵn và lõm ở trung tâm.
  • Đường kính của u từ 2 – 6mm, màu đỏ hồng, trắng, đục hoặc màu vàng, không gây đau.
  • Có thể khu trú hoặc lan rộng trên da và bề mặt niêm mạc. Một số tổn thương được liên kết với nhau thành một mảng.
  • Có thể bị ngứa.
  • Nếu u mềm xuất hiện ở mí mắt, vi khuẩn sẽ lây vào mắt và khiến người bệnh có triệu chứng đau mắt đỏ.

u-mem-lay-o-tre-em-la-gi-dieu-tri-nhu-the-nao-voh

Không nên làm trầy xước u mềm lây vì sẽ làm virus lây lan sang vùng da lân cận (Nguồn: Internet)

Các bác sĩ cho biết, những u mềm lây có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách gãi hoặc chà xát. Tuy nhiên, nếu làm vỡ dịch trắng, virus bên trong sẽ lan sang vùng da lân cận và phát tán ra môi trường bên ngoài. Trẻ em thường bị u mềm lây ở những vùng da hở như mặt, tay, chân và thân mình. 

3. Nguyên nhân bệnh u mềm lây ở trẻ em

U mềm lây được gây ra do một loại virus trong nhóm poxvirus, có tên gọi là Molluscum contagiosum (MC). Virus này lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp như chạm vào da hoặc đồ vật bị nhiễm virus như quần áo, khăn... của người bệnh, trẻ em tắm cùng bể tắm, dùng chung dụng cụ thể dục, ngồi cùng bàn, cùng ghế.

Bệnh cũng có thể do tự miễn. Ngoài ra, những trẻ có sức đề kháng yếu hoặc bị dị ứng, viêm da dị ứng do di truyền là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u mềm lây.

u-mem-lay-o-tre-em-la-gi-dieu-tri-nhu-the-nao-1-voh

U mềm lây có thể tự khỏi sau một thời gian mà không cần điều trị (Nguồn: Internet)

3.1 U mềm lây có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp u mềm lây ở trẻ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ do các vết sưng nổi trên bề mặt da.

Các sang thương có thể bị đỏ và viêm. Nếu bị trầy xước những thương tổn này có thể nhiễm trùng. Nếu tổn thương xuất hiện trên mí mắt có thể dẫn đến viêm kết mạc.

4. Biện pháp điều trị bệnh u mềm lây ở trẻ

Với những trẻ em có sức đề kháng tốt, bệnh u mềm lây không cần phải điều trị vì chúng thường sẽ tự khỏi sau vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự tự nhiễm và lây lan do tiếp xúc gần, cha mẹ nên đưa trẻ đi điều trị tích cực khi vừa mắc bệnh.

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách xem xét các khối u trên da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể làm sinh thiết da để tìm virus gây bệnh.

Các phương pháp điều trị u mềm lây hiện nay bao gồm loại bỏ khối u bằng cách sử dụng tia laser, làm lạnh hoặc tách khối. Nhưng do các phương pháp trên có khả năng để lại sẹo cao, nên đa phần các trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc bôi ngoài da đặc trị để loại bỏ khối u và giảm sẹo.

4.1 Ngăn chặn sự lây lan u mềm lây bằng cách nào?

Do bệnh u mềm lây có thể tự nhiễm và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, nên trẻ em bị bệnh u mềm lây nên tuân thủ theo các biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Không để trẻ chạm, cào hoặc chà sát vào những u mềm.
  • Rửa tay trẻ bằng xà phòng và nước.
  • Giữ vùng da bị nhiễm bệnh sạch sẽ và nên băng lại bởi gạc hay vải để tránh nhiễm virus.
  • Trẻ không nên dùng chung khăn lau, vật dụng với những người khác cho đến khi các u mềm biến mất.
  • Không đưa trẻ đến hồ bơi, phòng xông hơi và bồn tắm công cộng để tránh lây cho người khác.
Bình luận