Bát đĩa dùng xong nên rửa hay ngâm?

VOH - Rất nhiều gia đình có thói quen ngâm bát đĩa vài tiếng trước khi rửa vì nghĩ rằng sẽ khiến chúng sạch và dễ rửa hơn. Tuy nhiên, một thử nghiệm gần đây đã cho kết quả ngược lại.

Trong mọi gia đình, rửa bát đĩa là công việc mà các thành viên phải thực hiện hàng ngày. Thế nhưng, mỗi gia đình lại có những thói quen rửa bát đĩa khác nhau. Có người sẽ rửa ngay bát đĩa sau khi ăn xong, số khác lại thích ngâm chúng vài giờ trước khi rửa.

Bát đĩa dùng xong nên rửa hay ngâm? 1
Rất nhiều gia đình đang có thói quen ngâm bát đĩa trước khi rửa sạch - Ảnh: Betsey Goldwasser

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trì hoãn quá trình rửa bát tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để chứng minh, họ đã thử nghiệm trên chiếc nồi đựng sốt cà chua và bột bánh có vết bẩn khó trôi.

Cuộc thử nghiệm cùng chiếc nồi có vết cháy sốt cà chua

Đầu tiên, họ cho chiếc nồi vào lò nướng ở nhiệt độ hơn 170 độ C trong 40 phút. Sau đó lấy ra và đem chúng đi ngâm trong hỗn hợp nước rửa bát với từng khoảng thời gian là 1, 2, 3, 4, 6, và 24 giờ để kiểm chứng mức độ hiệu quả.

Kết thúc mỗi chu trình, các chuyên gia sẽ thử dùng tay chà lên vết bẩn để kiểm chứng độ bong tróc của vết cháy. Kết quả cho thấy, dù đem ngâm chiếc nồi trong vài giờ hay một ngày, vết bám vẫn còn và mức độ bong tróc là rất ít.

Bát đĩa dùng xong nên rửa hay ngâm? 2
Chiếc nồi có vết sốt cà chua bị cháy sau khi ngâm đến 24 giờ vẫn không thể làm sạch - Ảnh: Reviewed

Cuộc thử nghiệm cũng được tiến hành trên bát sứ có chứa nước sốt cà chua và kết quả cũng cho thấy, việc ngâm bát đĩa trong thời gian dài càng khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Phó giáo sư Barbara Mullan của Đại học Curtin (Australia), cho rằng việc ngâm bát đĩa quá lâu trong bồn rửa có thể khiến chúng bẩn hơn, bởi ngâm lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Ngoài ra, ngâm bát đĩa bẩn ở bồn rửa còn làm tăng khả năng lây lan ra xung quanh, bám dính vào các vật chủ (con người, động vật) trong thời gian lâu.

Với những lý do trên, các chuyên gia khuyên người dùng nên rửa ngay bát đĩa sau khi đã sử dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng cho sức khỏe về lâu dài.

Các bước rửa bát đĩa đúng cách

Bạn có thể áp dụng mẹo rửa bát đúng cách sau đây:

  • Loại bỏ hết thức ăn thừa trên bát, đĩa. Riêng những đồ dùng bám dính có thể ngâm tối đa 15-30 phút, tùy tình trạng chất bẩn.
  • Rửa qua một lần với nước ấm để làm sạch, tránh bám dầu mỡ.
  • Tiến hành rửa các vật dụng ít bẩn như cốc, ly, các loại bát nhỏ trước. Sau đó mới rửa những dụng cụ đựng đồ ăn. Cuối cùng là rửa chảo, nồi và đồ nấu nướng.
  • Sau khi rửa bát đĩa xong, có thể làm khô chúng bằng cách dùng khăn lau, phơi ở nơi thoáng khí hoặc cho vào máy sấy.
  • Cuối cùng là vệ sinh bồn rửa. Đợi các dụng cụ khô thì cho chúng vào tủ để cất.

Lưu ý: Các gia đình nên thay miếng bọt biển dùng rửa bát đĩa thường xuyên, bởi chúng cũng có thể là nguồn lây nhiễm khiến bát đĩa của bạn bẩn hơn.