Lãng phí thực phẩm: 5 cách giúp thay đổi thói quen xấu xí

(VOH) – Lãng phí thực phẩm là vấn đề nóng trên toàn thế giới bởi nó không chỉ gây lãng phí tiền bạc, tài nguyên mà còn làm gia tăng thêm nạn đói toàn cầu. Vậy làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này.

Một lượng lớn thực phẩm bị bỏ đi hàng ngày, hàng giờ trong khi nhiều người không có để ăn là một sự vô tâm và lãng phí. “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Hãy cùng áp dụng 5 cách sau đây để tiết kiệm, bảo vệ môi trường và hơn hết là thay đổi thói quen lãng phí thực phẩm.

Lãng phí thực phẩm: 5 cách giúp thay đổi thói quen xấu xí 1
Lãng phí thực phẩm là thói quen xấu cần được loại bỏ - Nguồn ảnh: 
Pexels

1. Học cách mua sắm thông minh

Mua sắm thông minh là cách hữu ích nhất để tránh lãng phí. Nhiều người có thói quen mua một lượng lớn thực phẩm vì tâm lý “mua nhiều sẽ rẻ”, nhưng nó cũng dễ dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm khi không dùng đến.

Cho nên, thay vì mua thực phẩm với số lượng lớn, bạn hãy cố gắng đi chợ thường xuyên. Đồng thời hãy lên danh sách các loại thực phẩm cần thiết để tránh tình trạng mua sắm quá đà.

2. Bảo quản thực phẩm đúng cách

Lưu trữ thực phẩm sai cách dễ khiến thực phẩm bị hỏng, gây lãng phí. Vì vậy, hãy học cách bảo quản thực phẩm đúng cách. Ví dụ: khoai tây, tỏi và hành tây bảo quản ở nhiệt độ phòng sẽ giúp chúng lâu hỏng hơn. Hoặc các loại thực phẩm tạo khí như chuối và bơ cần được để xa các loại rau xanh lá và quả mọng…

3. Mua trước dùng trước

Phương pháp FIFO (mua trước dùng trước) có nghĩa là những loại thực phẩm nào đặt trong tủ lạnh trước thì nên sử dụng trước. Trước khi quyết định mua thêm thực phẩm cho vào tủ lạnh, hãy kiểm tra xem còn gì trong tủ lạnh hay không, những loại nào có thể tận dụng và sử dụng được để tránh gây lãng phí.

4. Tận dụng thực phẩm thừa, rau củ héo

Tận dụng rau củ, xương thịt thừa để làm nước dùng rau củ, nước dùng xương thịt cũng là một cách tránh lãng phí hữu ích. Các loại rau củ héo, xương… bạn chỉ cần rửa sạch, sau đó đem xào với một ít dầu ôliu, rồi thêm nước vào, đun hỗn hợp trên lửa nhỏ trong vài giờ cho đến khi nước ngọt.

5. Ủ phân hữu cơ

Bã của một số loại thực phẩm sau khi làm nước dùng hay sinh tố vẫn có thể được tận dụng để làm phân hữu cơ. Dù bạn không có vườn, bạn cũng có thể tặng chúng cho bạn bè, người quen cần chúng.