Trong khoảng 5 năm đổ lại đây, nền âm nhạc Việt Nam đã có nhiều sự phát triển và những bước chuyển mình ấn tượng. Điển hình là 2 dòng âm nhạc được cho là kén người nghe nhất là rap và rock cũng đã có sân chơi riêng, ví dụ như: Rap Việt, King Of Rap hay Rock Việt...
Tuy nhiên, ngoài những ca khúc gây được ấn tượng và đánh giá cao, thì cũng có rất nhiều sản phẩm âm nhạc khác liên tục bị "ăn gậy" từ nền tảng vì ngôn từ dung tục, hình ảnh phản cảm, khiêu gợi.
Cú tít còi đầu tiên đến từ VTV
Trưa ngày 16/09/2022 trong chuyên mục Góc Nhìn Văn Hóa của VTV, với chủ đề "Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả" đã trích dẫn một đoạn ngắn trong 2 MV của hai nghệ sĩ nổi tiếng kèm lời lên án đầy gay gắt. VTV ngày hôm đó đã gọi các MV như: Sashimi, Ông Bà Già Tao Lo Hết,.. là rác phẩm.
VTV điểm mặt gọi tên các sản phẩm của Chi Pu và Bình Gold trong bản tin
Được biết đây không phải lần đầu tiên hai nghệ sĩ nổi tiếng này bị báo chí hay các phương tiện truyền thông lên án vì các sản phẩm âm nhạc của mình. Ngoài hai sản phẩm tiêu biểu trên thì vẫn còn có nhiều nghệ sĩ khác cũng góp mặt trong danh sách đen với loạt ca khúc đi ngược với thuần phong mỹ tục Việt.
Loạt MV triệu view của Bình Gold bốc hơi khỏi Youtube
Tối ngày 20/9 vừa qua, trên kênh youtube chính thức của rapper Bình Gold đã bốc hơi hoàn toàn các ca khúc như: Ông Bà Già Tao Lo Hết, Trơn, Lái Máy Bay, Bốc Bát Họ, Quan Hệ Rộng,.. Được biết đây toàn là những MV triệu view, có điểm chung chứa đựng hình ảnh phản cảm, cảnh quay gợi dục với nhiều nhân vật nữ ăn mặc hở hang, động tác khó nhìn gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ khi tiếp nhận.
Liên quan đến MV Sashimi của Chi Phu, rất nhiều bình luận cho rằng hình ảnh và ca từ của Sashimi có sự nhạy cảm, gây liên tưởng đến chuyện tình dục dù nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền khẳng định bài hát chỉ nói về món ăn Nhật Bản.
Trước đó, Chi Pu cũng phát hành MV Black Hickey vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, cũng xảy ra tranh cãi vì những phân cảnh bị cho là cổ xúy ngoại tình công sở. Hiện MV này đã bị ẩn/ xóa khỏi nền tảng Youtube.
Xem thêm: MV 'Sashimi' của Chipu: Hình ảnh được đầu tư nhưng nội dung phản cảm gây tranh cãi
Tương tự 2 trường hợp trên, những cái tên như: Sơn Tùng MTP, rapper Chị Cả, Big Daddy,.. cũng từng phải "ăn trái đắng", bị buộc gỡ bỏ vì không phù hợp văn hóa Việt dù sản phẩm rất đầu tư.
Khán giả lên án, cơ quan chức năng chỉnh đốn
Những cái hại lan rộng trong xã hội, khiến các cơ quan quản lý khó kiểm soát thì việc lên án và yêu cầu gỡ bỏ những kiểu hình âm nhạc này là điều vô cùng cấp thiết. Đó cũng là cơ hội để nghệ sĩ thể hiện sự cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực từ phía khán giả - những người trực tiếp tiếp nhận sản phẩm của họ.
Trước thực trạng kể trên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã soạn văn bản gửi đến Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý các rapper đã phát hành sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Đề nghị xử phạt hành chính với những rapper vi phạm theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo" là 50 triệu đồng và "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội" là 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngoài xử phạt hành chính thì khán giả còn là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sự thành bại của bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào.
Hãy cùng VOH Giải trí cập nhật những thông tin nhạc nhanh nhất tại chuyên mục tin nhạc nhé!
Ảnh: Internet.