Chờ...

10 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao phổ biến: Người dân cần cảnh giác để tránh mất tiền oan

VOH - Trong thời đại công nghệ 4.0, tội phạm mạng đang ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi phương thức lừa đảo.

-Cơ quan công an đã cảnh báo về những chiêu trò phổ biến hiện nay để người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản cá nhân.

lua dao_voh
Người dân cần đặc biệt cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo online ngày càng tinh vi - Ảnh: Hà Nội mới).

1. Mạo danh cán bộ nhà nước để chiếm đoạt thông tin Các đối tượng thường gọi điện, tự xưng là cán bộ nhà nước (cảnh sát, văn phòng đăng ký đất đai, cán bộ địa chính,...) yêu cầu người dân bổ sung thông tin cá nhân như căn cước công dân hoặc cài đặt ứng dụng giả mạo. Thông qua đó, chúng cài mã độc để chiếm quyền truy cập thiết bị, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền.

2. Dụ dỗ tham gia hội nhóm hẹn hò, lừa chuyển tiền Các trang mạng xã hội như Facebook, Telegram hay Tinder là nơi các đối tượng quảng cáo về việc tham gia các hội nhóm hẹn hò hoặc bình chọn cho gái mại dâm trá hình. Sau khi nạn nhân tham gia, chúng yêu cầu họ chuyển tiền mua gói dịch vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ. Nếu từ chối, các đối tượng sẽ đe dọa bằng hình ảnh, video nhạy cảm của nạn nhân.

3. Sử dụng công nghệ “deepfake” để giả mạo người thân Tội phạm mạng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo “deepfake” để tạo ra video giả mạo người thân. Chúng gọi điện video cho nạn nhân, giả vờ là người thân đang gặp khó khăn, cần gấp một khoản tiền và yêu cầu chuyển khoản. Hình ảnh mờ ảo, chập chờn càng khiến nạn nhân tin tưởng và dễ bị lừa.

4. Tuyển dụng online và chiếm đoạt tiền thông qua đơn hàng ảo Các đối tượng giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki) mời chào nạn nhân tham gia công việc online với mức lương hấp dẫn. Sau một vài giao dịch thành công với số tiền nhỏ, nạn nhân sẽ được yêu cầu thanh toán các đơn hàng giá trị cao hơn. Khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ cắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền này.

5. Dụ dỗ đầu tư vào sàn giao dịch điện tử giả Nhiều đối tượng thành lập các sàn giao dịch tiền điện tử, forex giả mạo. Chúng thường dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, mời chào tham gia với hứa hẹn lợi nhuận cao, rút vốn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau khi đầu tư, sàn giao dịch sẽ ngừng hoạt động hoặc khóa tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tiền.

6. Tuyển người mẫu nhí và yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ Các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tin tuyển người mẫu nhí với mức lương cao. Sau khi tham gia, phụ huynh sẽ được yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ mua hàng và hứa hẹn hoàn tiền cùng hoa hồng. Tuy nhiên, khi chuyển khoản với giá trị lớn, tiền sẽ bị đóng băng và phụ huynh phải tiếp tục chuyển tiền để rút vốn.

7. Mạo danh nhà mạng để chiếm đoạt SIM Tội phạm lừa người dùng điện thoại bằng cách mạo danh nhân viên nhà mạng, yêu cầu cập nhật thông tin SIM hoặc nâng cấp từ 3G lên 4G. Chúng sau đó sẽ chiếm quyền sử dụng SIM và từ đó xâm nhập vào tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền thông qua mã OTP gửi đến số điện thoại đã bị kiểm soát.

8. Lừa đảo qua tặng quà từ nước ngoài Nhiều đối tượng giả làm người nước ngoài kết bạn, tán tỉnh qua mạng xã hội, sau đó hứa gửi quà tặng. Khi hàng về đến sân bay, chúng giả làm nhân viên hải quan hoặc giao hàng, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để làm thủ tục nhận quà, từ đó chiếm đoạt tài sản.

9. Lừa đánh lô, đề Một thủ đoạn khác là mạo danh người nhà của nhân viên công ty xổ số, hứa hẹn biết trước kết quả lô đề. Nạn nhân sẽ được yêu cầu ứng tiền để mua số lô, đề và chia phần trăm lợi nhuận. Khi tin tưởng và chuyển tiền, nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt mà không nhận được lợi nhuận nào.

10. Mạo danh nhân viên ngân hàng tặng quà tri ân Những đối tượng này giả danh nhân viên ngân hàng, thông báo khách hàng trúng thưởng hoặc có quà tri ân. Chúng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Khuyến cáo từ cơ quan công an Người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo này. Công an khuyến cáo không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.