Đằng sau tin nhắn bán dâm "mồi chài" tận nhà?

VOH - Trước thực trạng lợi tội phạm công nghệ cao lợi dụng lỗ hổng từ sim rác để trục lợi, lừa đảo, người dân cần chủ động phòng tránh, tăng sức đề kháng với các tin nhắn độc hại này.

“Tiếp thị mại dâm” qua tin nhắn SMS hay chiêu thức lừa đảo?

Theo lý giải của chuyên gia, những tin nhắn này được gửi từ các thiết bị phát sóng di động giả mạo gọi là IMSI Catcher/SMS Broadcaster để phát tán tin nhắn lừa đảo mà không cần thông qua mạng viễn thông di dộng.

Lợi dụng cơ chế ưu tiên tìm trạm phát sóng nào mạnh nhất để kết nối, các đối tượng sử dụng máy phát tín hiệu mạnh để đánh lừa điện thoại kết nối với trạm này. Sau đó chúng dùng thiết bị để gửi tin nhắn đến hàng loạt điện thoại xung quanh. Các hệ thống giả mạo này có thể tiếp cận điện thoại trong bán kính 5km, hoặc thậm chí đặt trong ôtô đang di chuyển.

Ông Lý Quốc Minh, Giám đốc Công ty dịch vụ MobiFone Khu vực 2 cho biết thêm: "Họ đầu tư nhiều thiết bị để giả dạng đầu số, nhắn cho khách hàng. Nhóm tội phạm này không do trách nhiệm của nhà mạng và nhà mạng chính là người bị hại, bị lợi dụng để phát tán tin. Khi xảy ra sự việc này, nhà mạng, khách hàng đều khiếu nại, có thể tố cáo lên cơ quan công an để xử lý".

Nhận định bằng kinh nghiệm thực tế, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam khẳng định 99,9% đó là chiêu thức lừa đảo của tội phạm.

Trong rất nhiều kịch bản lừa đảo thì tin nhắn SMS luôn là bước đầu tiên để tội phạm giăng bẫy “con mồi”. Bước tiếp theo sẽ là mời chào đến với mạng xã hội như zalo và cuối cùng là dẫn dắt đến hội nhóm kín trên Telegram.

Mỗi tin nhắn SMS mồi chài, quảng cáo theo dạng này đều để lại ký hiệu là nhiều chữ cái ngẫu nhiên ở cuối tin nhắn như rTIWs hay VzEG. Đây là thủ đoạn để tội phạm tránh bộ lọc từ các nhà mạng và là chiêu thức khiến loại “virus" độc hại từ tin nhắn này có thể phát tán khối lượng khủng.

Đằng sau tin nhắn bán dâm
Cuối nội dung các tin nhắn rác thường đi kèm các ký tự ngẫu nhiên nhằm đánh lừa bộ lọc từ nhà mạng - Ảnh: Phi Yến

Ông Vũ Ngọc Sơn phân tích thêm: "Khi gửi 1 tin nhắn có nội dung giống nhau tới nhiều người cùng 1 lúc sẽ tự động bị chặn, các đối tượng lừa đảo cố ý gắn thêm các kí tự ngẫu nhiên để mỗi tin nhắn gửi ra sẽ khác nhau để vượt qua bộ lọc của nhà mạng.

Sẽ có một số người bắt đầu tham gia vào nhóm zalo, lúc đó chúng tiếp tục mời gọi những người này vào một nhóm Telegram. Khi người sử dụng đã qua được nhiều bước như vậy, chứng tỏ nạn nhân đã có lòng tin với chúng. Lúc đó các kịch bản lừa đảo sẽ được đưa ra nhiều hơn, dồn dập hơn đối với nạn nhân".

Hiện nay có khoảng hơn 150 trang web và ứng dụng (app) có nội dung đồi trụy với giao diện Tiếng Việt. Hầu hết đều có máy chủ đặt tại nước ngoài. Đặc biệt, thời gian gần đây hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như “gái gọi”, “gái bao”, “trai bao”, “sugar baby”, “con nuôi”... tạo lập nhóm kín để kết nối, trao đổi thông tin và thực hiện hành vi môi giới mại dâm.

Một trinh sát thuộc Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho hay: "Các tin nhắn này khiến một số người tò mò và truy cập vào các đường link, trang mạng, hội nhóm mạng xã hội (Telegram, zalo...) với mục đích dẫn dụ người tham gia đăng ký làm thành viên (cung cấp thông tin cá nhân: điện thoại, email, tài khoản ngân hàng, địa chỉ…) sau đó chiếm đoạt tiền của người tham gia. Hoặc dẫn dụ người chơi tải các ứng dụng trên điện thoại để tham gia đánh bạc trực tuyến, đầu tư tài chính lừa đảo…"

Khi nhận được các tin nhắn có nội dung như trên, người dân nên cảnh giác, tuyệt đối không được truy cập vào các đường link, không tải các ứng dụng mà đối tượng cung cấp.

Trong trường hợp đã điền thông tin thì phải nhanh chóng cập nhật, đổi lại tài khoản ngân hàng, ứng dụng. Tập hợp thông tin báo cáo cho Cơ quan Công an gần nhất, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao địa phương hoặc phản ánh qua đầu số 5656.

Thu hồi sim rác: Tuy dễ mà khó

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Về mặt bản chất, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ giúp người đăng ký sử dụng sim có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu, nhưng vẫn không đảm bảo đây là sim chính chủ. Có nghĩa là sim rác vẫn có thể được dùng để quảng cáo mại dâm, phát tán nội dung lừa đảo.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty công nghệ an ninh mạng quốc gia VN chia sẻ: "mặc dù chuẩn hóa thông tin về thuê bao nhưng đại lý có thể sử dụng thông tin, số căn cước, họ tên... từ nguồn mà họ có để kích hoạt sẵn các sim và bán ra cho người khác để sử dụng. Người sử dụng cuối không cần xuất trình giấy tùy thân, bởi vì thông tin đăng ký ban đầu đã được chuẩn hóa, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư."

Thừa nhận đây chính là kẽ hở trong quản lý sim chính chủ nhưng đến nay các nhà mạng chưa có công cụ để xác định. Ông Lý Quốc Minh, Giám đốc Công ty dịch vụ MobiFone Khu vực 2 nói: "Hiện nay các nhà mạng chưa có công cụ để kiểm tra và phân biệt các thông tin trên sim được đăng ký có trùng khớp với người đăng ký hay không. Chẳng hạn, khi bạn đứng tên sim rồi đưa cho người thân sử dụng thì nhà mạng không thể biết rằng người sử dụng là đúng hay sai."

Trong số những sim được bán ra thị trường, hiện có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng. Và cũng chính kênh đại lý được xem là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất.

Để xử lý dứt điểm tình trạng sim không chính chủ, sim rác, kể từ 10/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quy định chặt chẽ hơn, đó là các nhà mạng sẽ ngừng phát hành, bán sim điện thoại qua đại lý. Người dân chỉ có thể mua sim điện thoại di động qua hai kênh là tại cửa hàng của các nhà mạng và chuỗi cửa hàng điện thoại uy tín.

Việc không bán sim điện thoại qua đại lý có thể kiểm soát được người mua vì sim sẽ được kích hoạt sau khi chuẩn hóa thông tin, chứ không kích hoạt sim trước rồi bán lại như trước đây. Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty  An ninh mạng quốc gia VN cho rằng phải mất thêm thời gian nữa, các nhà mạng mới có thể thu hồi được lượng lớn sim bán ra trước thời điểm ngày 10/9.

Theo ông Võ Minh Thành, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TPHCM: "Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo đến tháng 9/2024, các nhà mạng sẽ tắt sóng 2G. Công nghệ này vốn đã cũ, tồn tại một số lỗ hỏng để kẻ gian lợi dụng thực hiện gửi tin nhắn rác. Sở sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra kết hợp nâng cấp hạ tầng mạng viễn thông, tăng cường quản lý sim của người dùng".

Trở lại với hành vi phát tán tin nhắn môi giới dịch vụ mại dâm, trả lời VOH, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết thêm: Thời gian qua, Cục đã ngặn chặn xử lý hơn 100 trang mạng, xử lý với 10 đối tượng quản trị các tài khoản mạng xã hội Twiter, hội nhóm Telegram với tổng cộng có hơn 300.000 người theo dõi, thành viên.

Để người dân có thể phản ánh cuộc gọi rác, tin nhắn rác có dấu hiệu lừa đảo, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận vấn đề này thông qua địa chỉ https://thongbaorac.ais.gov.vn/. Hoặc người dân có thể phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng cách gởi tin nhắn tới đầu số 5656, tất cả đều miễn phí.

Đằng sau tin nhắn bán dâm
Ảnh chụp màn hình trang web tiếp nhận phản ánh của Cục An toàn thông tin - Bộ TTTT.

Sau khi nhận được phản ánh, các nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, phản hồi tới khách hàng đồng thời tổng hợp, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý theo quy định.

Bình luận