Folie à Deux, hay còn được gọi là "rối loạn tâm lý chia sẻ" (shared psychotic disorder), là một hiện tượng hiếm gặp trong tâm lý học khi hai hoặc nhiều người chia sẻ cùng một ảo tưởng hoặc rối loạn tâm thần.
Tình trạng này thường xuất hiện giữa những người có mối quan hệ rất gần gũi, chẳng hạn như giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết hoặc những người sống chung trong một thời gian dài.
Trong Folie à Deux, một người ban đầu sẽ phát triển các ảo tưởng hoặc suy nghĩ không đúng thực tế và sau đó truyền đạt chúng cho người khác, khiến họ cũng tin vào những ảo tưởng đó. Người thứ hai có thể bị thuyết phục bởi sức ảnh hưởng của người đầu tiên, đặc biệt khi người này có vai trò quyền lực hoặc kiểm soát trong mối quan hệ.
Mối quan hệ giữa Arthur/Joker (Joaquin Phoenix) và Lee Quinzel - sau này là Harley Quinn (Lady Gaga) cũng như thế. Hãy cũng VOH khám phá những chi tiết được các nhà làm phim cài cắm trong tác phẩm nổi tiếng này nhé!
Làm mọi thứ chỉ để chứng minh mình là Joker
Trong bộ phim Joker: Folie à Deux, chúng ta lại gặp Arthur Fleck - kẻ tự biến mình thành phiên bản Joker đẫm máu. Lúc này, Arthur phải đối mặt với phiên tòa xét xử những tội ác của mình.
Tưởng chừng đây sẽ là cơ hội để Arthur thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt ở bệnh viện tâm thần Arkham nhưng thực tế là nơi khởi đầu cho toàn bộ diễn biến cho Joker về sau. Tại Arkham, anh sống như một cái bóng của chính mình như phần hoạt hình đầu phim: gầy gò, tiều tụy và mặt mũi hốc hác vì tuyệt vọng.
Mỗi sáng, Arthur lặng lẽ bước ra khỏi phòng giam và gặp những cai tù, dẫn đầu là Jackie - một kẻ hành hạ người khác với niềm vui sướng, liên tục trêu chọc Arthur bằng câu hỏi: "Hôm nay có chuyện cười nào không?".
Tuy nhiên, Arthur dường như đã cạn kiệt trò đùa, không còn nụ cười nào trên môi. Chính vì thế, Arthur lại trở thành Arthur của lúc trước: khốn khổ, đói rách, bị người khác dè bỉu và bắt nạt.
Trái ngược với hoàn cảnh éo le trong tù, bên ngoài Arthur trở nên nổi tiếng đến mức người ta còn làm một bộ phim truyền hình về anh. Nhiều người ghét anh nhưng cũng có những người ngưỡng mộ.
Một trong số đó là Lee Quinzel - nữ tù nhân tạm giam tại Arkham. Với mái tóc bạch kim và ánh mắt sâu thẳm, Lee nhìn Arthur với sự say mê. Trong khi cả thế giới nghĩ Arthur là kẻ điên thì Lee nhìn anh và chỉ thấy... Joker.
Phiên tòa xét xử Arthur được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Để chuẩn bị cho điều này, Arthur đồng ý tham gia một cuộc phỏng vấn trong tù với Paddy Meyers - kẻ luôn cố gắng khiêu khích anh bằng những lời nói đầy cợt nhả.
Thay vì phản ứng gay gắt, Arthur đáp lại bằng cách hát một bài hát với giọng khô khốc. Điều này cho thấy một Arthur khác biệt, không còn là kẻ bạo lực mà trở nên nghệ sĩ hơn dù vẫn mang trong mình nỗi đau và sự cô đơn.
Trong phiên thẩm án, công tố viên Harvey Dent buộc tội Arthur giết Murray Franklin và bốn người khác, ngay cả anh cũng thừa nhận điều đó. Vấn đề duy nhất là liệu Arthur có bị tuyên bố mất trí hay không vì điều này sẽ cứu anh ta khỏi án tử hình.
Luật sư của Arthur lập luận Arthur không thực sự phạm tội bởi vì anh có một nhân cách phân liệt, một bản ngã khác điên rồ hơn khống chế anh. Nhưng vị công tố viên lại cho rằng Arthur không có nhân cách phân liệt. Vì vậy, Arthur buộc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và bị kết tội.
Qua diễn biến của phiên tòa, chúng ta có thể thấy rõ Arthur đang cố gắng chứng minh mình là Joker. Đây có thể là lý do tại sao anh ta chọn cách hát những bài hát cổ điển trong phiên tòa thay vì phản ứng bạo lực như trước đây.
Sự xuất hiện của Lee Quinzel trong câu chuyện cũng góp phần củng cố ý định của Arthur. Lee nhìn thấy Joker trong Arthur và trở thành người duy nhất thực sự hiểu và chấp nhận con người thật của anh.
Việc phiên tòa được phát sóng trực tiếp trên truyền hình cũng là một yếu tố then chốt giúp Arthur có cơ hội được nói trước công chúng. Anh thực sự tin rằng mình là Joker.
Đây không phải là một chiến lược pháp lý để thoát tội của Arthur mà là một nỗ lực để xác nhận bản sắc mà anh đã chọn cho mình. Arthur từ bỏ cuộc sống cũ của mình để trở thành Joker và anh sẽ làm mọi thứ để duy trì danh tính đó.
Cảnh hoạt hình đầu phim
Cảnh mở đầu của Joker: Folie à Deux là một đoạn hoạt hình phong cách thập niên 40 của hãng Warner Bros. Trong đoạn phim ngắn, chúng ta thấy một phiên bản sân khấu Broadway của Arthur bị chiếm hữu bởi cái bóng sát nhân của chính mình.
Tất cả diễn ra trên nền nhạc của bài hát Me and My Shadow. Đây không chỉ là một cảnh mở đầu thông thường mà là một ẩn dụ sâu sắc về cuộc đấu tranh nội tâm và sự phân liệt nhân cách của Arthur.
Liệu Arthur và Joker có phải là hai nhân cách riêng biệt trong cùng một cơ thể? Câu hỏi này là trọng tâm của Joker: Folie à Deux và là sự kế thừa từ phần phim trước đó.
Khác với những nhân vật phản diện thông thường trong các bộ phim siêu anh hùng, Arthur được khắc họa như một cá nhân rối loạn thực sự. Ngay cả khi anh khoác lên mình lớp trang điểm hề và bộ vest đỏ, anh vẫn không phải là một ác nhân vĩ đại.
Thay vào đó, Arthur chỉ là một kẻ thua cuộc bình thường vì bị xã hội khinh thường mà cố gắng trở thành một nhân vật phản diện.
Tuy nhiên, thông qua việc nhập vai Joker trên sóng truyền hình, Arthur thực sự trở thành Joker. Đây chính là sự mơ hồ tinh tế mà bộ phim đã tạo ra: Arthur vừa là một nhân cách bị phân liệt, vừa là một tâm hồn bệnh hoạn. Anh là cả hai chứ không đơn thuần là Joker.
Trong Folie à Deux, mặc dù có nhiều cảnh Arthur ăn mặc như Joker, tự bảo vệ mình trong phòng xử án, hát những bài hát cũ nhưng sự hiện diện của anh không còn mang tính nguy hiểm như trước.
Trong phần phim mới, Arthur không còn cố gắng giết ai hay lãnh đạo một cuộc cách mạng nào nữa. Thay vào đó, anh chỉ đơn giản là hát và đôi khi nhảy múa trong giấc mơ Joker của mình.
Cảnh hoạt hình mở đầu với hình ảnh Arthur bị chiếm hữu bởi cái bóng sát nhân có thể được xem như một ẩn dụ cho toàn bộ hành trình của nhân vật. Đồng thời gợi ý Joker không phải là thực thể hoàn toàn tách biệt mà là một phần của Arthur.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bài hát Me and My Shadow cũng có ẩn ý tài tình của vị đạo diễn. Lời ca nói về một người và cái bóng không thể tách rời, phản ánh chính xác mối quan hệ giữa Arthur và Joker.
Điều này cũng nhấn mạnh Joker không phải là một thực thể hoàn toàn riêng biệt mà là một phần không thể tách rời của Arthur, luôn đi cùng anh như một cái bóng.
Joker chịu thua quyền lực là lúc bị các "tín đồ" quay lưng
Trong thế giới điện ảnh, ít có nhân vật nào gây được tiếng vang và gây tranh cãi như Joker. Từ comics đến màn ảnh rộng, hình tượng gã hề điên loạn trở thành biểu tượng cho sự hỗn loạn.
Trong phần đầu tiên, khán giả chứng kiến sự chuyển đổi đầy bi kịch của Arthur Fleck thành Joker. Từ một người đàn ông cô đơn, bị xã hội ruồng bỏ, Arthur dần trở thành biểu tượng cho sự nổi loạn tại thành phố Gotham.
Cuộc cách mạng mà Arthur khơi mào không chỉ làm rung chuyển thành phố mà còn thu về làn sóng "tín đồ" - những người xem Joker như một thần tượng, thậm chí là một dạng tín ngưỡng.
Sự phản bội lòng tin
Tuy nhiên, trong Joker: Folie À Deux, khi đối mặt với hệ thống pháp luật, Arthur đã phủ nhận sự tồn tại của Joker mặc dù trước đó luôn cố gắng chứng minh bản ngã của mình. Đây là một động thái nhằm tìm kiếm sự khoan hồng từ tòa án nhưng cũng mang theo những hệ lụy.
Hành động của Arthur là cú sốc đối với những người đã tin tưởng và theo đuổi hình tượng Joker. Đối với Lee, người đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng hình ảnh và bảo vệ Joker, lời thú nhận này là một đòn phá hủy công sức của cô.
Đối với những "tín đồ" của Joker, đây là sự phản bội và phủ nhận toàn bộ giá trị mà họ gán cho Joker. Khi Joker tuyên bố mình chỉ là Arthur, anh phá vỡ ảo tưởng về một nhân vật anh hùng chống đối mà họ đã tôn sùng.
Phản ứng của những người có mặt trong phiên tòa là minh chứng rõ nhất cho sự thất vọng và phẫn nộ. Việc họ đồng loạt quay lưng bỏ đi kể cả Lee là tuyên bố không còn công nhận Arthur/Joker như một biểu tượng nữa.
Joker là người từng đại diện cho sự nổi loạn chống lại hệ thống cuối cùng lại chọn khuất phục trước chính hệ thống đó để tìm kiếm sự khoan hồng. Khi Joker không còn đáp ứng được hình ảnh và kỳ vọng mà "khán giả" gán cho anh, họ nhanh chóng quay lưng.
Phản chiếu trong thế giới thực
Thú vị thay, những phản ứng trái chiều của một bộ phận khán giả đối với Joker: Folie À Deux dường như phản ánh chính xác tình huống trong phim. Một số khán giả tỏ ra không hài lòng với việc sử dụng yếu tố nhạc kịch, khiến họ cảm thấy chán ngán và không hiểu được thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải.
Tuy nhiên, điều này chính là minh chứng cho sự tinh tế trong cách xây dựng nhân vật Joker của các nhà làm phim. Kịch bản không chiều lòng đám đông sẽ là một dấu ấn khác biệt với tất cả phiên bản khác.
Phản ứng trái chiều của khán giả, theo một cách nào đó, phản ánh chính xác hành vi của những người ủng hộ Joker trong phim. Khi Joker không còn là Joker mà họ mong đợi, họ sẽ quay lưng.
Những thực trạng mà bộ phim truyền tải
Mặc dù có những ý kiến trái chiều, Joker: Folie À Deux vẫn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn. Tràng vỗ tay kéo dài 11 phút tại Liên Hoan Phim Venice 2024 là minh chứng cho giá trị nghệ thuật và sức ảnh hưởng của bộ phim.
Điều này cho thấy mặc dù có thể không phù hợp với kỳ vọng của một bộ phận khán giả, tác phẩm vẫn thành công trong việc tạo ra một dấu ấn đặc biệt và khác biệt.
Joker: Folie À Deux không chỉ là bộ phim về một nhân vật phản diện nổi tiếng mà còn là một tác phẩm phức tạp, đa lớp, khám phá những chủ đề sâu sắc về quyền lực.
Sự quay lưng của các "tín đồ" khi Joker chấp nhận khuất phục trước quyền lực ẩn dụ mạnh mẽ cho cách chúng ta nhanh chóng từ bỏ những gì không còn phù hợp với kỳ vọng của mình.
Cuối cùng, hành trình của Arthur trong Joker: Folie à Deux có thể được xem là một ẩn dụ cho việc con người tìm kiếm bản sắc và sự công nhận trong một xã hội phức tạp.
Lời kết
Hành trình của Arthur Fleck và Joker khép lại trong một vòng tròn đầy bi kịch và nghịch lý. Từ một người đàn ông cô độc và bị xã hội ruồng bỏ, Arthur trở thành Joker bằng cách giết chết thần tượng của mình. Nhưng rồi chính anh lại trở thành nạn nhân của quá trình tương tự.
Trong phiên tòa hỗn loạn, khi mọi thứ sụp đổ xung quanh, chúng ta chứng kiến một Arthur/Joker hoàn toàn khác. Thay vì đón nhận sự hỗn loạn với nụ cười quen thuộc, anh lại bỏ chạy.
Hình ảnh Arthur tháo chạy khỏi "người hâm mộ" đang cố gắng cứu anh khỏi xiềng xích luật pháp cho thấy anh muốn chối bỏ bản ngã của mình. Arthur tạo ra Joker nhưng giờ lại phủ nhận sự tồn tại của nhân vật này.
Và chính lúc đó, Arthur cũng bị ám sát bởi chính "tín đồ" của mình. Cảnh tượng kẻ sát nhân ngồi cười run rẩy, rạch miệng mình để tạo nên nụ cười đặc trưng của Joker không chỉ đánh dấu sự ra đời của một Joker mới mà còn khép lại một chu kỳ đen tối.
Bộ phim để lại cho khán giả một cảm giác day dứt và không thoải mái, buộc chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi khó về bản chất con người, về ranh giới mong manh giữa lý trí và điên loạn và về cách mà xã hội nuôi dưỡng những biểu tượng của sự hỗn loạn.
Trong thế giới của Joker, không có anh hùng hay ác nhân thực sự, chỉ có những con người bị cuốn vào một vòng xoáy của bạo lực và ảo tưởng.
Theo dõi voh.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về showbiz, phim ảnh, âm nhạc, TV Show... tại chuyên mục Giải trí.