*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Thị trường phim ảnh thời điểm hiện tại tràn ngập nhiều tác phẩm thể loại kinh dị, giật gân. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Quỷ Ám Tín Đồ, Thanh Gươm Trừ Tà, Phong Ấn Quỷ Dữ, Âm Hồn Đô Thị, Quỷ Môn Quan… Thế nhưng đại diện của Việt Nam trong thể loại này chỉ duy nhất tác phẩm Tết Ở Làng Địa Ngục. Đáng nói, đây không phải là phim điện ảnh mà chỉ là phim dài tập, được phát hành trên nền tảng trực tuyến K+ và Netflix.
Trước đó, thể loại phim kinh dị tại Việt Nam đặc biệt là phim bộ không làm người xem ấn tượng. Các tác phẩm đa phần thiếu trau chuốt, hình ảnh kém bắt mắt cùng nội dung không đủ sâu sắc. Hơn thế, vì tính chất kinh dị mà một số phim còn bị lược bớt một số chi tiết, làm người xem “chưng hửng” vì không được như mong đợi.
Nhưng khi Tết Ở Làng Địa Ngục ra mắt, cái nhìn của khán giả Việt dành cho thể loại phim này đã có sự thay đổi.
Sau khi tập đầu tiên làm người xem “lóa mắt” với những thước phim được đầu tư công phu, tập 2-3-4 của Tết Ở Làng Địa Ngục chuyển sang những phân cảnh rợn người, vừa mang yếu tố giải trí, vừa là cầu nối giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về phong tục, tập quán của người xưa.
Rượu sọ người
Bắt đầu tại làng Dâu, nơi ông Thập dừng chân sau khi đi tìm người giải mộng. Tại đây, phim khuấy bầu không khí linh dị bởi câu chuyện của Tứ Cháo Lòng (NSƯT Minh Tuấn) - tay buôn thịt ưa rượu chè. Mỗi lần ma men nổi lên ông ta thường xuyên chửi bới và hăm dọa đánh vợ. Một ngày, khi đang trong cơn say và bị thách thức, Tứ Cháo Lòng cướp đi tính mạng của vợ và đứa con chưa chào đời. Thế nhưng, hắn chỉ phải ngồi tù trong thời gian ngắn vì đút lót gần như cả gia tài.
Ngày Tứ Cháo Lòng về làng cũng là lúc hắn xuất hiện nhiều hành tung bí hiểm. Trong đó, câu chuyện luyện rượu sọ người để gọi hồn vợ, đòi của cải của hắn khiến nhiều người ám ảnh. Theo lời kể, rượu sọ người không phải là loại rượu thông thường, đó là thứ tà thuật với sức mạnh vô biên cùng nhiều ràng buộc mà không phải ai cũng dám luyện.
Rượu được ngâm từ sọ người sống hoặc sọ người mới chết càng linh nghiệm. Người luyện được thứ rượu này có khả năng điều khiển âm binh, nói chuyện với người chết hay thậm chí là đoạt mạng người khác. Đổi lại, khi thực hiện quá trình này cũng là lúc người đó giao kèo với con quỷ canh rượu, tuyệt đối phải giữ thân mình trong sạch, tránh tà dâm. Nếu đi ngược lại với ràng buộc, người luyện rượu phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Xem thêm: Review Tết Ở Làng Địa Ngục tập 1 - Từ bối cảnh đến tạo hình, khó thấy được điểm trừ
Tứ Cháo Lòng vì ham muốn cá nhân mà bắt tay vào luyện rượu sọ người. Nhưng bản tính sơ khai đã làm kẻ giết vợ phải bỏ mạng. Tuy nhiên, cái chết của hắn lại làm liên lụy đến vợ của lão Tam (Võ Tấn Phát) và vô tình đưa lão ăn mày vào diện tình nghi.
Về cơ bản, hai tập này cho thấy oán khí sâu đậm của Tứ Cháo Lòng cùng những sự kiện linh dị. Đây cũng là thước phim mang tính điện ảnh hơn, mê hoặc hơn so với Thiên Linh Cái (Thiên linh cái cũng là một dạng tà thuật, được luyện từ sọ người và thai nhi).
Đảm nhận nhân vật Tứ Cháo Lòng, NSƯT Minh Tuấn đã không làm người xem thất vọng qua khả năng diễn xuất của mình.Có lẽ, một trong những chi tiết làm người xem ám ảnh trong tập 2-3 chính là ánh mắt của nam nghệ sĩ khi đánh mất chính mình. Với kinh nghiệm 20 năm vào vai phản diện, NSƯT Minh Tuấn mang đến một Tứ Cháo Lòng đáng căm hận. Đó là hình tượng người đàn ông rượu chè, xem trọng bạn bè hơn vợ con. Đó là người đàn ông không giữ được bình tĩnh và có tâm địa ác độc. Ngoài ra, những thước phim phóng cận mặt biểu cảm của nhân vật cũng nhiều phần toát lên sự tà mị và đáng sợ.
Bên cạnh nội dung gây ám ảnh, hiệu ứng âm thanh cùng hình ảnh được trau chuốt tỉ mỉ trong hai tập này đẩy tình tiết phim lên đến cao trào. Điểm nhấn khó lòng quên đó là chi tiết bà Vạn đến chở linh hồn đi. Nếu như cái chết của các nhân vật khiến người xem từ ngỡ ngàng đến lo sợ thì tạo hình cùng giọng nói ma mị của người lái thuyền chở vong - bà Vạn, khiến người xem có cảm giác lạnh sống lưng.
Được biết, ekip làm phim đã rút từng sợi chỉ trên áo để mang đến tạo hình tả tơi cho nhân vật này.
Cũng trong tập 2-3, nhân vật lão Tam của Võ Tấn Phát cũng có nhiều đất diễn hơn, thể hiện rõ những thông tin về tính cách và cuộc đời của lão “nhiều chuyện nhất làng”. Lão Tam/Tam Quỷ và vợ (Liên) là cặp vợ chồng mùi mẫn, mở quán trọ để kiếm kế sinh nhai. Cả hai được dân làng yêu mến vì luôn kể những câu chuyện bí hiểm ít ai biết.
Chuyện vỡ lẽ khi Tam Quỷ nhận ra bộ mặt thật của vợ cũng như chứng kiến cái chết của người mình thương. Đây là nhân vật “nặng ký”, đòi hỏi khả năng diễn xuất tốt để lột tả được tâm lý của người đàn ông bị phản bội, muốn đau lòng nhưng cũng phải cứng rắn. Tuy nhiên, lối diễn của Võ Tấn Phát vẫn còn có chút non nớt, có lẽ vì đây là lần đầu anh chuyển mình từ hình tượng diễn viên hài nên kinh nghiệm vẫn chưa dồi dào lắm.
Lời nói và biểu cảm gương mặt của anh không làm khán giả cảm nhận được cảm xúc của nhân vật. Thêm vào đó, cách diễn cường điệu còn đôi lần làm mạch phim bị rời rạc, kém hấp dẫn.
Cá chép rỉa thịt
Tập 4 của phim chính thức xoáy sâu vào những sự kiện diễn ra ở làng Địa Ngục. Trước đó, ông Thập từng xin lão ăn mày chỉ cho hướng đi để cứu làng nhưng đành bó tay vì đây là việc khó tránh khỏi. Thế rồi, án mạng đầu tiên đã xảy ra ở ngôi làng chết chóc.
Tưởng chừng chỉ là vụ án thông thường nhưng những tình tiết kèm theo làm tập phim tăng tính rùng rợn. Hình ảnh cá chép rỉa thịt, oán khí sâu đậm đến nỗi không thể mang thi thể người chết đi chôn hay những tình huống thực ảo bất phân… tất cả đều tạo nên mở đầu cho nhiều vụ án tâm linh.
Dù vẫn chưa cung cấp nhiều thông tin nhưng tập mới nhất đồng thời làm người xem tò mò về thân thế và số mệnh của thị Thập (Nguyên Thảo) cùng thằng điên - Đạt (Đình Khang). Xuất hiện chớp nhoáng ở 4 tập đầu. Những thông tin về thị Thập đến giờ vẫn còn mơ hồ. Càng bí ẩn hơn khi thị dường như có quá khứ “bất hảo”, xuất hiện ngày càng nhiều của những vết tấy đỏ trên người và biểu hiện khác lạ.
Thoát vai “Cô Ba Lùi” dí dỏm hay “Chị Mười Ba” hàng pha-ke, Nguyên Thảo trong Tết Ở Làng Địa Ngục làm người xem có cái nhìn khác với khả năng diễn xuất của mình.
Nữ diễn viên thành công khi mang đến người vợ dịu dàng, từ tốn nhưng khát khao được trở thành mẹ. Mặt khác, bộ mặt có phần phản diện của thị Thập cũng được Nguyên Thảo thể hiện tốt qua ánh mắt sắc lạnh, điệu bộ cơ thể và giọng nói khác thường. Dự là trong tương lai, nhân vật này sẽ còn tạo nên nhiều cao trào hấp dẫn.
Thông tin về nhân vật thằng điên lại càng ít khi những khung hình có sự xuất hiện của nhân vật này chủ yếu mang tính hù dọa. Gương mặt ngờ nghệch, phần mê nhiều hơn phần tỉnh, trên tay cầm chiếc đèn lồng đỏ rực... những nơi mà nhân vật này đặt chân đến hầu như đều tồn tại những hiện tượng khó lý giải.
Theo như đoạn trailer được nhà sản xuất đăng tải, thằng Điên sẽ là một trong những nạn nhân xấu số phải trả nợ cho tổ tiên của mình. Tuy nhiên, liệu nhân vật này sẽ gây ấn tượng cho người xem bằng cách nào thì phải đón chờ các tập tiếp theo.
Kẻ Ăn Hồn
Ngoài bộ phim đang nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ giới yêu phim, vào tháng 12 sắp tới, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân sẽ tiếp tục cho ra mắt phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn. Đây cũng là dự án được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Thảo Trang.
Tác phẩm sẽ khai thác sâu hơn vào loại cổ thuật luyện rượu sọ người được đề cập trong Tết Ở Làng Địa Ngục, có sự tham gia của các nhân vật hoàn toàn mới.
Với câu “Có một kẻ khác đang luyện rượu sọ người trong làng Địa Ngục”, phim hứa hẹn mang đến thước phim đậm chất kinh dị. Hơn thế, được sản xuất bởi những cái tên làm nên Tết Ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn được mong đợi sẽ tiếp bước, tạo nên “địa chấn” với những hình ảnh mê hoặc.
Cùng VOH giải trí cập nhật thông tin phim ảnh mỗi ngày tại chuyên mục phim ảnh nhé!