Không bàn đến nội dung phim, những năm gần đây từ hình ảnh đầu tiên - poster quảng bá phim ảnh của Trung Quốc đang dần đi vào "bế tắc", với loạt poster "10 phim như 1" khiến cộng đồng giới mộ điệu cảm thấy chán ngán. Nhìn vào tưởng chừng như cùng một bộ phim nên cũng không còn hứng thú để xem nội dung như thế nào nữa.
Vừa qua, Tencent và Youku đã lần lượt thông báo chiêu thương cả kho tác phẩm quan trọng từ dịp hè cho đến cuối năm nay. Bên cạnh hàng loạt những tựa phim hấp dẫn đang được đông đảo fan hâm mộ mong chờ, vấn đề poster giống hệt nhau đang trở thành một yếu điểm của phim ảnh Hoa ngữ.
Xem thêm: Đại hội chiêu thương năm 2022 Youku công bố loạt phim mới hấp dẫn
Cụ thể, một blogger đã tổng kết loạt những poster phim có concept na ná nhau, thậm chí "như hai giọt nước" chỉ khác một chút về trang phục và background. Cư dân mạng đồng loạt cảm thán, những poster dạng này thật sự đã khiến họ quá "ngấy". Không chỉ riêng những tác phẩm trọng điểm, cư dân mạng đồng loạt hy vọng các nhà sản xuất phim nên có tâm, sáng tạo và chăm chút hơn cho những đứa con tinh thần của họ ngay từ khâu hình ảnh đầu tiên. Hơn hết, hình ảnh cứ tương tự nhau thế này đã khiến khán giả không muốn theo dõi phim ngay từ đầu.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, chẳng phải ảnh poster cũng chỉ có bấy nhiêu tư thế đó thôi sao. Nhưng vấn đề ở đây không phải là tư thế, còn xét về các yếu tố khác như sắp xếp bố cục, màu sắc, hiệu ứng, phần chữ, không gian,... phải thể hiện được mục đích truyền tải nội dung ẩn chứa phía sau.
Lấy ví dụ cụ thể, cảnh đại hôn của Thái tử trong Hạc Lệ Hoa Đình, không dùng hình ảnh hai người uống rượu giao bôi nhưng dùng tình tiết nô tỳ đưa rượu nhưng Thái tử không nhận. Thế này chẳng phải có thể biểu đạt được cảm giác bị ép bức thành hôn, và Thái tử phi không phải là người mà Thái tử muốn thành thân cùng.
Ảnh thứ hai, hai vị Hoàng tử đứng hai bên Hoàng thượng, một người rất thân thiết vui vẻ và có phần ung dung; riêng người bên trái đứng ngay ngắn và nghiêm túc, từ đó đã phần nào cho thấy hình tượng nhân vật và mối quan hệ phụ tử. Phía sau còn có một vị Phi và một người con trai.
Bức thứ ba, Hạc Lệ Hoa Đình cố tình thể hiện mối quan hệ phụ tử quân thần, Thái tử đứng ra lo liệu việc triều chính nhưng toàn bộ phụ thuộc vào phụ thân. Đế vương cao cao tại thượng ngồi phía sau giám sát Thái tử. Loại quyền lực của Thái tử được Hoàng đế cho phép nhưng đồng thời cũng chịu sự khống chế và cảm giác áp bức từ ông, lập tức người xem đều có thể cảm nhận được.
Nhiều người cho rằng poster này rất giống của bộ phim điện ảnh The Throne (2014). Concept ảnh này quả thực rất tương đồng và Thiếu Niên Thiên Tử cũng từng áp dụng.
Khác biệt ở đây chính là tư thế đứng và quỳ giữa hai người con, các vị phụ thân cũng người ngồi người đứng. Trong Hạc Lệ Hoa Đình, Thái tử tỏ rõ là người có quyền lực thậm chí bản thân cũng có thế lực riêng. Hoàng vị của Hoàng đế dường như là dựa vào thế lực của nhà mẹ gây dựng nên, bên cạnh Thái tử không chỉ có quan văn còn có võ tướng ủng hộ, dẫn đến việc Hoàng đế e ngại và nghi ngờ Thái tử.
Trong Bi Kịch Triều Đại - The Throne (2014), vua Yeongjo (Song Kang Ho) chán ghét Thế tử, sự ngông cuồng yếu kém cùng tội lỗi của mình khiến Thế tử không còn chút thể diện nào. Cho nên trong poster, Thế tử đã phải quỳ dưới chân phụ thân, trong mắt cũng thể hiện phần nào sự ân hận. Vì muốn để con trai Thế tử kế vị mà không phải chịu thân phận có người cha mang trọng tội, vua Yeongjo đã nhốt Thế tử trong thùng gạo cho đến chết.
Poster trong Liên Minh Quân Sư không biết đã từng có concept tương tự hay chưa. Khi nhìn vào những gì trong hình, ta có thể cảm nhận được con đường nguy nan trùng trùng, sinh mạng như "mành treo trước gió" tưởng tượng được phần nào những chông gai mà nhân vật chính sẽ phải đối mặt.
Lại nói, poster này của Thanh Bình Lạc tuy không quá xuất sắc hay đặc biệt ấn tượng, nhưng vẫn hơn khối poster một màu và không mang nét riêng độc đáo cũng như truyền tải được thiết lập hay tính cách và số phận của nhân vật.
Tại sao lại không thể ngăn chặn "trào lưu poster"? Lẽ nào cộng đồng mọt phim không mong muốn những diễn viên mình yêu thích có thể tham gia diễn xuất cho một tác phẩm được đầu tư chỉn chu và chất lượng hơn sao? Trả phí cho một "tác phẩm sơ sài" đến cuối cùng cũng chính là khán giả chúng ta.
Thế nên, hy vọng phim ảnh Trung Quốc sẽ xem xét lại vấn đề này để không khiến khán giả cảm thấy thất vọng ngay từ khâu quảng bá hình ảnh phim.
Đừng quên cập nhật những thông tin phim ảnh thú vị nhất cùng VOH Giải trí tại chuyên mục phim mỗi ngày nhé!
Ảnh: Weibo