Chú Nguyền (Incantation) sau khi ra mắt đã thu về 170 triệu Tân Đài Tệ, trở thành phim kinh dị Đài Loan có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Sau đó, phim được Netfilx mua bản quyền phát hành toàn cầu. Trên Netflix, bộ phim cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực và thậm chí tạo nên một cơn sốt không hề nhẹ. Cùng xem xem bộ phim này có gì hấp dẫn nhé!
Thông tin phim Chú Nguyền
- Tựa gốc: 咒
- Tựa tiếng Anh: Incantation
- Ngày công chiếu: 18/3/2022
- Đạo diễn: Kha Mạnh Dung
- Thể loại: Kinh dị, giật gân, tâm lý
- Diễn viên: Thái Hoàn Yến, Cao Anh Hiên, Hoàng Hâm Đình, Lâm Kính Luân, Ôn Khương Vũ (RQ),...
- Thời lượng: 110 phút
- Ứng dụng trình chiếu: Netflix
Cảnh báo: Phim không dành cho các khán giả có hội chứng sợ lỗ.
Nội dung chính Chú Nguyền
6 năm trước, Lý Nhược Nam (Thái Hoàn Yến) cùng bạn trai cô là A Đông (Lâm Kính Luân) và em trai anh ấy là A Nguyên (Ôn Khương Vũ), cả ba lên đường về quê nhà A Đông tham gia một buổi lễ cúng bái. Tuy nhiên, tham gia lễ cúng chỉ là phụ, mục đích chính của cả nhóm là khám phá những chuyện tâm linh. Vì vậy, dù được người lớn trong nhà cảnh báo nhiều lần, họ vẫn lén trốn ra ngoài vào nửa đêm, lẻn theo đoàn người vào địa đạo cúng thần linh.
Trong đêm đó, họ đã phạm vào những điều cấm kị tôn giáo, giải phóng một lời nguyền đáng sợ. Kết quả là anh em A Đông mất mạng, cha mẹ Nhược Nam và bất kì ai nghe qua lời nguyền hay xem phải đoạn video ở địa đạo đều bỏ mạng theo những cách cực kì kinh khủng.
6 năm sau, tức hiện tại, Lý Nhược Nam sau một thời gian dài điều trị tâm lý cuối cùng cũng ổn định tinh thần. Cô đón con gái mình là Đóa Đóa (Hoàng Hâm Đình), tên thật Trần Lạc Đồng, từ trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi về. Thế nhưng Đóa Đóa bắt đầu nhìn thấy ma và có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi lời nguyền. Lúc này, Lý Nhược Nam phải dùng mọi cách có thể để cứu lấy con.
Thứ thâm hiểm nhất trên đời này vẫn chính là lòng người
* (Cảnh báo: Có tiết lộ nội dung phim)
Từ những giây phút đầu đến xuyên suốt bộ phim, Lý Nhược Nam thường hay nhắc đến "điều cấm kị" mà cô phạm phải từ 6 năm trước, đồng thời cũng thể hiện sự nỗ lực cứu chữa con gái mình. "Điều cấm kị" mà cô phạm phải cùng nguyên nhân dẫn tới việc Đóa Dóa bị nguyền rủa được khéo léo tiết lộ dần qua các tình tiết và lời thoại trong phim, rồi cuối cùng được làm rõ ở 10 phút cuối.
Có thể khi xem phim, khán giả sẽ cảm thấy Nhược Nam thật đáng thương, chịu cảnh ám ảnh bao năm trời vì sự kiện kinh hoàng ở địa đạo, nay tưởng chừng như có được hạnh phúc bình yên bên con gái thì hóa ra bất hạnh lại lần nữa ập đến.
Thế nhưng, bạn có thắc mắc tại sao tất cả những người biết về lời nguyền đều chết, duy chỉ có Nhược Nam vẫn bình yên sau từng ấy năm không? Đây chính là "plot twist" khiến người xem ngã ngửa.
A Đông, A Nguyên mất mạng ngay sau khi xâm phạm địa đạo, cha mẹ Nhược Nam chết ngay sau khi biết về chân tướng lời nguyền, các cảnh sát sau khi nghe kể về lời nguyền cũng tử vong, cha nuôi của Đóa Đóa suy nhược cơ thể dần và cũng qua đời sau khi xem đoạn băng về địa đạo, bác sĩ điều trị tâm lý cho Nhược Nam cũng vậy. Duy chỉ có Nhược Nam, người biết tất cả nhưng vẫn sống sót.
Đúng là năm xưa, Nhược Nam không phải người khởi động lời nguyền mà cô chỉ là người chịu ảnh hưởng. Nhưng việc để lời nguyền đeo bám theo con gái mình, chủ mưu lại chính là cô. Không phải tự nhiên mà Đóa Đóa được Nhược Nam đặt cho tên Trần Lạc Đồng, cũng không phải tự nhiên mà lúc đặt tên thì trên sàn lại có biểu tượng Đại Hắc Phật Mẫu.
Lý do cô cam tâm để con gái mình bị nguyền rủa, là vì cô chưa hề mong muốn đứa bé này. Thời gian đầu chung sống, cô đối xử tốt với con gái, chủ yếu là vì cô mang nặng cảm giác tội lỗi. Thế nhưng sau thời gian chung sống, tình mẫu tử lại dần hình thành rõ nét trong tim Nhược Nam.
Trong 100 phút đầu của phim, đạo diễn để khán giả phải tò mò rốt cuộc nhóm Nhược Nam đã làm gì trong địa đạo, để đến mức phải bị nguyền rủa như thế; liệu rằng lời nguyền này có cách nào để hóa giải chăng? Tất cả được giải đáp trong 10 phút cuối. Mặt khác, 10 phút cuối cũng cho khán giả thấy hai mặt trái ngược của lòng người: sự ích kỉ sẵn sàng hy sinh kẻ khác để bản thân được sống sót và tình yêu thương đủ để khiến một người chấp nhận từ bỏ mạng sống vì người khác.
Cũng như nhiều bộ phim kinh dị khác, Chú Nguyền cho ta thấy sự ích kỉ, thâm hiểm của con người chính là nguyên nhân gây ra mọi nỗi bất hạnh. Đồng thời, vẫn là thông điệp đặc trưng từ những bộ phim kinh dị lấy chủ đề tôn giáo/tà giáo: đừng tò mò và đừng xâm phạm những nghi thức tâm linh mà bản thân không rõ.
Ngoài ra, Chú Nguyền còn cho khán giả thấy khía cạnh mềm mỏng, dịu dàng của phim qua tình cảm gia đình giữa mẹ ruột Nhược Nam với Đóa Đóa và cha nuôi Khải Minh (Cao Anh Hiên) với Đóa Đóa.
Ưu và khuyết điểm
1. Ưu điểm
Bộ phim sử dụng phong cách giả tài liệu khiến cho các thước phim trở nên thật và sinh động hơn. Những bộ phim từng dùng thủ pháp này và cũng đem lại thành công đó là The Medium, Gonjiam: Haunted Asylum, Noroi: The Curse, Paranormal Activities,...
Người xem sẽ có cảm giác như được theo chân các nhân vật, được tham dự vào cuộc sống của họ và chứng kiến các sự kiện xảy ra trong đời họ. Điều đặc biệt của thể loại này là thỉnh thoảng sẽ có những lúc máy quay bị rơi, hoặc mất tiếng, khi ấy khán giả hoàn toàn không thể kiểm soát được rốt cuộc có điều gì đang và sắp xảy ra, nhờ đó mà làm tăng thêm sự căng thẳng trong quá trình theo dõi.
Bên cạnh đó, nhân vật Nhược Nam cũng thường tương tác với khán giả qua các phân đoạn đầu và cuối phim khi cô nói về câu chú "chúc phúc". Hình thức này càng làm tăng thêm trải nghiệm "đồng hành cùng nhân vật" của người xem, giúp quá trình theo dõi phim trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Ngay từ khi mở đầu, bộ phim đã đề cập đến câu chuyện về lời chúc phúc và cách mà tâm trí ta ảnh hưởng lên sự vật/sự việc xung quanh mình. Đoạn mở đầu này có liên kết rất chặt chẽ với đoạn kết khi cô giải thích sự thật về câu thần chú, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng cho bộ phim. Plot twist của phim được xây dựng hợp lý và được tiết lộ dần với khán giả thông qua những tình tiết và lời thoại nhỏ mà khi xem bạn phải chú tâm để có thể nhận ra điểm bất thường.
Phim sử dụng lối kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, cách làm này cho phép người đọc tự mình xâu chuỗi sự kiện và có những suy luận riêng, đồng thời tăng tính thú vị và gợi mở thêm sự tò mò từ phía khán giả, thay vì đi theo lối kể chuyện thông thường theo dòng thời gian tuyến tính.
Chú Nguyền sử dụng tốt chất liệu kinh dị đặc trưng của dòng phim kinh dị Á Đông. Đó là không khí âm u nhuốm màu tâm linh; những hủ tục, nghi thức cúng bái kì lạ bắt nguồn từ văn hóa tôn giáo lẫn văn hóa truyền thống trong dân gian. Những điểm đặc sắc này có tác dụng với chính người Á Đông vì chúng ta có nền văn hóa tương tự nhau. Nhờ đó, tác phẩm không cần sử dụng các thủ pháp jumpscare như đa số phim kinh dị Âu Mỹ mà vẫn có thể gieo được cảm giác rờn rợn ám ảnh, khiến khán giả phải dè chừng xuyên suốt bộ phim.
Diễn xuất của hai nhân vật chính là Thái Hoàn Yến và Hoàng Hâm Đình cũng rất tốt. Thái Hoàn Yến diễn tả được sự sợ hãi, bất an của nhân vật khi đối diện với các hiện tượng tâm linh kinh khủng; cô cũng cho thấy cảm xúc hối hận và tình yêu thương với con gái mình khi bộ phim càng về cuối. Hoàng Hâm Đình rất tự nhiên và đáng yêu trong vai cô bé Đóa Đóa bất hạnh, bị lời nguyền hành hạ kể từ khi về ở với mẹ, nhưng dù vậy em vẫn yêu mẹ, vẫn muốn ở cùng mẹ. Chính vì cô bé quá đáng yêu, từng biểu cảm từng lời nói đều khiến người xem muốn tan chảy, cho nên quá trình em bị dày vò càng khiến người xem thấy xót xa.
2. Khuyết điểm
Tất nhiên, tác phẩm nào cũng tồn tại vài điểm hạn chế và vài hạt sạn. Ở Chú Nguyền, điểm hạn chế đầu tiên chính là các nhân vật không quá nổi bật. Họ đều làm tốt vai trò của mình trong cả câu chuyện, nhưng lại không khơi gợi được cảm xúc mãnh liệt từ người xem. Tình cảm trong phim chưa đủ sâu sắc, cũng vì vậy mà plot twist cuối cùng tuy bất ngờ nhưng lại mang cảm giác "nhàn nhạt", chưa tới.
Thêm vào đó, tình huống khiến các nhân vật bị nguyền rủa có phần rập khuôn và khiên cưỡng. Một nhóm bạn bất chấp lời cảnh báo xông vào nơi tâm linh để rồi bị ám là một tình tiết cực kì quen thuộc và nhàm chán, đã được sử dụng bởi rất nhiều bộ phim kinh dị từ Á đến Âu Mỹ. Hơn nữa, lý do A Nguyên và A Đông nhất quyết phải tiến vào địa đạo cũng qua loa, thiếu thuyết phục. Như thể tình tiết ấy bị ép phải xảy ra chứ không phải diễn ra cách tự nhiên, tuân theo logic thông thường.
Một điểm khó hiểu nữa liên quan đến tôn giáo của gia đình họ Trần. Khi A Đông và A Nguyên dẫn Nhược Nam về nhà ông cậu để tham gia lễ bái, hai anh em hoàn toàn không biết gia tộc mình theo tín ngưỡng nào. Điều này khá vô lý, vì với nền văn hóa Á Đông, ông bà tổ tiên ta theo tôn giáo nào thì con cháu ít nhất cũng phải được cho biết những điều cơ bản sẵn, đằng này anh em A Đông không biết một tí gì.
Cứ cho là anh em họ cùng cha mẹ sống ở nơi khác, nhưng chẳng lẽ tách ra riêng rồi thì cha mẹ anh từ bỏ tín ngưỡng của gia tộc sao? Hoặc đặt giả thiết đúng là cha mẹ anh từ bỏ tín ngưỡng gia tộc, nhưng trước khi về làm lễ, A Đông và A Nguyên không được cha mẹ hay các bậc trưởng bối trong nhà cho biết trước những điều cần biết về tín ngưỡng ấy sao?
Bạn có thể nói người thờ Đại Hắc Phật Mẫu là ông cậu của A Đông, tức là cậu của cha mẹ, chứ không phải ông bà cha mẹ A Đông. Nhưng rõ ràng trong phim người ông cậu có nói: "Đây là lễ cúng của gia tộc". Nhược Nam cũng nói: "Tổ tiên A Đông thờ Đại Hắc Phật Mẫu" và "suốt nhiều thế hệ, họ phải gánh nghiệp chướng". Vậy, đây là tín ngưỡng toàn tộc và đã có từ lâu, chuyện A Đông A Nguyên lớn lên mà không biết gì là bất hợp lý.
Phim cũng có nhiều tình tiết không được giải thích rõ, ví dụ như các nghi thức liên quan đến Đại Hắc Phật Mẫu. Vì vậy mà việc theo dõi những tình tiết này diễn ra có phần mơ hồ, người xem chỉ biết xem chứ không hiểu tại sao lại làm như vậy, làm như vậy có mục đích gì.
Chuyện bên lề
1. Chú Nguyền lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật
Theo lời đạo diễn Kha Mạnh Dung, bộ phim được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật xảy ra ở quê nhà ông là Cao Hùng, Đài Loan vào năm 2005.
Cụ thể, có gia đình họ Ngô rất cuồng tín gồm 6 người, cả nhà thờ Na Tra Tam Thái Tử. Một ngày nọ, người con gái nhỏ của gia đình khẳng định mình được Tam Thái Tử nhập, yêu cầu chị cả đang sinh sống tại Đài Bắc phải về nhà gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Người chị trở về nhà, liên tiếp mơ thấy mình bị tấn công tình dục. Sau đó, cô bắt đầu tự làm mình bị thương. Cả gia đình dắt díu nhau đến một ngôi đền, hy vọng sẽ chữa khỏi cho con gái. Nào ngờ khi trở về, không những cô chị cả không khỏi, mà cả nhà cũng bắt đầu có triệu chứng lạ. Từng người đều khẳng định mình được một vị thần khác nhau nhập, nhưng họ đều xem các thành viên khác trong nhà là ma quỷ giả danh. Họ nhịn ăn, hành hạ nhau và ép ăn chất thải của nhau để trừ tà.
Cuối cùng, họ quyết định người chị cả chính là linh hồn tà ác nhất. Sau đó người chị cả bị hành hạ và rồi qua đời. Kì lạ là sau khi cô qua đời, cả nhà lại trở về bình thường.
Đạo diễn Kha Mạnh Dung không bê cả câu chuyện vào nội dung phim mà chỉ vay mượn một ít chi tiết từ vụ việc.
2. Tín ngưỡng và lời nguyền trong phim có thật không?
Sau khi phim lên sóng, nhiều người sợ hãi đã đặt câu hỏi liệu tín ngưỡng Đại Hắc Phật Mẫu và lời chú "Hỏa Phật Tu Nhất, Tâm Tát Mô Mâu" có thật hay không. Đáp lại nỗi lo của khán giả, đạo diễn Kha Mạnh Dung khẳng định toàn bộ vấn đề liên quan đến tôn giáo trên phim đều là hư cấu. Phật Mẫu là một khái niệm có thật, tồn tại trong nhiều trường phái tôn giáo. Còn Đại Hắc Phật Mẫu là một phiên bản tà ác được hư cấu dựa trên các hình tượng có sẵn ngoài đời thật.
Anh cũng chia sẻ thêm rằng những bức tượng và bức vẽ được sử dụng trên phim là những thứ tốn nhiều kinh phí nhất, tổ sản xuất đã sáng tạo sao cho chúng trông giống như những vị thần được thờ cúng thật sự, khiến người xem phải thắc mắc về tính thực tế của tín ngưỡng trong phim.
3. Phần 2 và vũ trụ phim kinh dị của đạo diễn Kha Mạnh Dung
Cuối tháng 4/2022, đạo diễn Kha Mạnh Dung tiết lộ Chú Nguyền đang bắt đầu ghi hình cho phần 2. Đầu tháng 5, một poster được tung ra, trên poster là dòng chữ Chú Nguyền 2 và hình ảnh Đóa Đóa ôm thỏ bông ngồi giữa các bức tượng được nhà họ Trần thờ cúng. Ở cuối phần 1, có thể thấy Đóa Đóa vẫn sống mạnh khỏe, nhưng cô bé vẫn là hậu duệ của nhà họ Trần, gia tộc gánh nghiệp chướng bởi thờ phụng tà thần. Có lẽ ở phần mới, cô bé sẽ lại phải đối mặt với những nguy hiểm từ tín ngưỡng của gia tộc mình.
Ngoài ra, Kha Mạnh Dung cũng cho biết mình có dự định tạo một "Vũ trụ phim kinh dị một chữ", lấy chủ đề là các sự kiện kinh dị có thật ở Đài Loan. Gọi là "Vũ trụ phim một chữ" là vì tựa gốc của Chú Nguyền là 咒 - "Chú", chỉ có một chữ. Vị đạo diễn này hiện đang có sẵn 4 chủ đề, nhưng được biết, anh sẽ chọn 2 trong số đó để tạo thành một bộ ba phim cùng với Chú Nguyền.
Kết
Nhìn chung, Chú Nguyền có cách kể chuyện cuốn hút khi cho phép người xem tương tác với nhân vật và theo chân nhân vật trong cuộc sống đời thường một cách chân thật. Đồng thời, phim cũng xây dựng thành công không khí ma mị đặc trưng của dòng phim về tôn giáo Á Đông. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn còn mắc phải những cách xây dựng tình huống khá khiên cưỡng và rập khuôn, phần tình cảm chưa đủ sâu sắc để chạm đến trái tim người xem.
Bộ phim vẫn thích hợp cho các khán giả tìm kiếm một bộ kinh dị mới mẻ, có thể gây ám ảnh bởi không gian tâm linh, bởi văn hóa truyền thống chứ không phải chỉ đơn giản là jumpscares hay gây buồn nôn bởi các cảnh tra tấn thể xác.
Những năm gần đây, Đài Loan nổi danh bởi các game nhập vai kinh dị vừa rùng rợn lại vừa cảm động như Devotion, Detention. Góp phần vào làn sóng kinh dị đó, Chú Nguyền của Kha Mạnh Dung thành công duy trì được không khí ma mị đặc trưng, đồng thời lồng ghép câu chuyện về lòng người là thứ đáng phải dè chừng nhất. Với sự thành công của phần đầu tiên này, hy vọng phần 2 của bộ phim và các phần phim liên quan có thể khắc phục được những hạn chế của Chú Nguyền và càng hoàn hảo hơn nữa.
Xem thêm những thông tin mới nhất về phim ảnh tại chuyên mục Phim của VOH Giải Trí nhé!
Ảnh và video: Internet