Lễ Phục sinh là gì? Thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào?

(VOH) - Lễ Phục sinh là một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với hàng tỷ tín đồ theo đạo Kitô giáo.

Tiếng chuông nhà thờ reo vang khắp thành phố, những cánh hoa tulip cũng dần nở rộ khoe sắc dưới nắng vàng. Đây là dấu hiệu cho thấy Lễ Phục sinh - ngày lễ quan trọng đối với người Kitô giáo - đang đến gần. Đó không chỉ là thời khắc đánh dấu sự phục sinh của Chúa Giêsu mà còn là một ngày để tôn vinh tình yêu, sự hy sinh và lòng trắc ẩn của Người. Hãy cùng nhau khám phá về ngày lễ tuyệt vời này qua bài viết dưới đây!

1. Tìm hiểu về Lễ Phục sinh

Lễ Phục sinh tiếng Anh được gọi là Easter, là dịp tưởng niệm sự kiện Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết.

1.1 Lễ Phục sinh là gì?

Lễ Phục sinh đánh dấu sự kiện vị ngôn sứ (Chúa Giêsu) bị xử tử và sống lại từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong kinh thánh, Ngài được tôn kính là đấng tối cao tạo nên muôn loài. Và cái chết thê thảm của Ngài là trả nợ cho tội lỗi của loài người. Đồng thời, lễ này cũng kỷ niệm việc giao ước mới giữa loài người và đấng tối cao.

Lễ Phục sinh là gì? Thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 1
Tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trong thánh lễ Thứ Sáu Tuần Thánh tại tu viện Penteli, phía Bắc Athens, Hy Lạp (03/05/2013) - Ảnh: Reuters

1.2 Nguồn gốc Lễ Phục sinh

Tương truyền, Adam và Eva (được xem là tổ tiên của loài người theo đạo Thiên Chúa) sau khi phạm tội đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Con cháu của Adam và Eva đã sinh sôi nảy nở khắp mặt đất. Với tội lỗi gây ra, họ mất ơn nghĩa với Chúa. Tuy nhiên, vì yêu thương con người nên Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu hạ phàm và thực hiện công trình cứu độ: Đó là rao giảng về nước Trời và kêu gọi ăn năn sám hối, chịu khổ nạn, chịu chết để đền tội cho loài người và phục sinh để chứng thực cho quyền năng Thiên Chúa.

Năm 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu rời quê hương nơi ngài sinh ra và bắt đầu rao giảng tin mừng. Trong một lần vào thành Jerusalem đúng dịp lễ Vượt Qua (nghi lễ của người Do Thái), ngài đã được dân chúng đón tiếp bằng lá cây lót đường và vẫy tay mừng.

Vào ngày thứ Năm (nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh), Chúa Giêsu thực hiện nghi thức rửa chân các môn đồ và dùng bữa tối cuối cùng (bữa Tiệc Ly) với các tông đồ. Ngay buổi tối hôm đó, Ngài bị bắt theo lệnh của Tòa Công luận với cáo buộc Ngài phạm thượng và giao cho các quan chức Đế quốc La Mã để xin án tử hình. 

Trong bóng đêm của khu vườn Getsemani ở ngoại ô Jerusalem, lính La Mã nhận diện Chúa Giêsu nhờ cái hôn của Judas Iscariot, một tông đồ đã phản ông để nhận được tiền thưởng.

Tổng đốc Pontius Pilate (Philatô) dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Chúa Giêsu vào ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, theo các sách Phúc Âm, một tấm bảng có hàng chữ viết tắt INRI (của câu: "Giêsu người Nazareth, vua dân Do Thái") được treo trên thập tự giá theo lệnh của Pilate (Philatô). Chúa Giêsu bị buộc phải tự vác thập tự giá lên đồi Golgotha, nơi Người bị đóng đinh và chết.

Tuy nhiên, khi tới thăm mộ của Ngài, người ta chỉ thấy ngôi mộ trống rỗng. Chính vì vậy, các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày Chủ Nhật (tức 3 ngày sau khi chết trên thập tự giá).

Sự kiện này đã được đề cập đến theo thuật ngữ của Kitô giáo là sự phục sinh của Chúa Giêsu, được cử hành hằng năm vào ngày Lễ Phục sinh.

1.3 Ý nghĩa của Lễ Phục sinh 

Trong tâm niệm của người theo đạo Thiên Chúa, Chúa Giêsu sống lại và lên Thiên quốc trong khải hoàn ca tạo nên một niềm tin cho các tín đồ rằng, Ngài quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Đồng thời, sự kiện này còn thể hiện tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người. 

Ngoài ra, ngày lễ Phục sinh còn diễn ra vào mùa Xuân - mùa của sự sinh sôi, nảy nở. Do đó, đây còn là dịp tiếp thêm sức mạnh để các giáo dân tin vào những điều tốt đẹp, khơi dậy hy vọng về một tương lai tươi sáng. 

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 2
Lễ phục sinh tại Nga - Ảnh: Tạp Chí Du Lịch Tp. Hồ Chí Minh

1.4 Lễ Phục sinh được tính như thế nào?

Lễ Phục sinh ngày nào là câu hỏi chung của rất nhiều người. Trên thực tế, Lễ Phục sinh không có ngày cố định mà được tính là ngày Chủ Nhật đầu tiên sau ngày Rằm hoặc sau ngày Xuân Phân. Như vậy, Lễ thường diễn ra vào Chủ Nhật bất kỳ nằm trong khoảng từ ngày 22/3 đến 25/4 Dương lịch. Cũng vì thế mà Lễ Phục sinh còn được coi như lễ hội mùa Xuân, mừng đất trời chuyển mùa. 

2. Lễ Phục sinh 2024 ngày nào?

Năm 2024, Lễ Phục sinh sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 31/3 Dương lịch. 

3. Các hoạt động trong ngày Lễ Phục sinh

Vào Lễ Phục sinh, các tín đồ theo đạo Kitô giáo thường đến nhà thờ để cầu nguyện và cảm tạ Chúa. Đây cũng là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình và bạn bè, thưởng thức những món ăn truyền thống trong Lễ Phục sinh hoặc tham gia các hoạt động đặc biệt như diễu hành… 
Một số quốc gia cũng có thể có các truyền thống đặc biệt khác như trang trí trứng Phục sinh, làm bánh Phục sinh, tặng quà và đổi trao những món quà đặc biệt trong dịp này.

4. Biểu tượng của Lễ Phục sinh

Vào lễ hội Phục sinh, mọi người sẽ tặng nhau món quà hình quả trứng, con thỏ, hay thưởng thức bữa ăn ngon với thịt giăm bông… Đây đều là những biểu tượng của ngày lễ này từ hàng ngàn năm nay. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của những biểu tượng này là gì?

4.1 Trứng Phục sinh

Trứng Phục sinh tiếng Anh là Easter egg, là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Lễ Phục sinh trong văn hóa phương Tây. 

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 4
Trứng Phục sinh được trang trí bắt mắt - Ảnh: Time

Từ khi khởi nguyên, con người luôn coi trứng là biểu tượng của sự sinh sản, tái sinh. Theo truyền thuyết, người phương Tây tin rằng, Trái đất vốn được nở ra từ một quả trứng khổng lồ và mọi sinh vật bằng cách này hay cách khác cũng đều được sinh ra từ quả trứng. 

Thêm vào đó, các nghiên cứu khảo cổ cũng chứng minh được rằng, người Ai Cập và Su-me cổ có tập tục trang trí trứng làm quà tặng từ ít nhất 5.000 năm về trước. Trong khi người Ai Cập và Ba Tư thường trao đổi trứng nhuộm bằng sơn đỏ để chào mừng mùa Xuân, thì người Hy Lạp và La Mã đã sáng tạo vào thêm nhiều màu sắc khác nhau.

Có lẽ vì thế mà người ta thừa nhận, trứng là một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Lễ Phục sinh. Ý nghĩa trứng Phục sinh là tượng trưng cho ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, từ đó Chúa Giêsu phục sinh.

Đến nay, mọi người thường tự trang trí các hoa văn, họa tiết sắc màu cho những quả trứng để tặng nhau, với hy vọng gia đình, người thân, bạn bè luôn gặp được may mắn và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời gạt bỏ những điều không hay lại phía sau. 

4.2 Thỏ Phục sinh

Bạn có bao giờ thắc mắc, tại sao thỏ đẻ con nhưng trong Lễ Phục sinh lại “toàn trứng”? 

Trước hết, thỏ có khả năng sinh sản chóng mặt nên được xem là biểu tượng của sự sinh sản, sức sống dồi dào, mạnh mẽ. Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh thỏ gắn liền với một truyền thuyết về Ostara (còn gọi là Eastre) - nữ thần của mùa Xuân, người được lấy tên đặt cho tên của lễ Phục Sinh (Easter).

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 5
Hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây - Ảnh: Reader's Digest Canada

Chuyện kể rằng, thần Ostara có lần mang mùa Xuân tới Trái đất muộn. Điều này khiến muông thú và mọi vật phải chịu cảnh giá lạnh. Khi Ostara tới, thần vô tình thấy một chú chim sắp chết vì hai cánh bị đóng băng. Cảm thương, Ostara bèn giải cứu, biến chú chim thành một con thỏ và giữ nó bên mình làm thú cưng. Ostara cũng ban cho thỏ con khả năng đẻ trứng cùng khả năng chạy rất nhanh. Thần Ostara muốn chú thỏ sẽ thay người tặng quà trẻ em khi Xuân về.

Tuy nhiên, sau này, thỏ thần vô tình khiến Ostara nổi giận. Nó bị thần ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus. Một năm, thỏ chỉ được xuống nhân gian một lần vào mùa Xuân để tặng những quả trứng đáng yêu cho người dân dưới trần thế. Cũng từ đó, hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây.

4.3 Món giăm bông

Món jambon (hay còn gọi là thịt giăm bông) thường xuất hiện trong các món ăn trong ngày Lễ Phục sinh, đặc biệt là ở các quốc gia có ảnh hưởng từ văn hóa Phương Tây. 

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 6
Jambon là món ăn gần như không thể thiếu trong ngày lễ Phục sinh ở các nước phương Tây - Ảnh: Southlake Style

Đối với các tín đồ Công giáo, thịt lợn được coi là món ăn của Chúa. Người phương Tây cổ tin rằng, thời điểm Mặt trăng máu (lần trăng tròn đầu tiên của mùa Thu) là thời điểm tốt nhất để thu hoạch mùa màng, ướp muối thịt lợn dự trữ cho mùa đông lạnh giá. Khi Xuân về, họ sẽ sử dụng tất cả những thức ăn tích trữ còn lại và tổ chức Lễ Phục sinh, trong đó có thịt lợn muối được làm thành jambon. Có lẽ vì thế mà jambon trở thành món ăn truyền thống trên bàn ăn mỗi dịp Lễ Phục sinh.

4.4 Quần áo mới

Lễ Phục sinh tượng trưng cho sự tái sinh và hy vọng những điều tốt đẹp. Theo quan niệm, hành động mặc quần áo mới đại diện cho sự đổi mới và sự khởi đầu may mắn - những yếu tố quan trọng gắn liền với lễ này.

4.5 Nến Phục sinh

Nến Phục sinh dẫn tín hữu ra khỏi bóng tối và bước vào niềm vui mùa Phục sinh. Đây cũng là một trong những biểu tượng chính trong suốt 50 ngày của mùa lễ này. 

Trên thân nến có cắm 5 dấu đinh (tượng trưng cho 5 vết thương của Chúa Giêsu), phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega, với ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Giêsu là “khởi đầu và cuối cùng”. 

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 7
Nến Phục sinh - Ảnh: Vanpoulles Church Furnishers

5. Những hình ảnh Lễ Phục sinh ấn tượng trên khắp thế giới

Hãy cùng khám phá các hoạt động đón chào Lễ Phục sinh của hàng tỷ tín đồ Kitô giáo trên thế giới thông qua những bức ảnh Phục sinh ấn tượng dưới đây. 

Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 8
Giáo hoàng Francis chủ trì Lễ Phục sinh tại Quảng trường St. Peter ở Vatican ngày 17/4/2022 - Ảnh: VnExpress
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 9
Các tín đồ cầm nến trong buổi cầu nguyện lễ Phục sinh tại nhà thờ ở Nairobi, Kenya - Ảnh: VnExpress
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 10
Thành viên cộng đồng người Sorb mặc áo đen cưỡi ngựa rước Lễ Phục sinh gần Ralbitz, miền Đông nước Đức - Ảnh: VnExpress
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 11
Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby chủ trì lễ tại nhà thờ ở hạt Kent, Anh - Ảnh: VnExpress
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 12
Các nữ tín đồ Kitô xếp hàng chờ linh mục rước lễ tại nhà thờ ở bang Jammu, Ấn Độ - Ảnh: VnExpress
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 13
Tìm trứng đầy màu sắc trong ngày lễ Phục sinh khiến các em nhỏ ở Mỹ vô cùng hào hứng - Ảnh: Thanh Niên
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 14
Tại một số vùng của Tây Ban Nha, những người tham gia diễu hành sám hối sẽ đội những tấm khăn choàng trắng hoặc những chiếc áo choàng trắng (gọi là áo sám hối) mang theo nến, hoa và một thứ giống như hương trầm trong suốt hành trình - Ảnh: Thanh Niên
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 15
Mọi người ném những cánh hoa khi chiếc xe diễu hành mô tả Chúa Giêsu vác thánh giá đi qua ở Granada, Tây Ban Nha, vào ngày 11/4/2022 - Ảnh: The Global Times
Lễ Phục sinh là gì? Các nước trên thế giới đón Lễ Phục sinh như thế nào? 16
Thành viên một nhà thờ ở bang Illinois, Mỹ thả trứng Phục sinh từ trực thăng xuống để trẻ em nhặt - Ảnh: VnExpress

Trên đây là những thông tin về ngày Lễ Phục sinh. Hãy giữ lửa hy vọng, thắp lên niềm tin trong trái tim mình và sống đời một cách đầy ý nghĩa. Chúc mừng Lễ Phục Sinh!