Chờ...

Mùa Chay là gì? Mùa Chay năm 2024 bắt đầu từ ngày nào?

(VOH) – Đối với các tín hữu Kito giáo, mùa Chay nằm trong danh sách các dịp lễ lớn và vô cùng quan trọng. Cùng tìm hiểu xem mùa Chay là gì và được tổ chức như thế nào ngay sau đây nhé.

Mùa Chay được biết đến như một dịp lễ đặc biệt, giúp những người con của Chúa thấu hiểu tường tận hơn giá trị mùa Phục sinh – mùa của niềm vui, hy vọng và yêu thương. Tại sao lại như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tỏ tường ý nghĩa của khoảng thời gian này.

1. Mùa Chay là gì và có ý nghĩa thế nào?

Trong lịch phụng vụ hay lịch Kito giáo, mùa Chay (mùa áo tím) là một mùa lễ hội trang trọng, diễn ra trong khoảng 6 tuần trước ngày lễ Phục Sinh. Cụ thể, mùa Chay sẽ bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước khi Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa vào thứ Năm Tuần Thánh.

Bắt nguồn từ tiếng Latinh “Quadragesima”, mùa Chay mang ý nghĩa là “Thời kỳ 40 ngày”. Theo đó, con số 40 tượng trưng cho 40 đêm ngày trong kì chay tịnh của Chúa trước khi rao giảng ơn cứu độ, nhắc về 40 nằm người dân Do Thái tiến về Đất Hứa hay gợi nhớ tới trận lụt Hồng Thủy kéo dài 40 ngày.

Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống trở nên bận rộn, thời gian diễn ra mùa Chay có thể rút ngắn lại, con số 40 nên được hiểu theo ý nghĩa lịch sử và biểu tượng trên đây, không còn theo nghĩa số học.  

mua-chay-la-gi-mua-chay-nam-2022-bat-dau-tu-ngay-nao-voh-0
Mùa Chay (mùa áo tím) là một mùa lễ hội trang trọng, diễn ra trong khoảng 6 tuần trước ngày lễ Phục Sinh (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, mùa Chay thường đến vào mùa Xuân – mùa sinh sôi, nảy nở của muôn loài trong thế giới tự nhiên nên trong tín ngưỡng của người theo đạo Kito giáo, lễ hội này chính là thời điểm để con người suy nghiệm về “tái sinh” chính mình, sám hối, ăn chay và học cách làm chủ các ham muốn của bản thân.

2. Mùa Chay 2024 bắt đầu từ ngày nào?

Dựa theo lịch phụng vụ, mùa Chay 2024 bắt đầu từ ngày 14/2 đến ngày ngày 28/3.

3. Mùa Chay nên làm gì?

Trong khoảng thời gian diễn ra mùa Chay thiêng liêng này, các tín hữu Kito giáo thường được nhắc nhở nên thực hiện một số nghi thức sau:

3.1 Xưng tội

Mùa Chay được xem là dịp lễ thuận lợi và tốt đẹp nhất mà những tín hữu nên sắp xếp xưng tội. Nghi thức này sẽ tạo cơ hội cho chúng ta xưng tội một cách chân thành với linh mục, chăm chỉ làm việc để đền tội và đổi mới bản thân mình nhằm chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh sắp tới.

3.2 Cầu nguyện

Đối với các tín hữu Kito giáo, cầu nguyện có lẽ là nghi thức được thực hiện đều đặn hàng ngày, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mùa Chay. Thời gian nguyện cầu sẽ tạo cơ hội cho chúng ta hướng tới những điều tươi sáng hơn, mong ước an lành cho bản thân, gia đình, bạn hữu và một thế giới bình yên.

mua-chay-la-gi-mua-chay-nam-2022-bat-dau-tu-ngay-nao-voh-1
Chân thành cầu nguyện trong mùa Chay, ước mong an lành cho mọi người (Nguồn: Internet)

3.3 Ăn chay, giữ chay

Duy trì ăn chay (kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu), giữ chay – giảm bớt lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn hàng ngay. Điều này chính là một hình thức sám hối tội lỗi, giúp chúng ta tập trung cầu nguyện có hiệu quả hơn.

3.4 Làm việc thiện nguyện

Làm việc thiện nguyện, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời nguy khó bằng tinh thần bác ái cũng sẽ giúp các giáo dân gột rửa tội lỗi, gieo thêm niềm yêu thương trong mùa Chay.

3.5 Suy nghĩ tích cực

Hãy kiên nhẫn với chính mình, suy nghĩ lạc quan và tích cực, không nên quá căng thẳng về việc phải sửa hết những lỗi lầm khi mùa Chay đến. Mỗi ngày cải thiện từng chút một, biết trân trọng những nỗ lực của bản thân mới là điều được gửi gắm trong dịp lễ đặc biệt này.

mua-chay-la-gi-mua-chay-nam-2022-bat-dau-tu-ngay-nao-voh-2
Luôn giữ cho mình một tinh thần tích cực là thông điệp mùa Chay hướng tới (Nguồn: Internet)

3.6 Rèn luyện thân thể

Cùng với việc thay đổi bữa ăn hàng ngày, quan tâm tới tâm trí nhiều hơn, các tín hữu cũng nên xây dựng một thói quen rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe vào mùa Chay.  

4. Mùa Chay có được làm lễ cưới không?

Theo nhiều tài liệu nghi thức, mùa Chay vẫn có thể làm lễ cưới được, song phải chú ý rằng lễ cưới sẽ phải cử hành Thánh Lễ theo ngày phụng vụ - tức là phải sử dụng các bản văn phụng vụ và các bài đọc Thánh Kinh của ngày lễ hôm đó.

Ngoài ra, nghi thức hôn phối sẽ diễn ra sau bải giảng, sau kinh Lạy Cha sẽ đọc lời cầu cho cặp đôi, cuối lễ có thể dùng công thức ban phép lành cho đôi tân hôn.

5. Một số bản thánh ca mùa Chay

Giống như các dịp lễ khác của Kito giáo, mùa Chay sẽ có những bài thánh ca riêng nhằm nhắn gửi những thông điệp nhân văn. Dưới đây xin được tổng hợp một số bản thánh ca mùa Chay hay và rất được yêu thích: 

Mục đích cao đẹp mà bất cứ tôn giáo nào cũng đều hướng tới răn dạy sống lương thiện, biết yêu thương và nâng đỡ mọi người trong cơn khốn khó. Đó cũng chính là ý nghĩa thiêng liêng và màu nhiệm của mùa Chay. Vì thế, hy vọng rằng các tín hữu Kito giáo sẽ có một mùa Chay nhiều phúc lành, an yên bên những người thân yêu. 

Bình luận