Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn Việt Nam tài năng kiệt xuất, ông sở hữu vô số tác phẩm đình đám. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất đời thường và mộc mạc khiến độc giả bị cuốn nhịp rất nhanh mặc dù chẳng có nhiều cao trào nổi bật.
Không thua kém các nhà văn Trung Quốc, những tác phẩm chuyển thể thành phim của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng viết nên tên tuổi cho rất nhiều diễn viên trẻ như Trần Nghĩa, Trúc Anh, Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào, bé Thịnh Vinh, bé Trọng Khang, bé Lâm Thanh Mỹ,...
Nguyễn Nhật Ánh là ai?
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, các tác phẩm của ông thiên về chủ đề tuổi mới lớn, nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người, đặc biệt thu hút giới trẻ. Tài năng nở rộ từ khi còn rất nhỏ, năm 13 tuổi Nguyễn Nhật Ánh đã có thơ được đăng báo, nhưng sau đó ông có một thời gian làm giáo viên rồi mới trở thành nhà văn. Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh liên tục được tái xuất bản và hút hàng, chẳng những thế khi chuyển thể thành phim điện ảnh còn "cháy vé".
- Năm sinh: Ngày 7 tháng 5 năm 1955
- Quê quán: Làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
- Bút danh: Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,…
- Các giải thưởng: Văn học Trẻ hạng A (với tác phẩm “Chú bé rắc rối”), nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 – 1995), 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975 – 1995).
Xem thêm: Hamlet Trương - Một tác giả đa tài với tâm hồn lãng mạn, vậy sách anh có gì?
Những truyện đã chuyển thể thành phim của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
1. Mắt biếc
- Tên tiếng Anh: Dreamy Eyes
- Thể loại: Yêu thầm
- Nhân vật chính: Ngạn, Hà Lan
- Chuyển thể thành phim năm: 2019
- Diễn viên: Trần Nghĩa vai Ngạn, Trúc Anh vai Hà Lan
Tóm tắt nội dung phim Mắt biếc (giữa phim và truyện có nhiều tình tiết khác nhau):
Ngạn và Hà Lan là bạn học lại ở gần nhà nên cả hai cùng trải qua rất nhiều kỷ niệm ở làng quê nghèo Đo Đo (cũng là quê của tác giả Nguyễn Nhật Ánh). Hà Lan có đôi mắt đẹp tuyệt trần mà Ngạn gọi đó là “mắt biếc”, dần dà Ngạn thầm yêu Hà Lan, một tình yêu lặng lẽ nhưng dai dẳng, bền bỉ.
Lớn lên, Ngạn và Hà Lan đều đi học trên thành phố Huế, Hà Lan ở nhà một người cô, còn Ngạn ở chung nhà cậu Huấn. Cậu Huấn có một cậu con trai trạc tuổi Ngạn là Dũng, Dũng con nhà giàu, sành điệu nhưng lại là kẻ chăn hoa, không đàng hoàng.
Những lần Hà Lan qua nhà tìm Ngạn, Dũng đã để ý Hà Lan và tán tỉnh cô. Không cưỡng lại được sức hút của chốn phồn hoa đô hội, Hà Lan ngã vào lòng Dũng để rồi phải mang thai nghỉ học. Hà Lan chuyển đến sống trong một căn nhà trọ chật hẹp để sinh con, Ngạn biết chuyện thường xuyên đến thăm và giúp đỡ, trong khi đó Dũng lại đi cưới cô gái khác là Bích Hoàng.
Hà Lan hạ sinh một bé gái gửi về cho ngoại nuôi, còn cô mở một tiệm may trên thành phố, Ngạn thì trở về làng Đo Đo dạy học. Ở quê nhà có một cô gái tên Hồng đem lòng yêu Ngạn, cô cũng về làng Đo Đo dạy học để được gần gũi anh, nhưng Ngạn luôn từ chối Hồng vì trong lòng Ngạn chỉ có Hà Lan (nhân vật Hồng trong truyện không tồn tại, cô chỉ là một nhân vật được sáng tạo ra trong phim).
Trà Long từ nhỏ quấn quít Ngạn, giờ đã lớn lên thành thiếu nữ xinh xắn, điều bất ngờ là cô bé lại đem lòng yêu Ngạn. Để mọi việc không tồi tệ hơn, Ngạn quyết định bỏ lại làng Đo Đo mà ra đi. Trà Long tâm sự với mẹ Hà Lan, Hà Lan nhận ra mình không nên bỏ lỡ Ngạn nữa, cô vội vàng chạy ra nhà ga để giữ chân anh nhưng đã không còn kịp...
2. Cô gái đến từ hôm qua
- Tên tiếng Anh: The Girl from Yesterday
- Thể loại: Học trò, tình cảm gà bông
- Nhân vật chính: Thư, Việt An
- Chuyển thể thành phim năm: 2017
- Diễn viên: Ngô Kiến Huy vai Thư, Miu Lê vai Việt An
Tóm tắt nội dung truyện Cô gái đến từ hôm qua:
Cách đây 10 năm, Thư và cô bạn Tiểu Li chơi rất thân với nhau, khi ấy Thư thường xuyên bắt nạt Tiểu Li. Một thời gian sau Tiểu Li dọn nhà đi, Thư ở lại với cuốn sổ bí mật mong ngày Tiểu Li quay về.
Đến khi học trung học phổ thông, Thư học chung với Việt An và say mê cô bạn cùng lớp đến thơ thẩn. Biết Việt An thích ăn kẹo Thư mua kẹo cho Việt An và hai cô bạn thân của cô là Chiêu Minh và Hồng Hoa mỗi ngày đến cạn ví.
Đến khi Việt An bệnh, Thư đến nhà thăm và giúp cô chép bài nhưng lại quên làm cho mình nên bị cô giáo quở trách, còn bị cô phát hiện dòng thư tình Thư viết cho Việt An.
Dần dà Thư và Việt An yêu nhau, Việt An về nhà Thư chơi và phát hiện ra cuốn sổ bí mật năm xưa, thì ra Việt An chính là cô bạn Tiểu Li bị Thư ức hiếp năm nào.
Xem thêm: Nhất Độ Quân Hoa - Nhà văn tài hoa thể loại nào cũng có thể 'cầm bút họa tranh'
3. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
- Tên tiếng Anh: Dear brother
- Thể loại: Trẻ con, tuổi thơ
- Nhân vật chính: Thiều, Tường, Mận
- Chuyển thể thành phim năm: 2015
- Diễn viên: Thịnh Vinh vai Thiều, Trọng Khang vai Tường, Lâm Thanh Mỹ vai Mận
Tóm tắt nội dung truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh:
Thiều và Tường là hai anh em ruột nhưng lại có tính cách khác biệt, trong khi Tường ngây thơ, giàu lòng nhân ái thì Thiều lại là người anh trai ích kỷ, hẹp hòi. Cũng chính vì tính đố kỵ mà Thiều thường xuyên đẩy Tường chịu thay những trận đòn “tai bay vạ gió” do chính mình bày ra, nhưng thật tâm cậu cũng rất thương em mình.
Mận là cô bạn cùng lớp với Thiều, Mận xinh xắn nhưng học hành sa sút vì phải chăm sóc người cha mắc bệnh lạ đang bị mẹ cô giam trong căn chòi. Bí mật của Mận chỉ có anh em Thiều và Tường biết, họ nhiều lần vì bảo vệ điều này mà ẩu đả với Sơn.
Bổng một ngày nhà Mận cháy, người ta phát hiện có xương lẫn trong đám tro tàn và bắt mẹ của Mận đi vì cho rằng bà đã giam cầm ông và ông đã chết cháy. Chịu cú sốc lớn, Mận hoàn toàn suy sụp nhưng may mắn thay được gia đình Thiều cưu mang.
Giữa ba đứa trẻ con Mận lại thân thiết với Tường hơn, điều này làm cho Thiều càng thêm đố kỵ với em trai vì cậu thầm mến Mận từ lâu. Tường yêu thích động vật, thường xuyên chơi với sâu bọ và cậu bé có nuôi một con cóc, để thỏa lòng ghen tức Thiều đã tiếp tay cho việc con cóc bị mang đi làm thịt, sự việc này khiến Thiều về sau ân hận.
Mùa lũ đến, cả làng ngập chìm trong bể nước, nước rút để lại mất mùa, đói kèm triền miên, cùng lúc đó sự đố kỵ trong Thiều lại dâng lên, cậu vô tình khiến Tường bị thương nặng không thể ngồi dậy được. Sau đó Tường nói cho Thiều nghe người mà Mận thích chơi hơn chính là cậu khiến Thiều vô cùng ăn năn. Mận được mẹ đón đi tìm cha, Thiều ở lại quê chăm sóc cho em trai trong tiếc nuối.
Tường kể cho Thiều nghe có một nàng công chúa đã trở thành nguồn động viên tinh thần cho mình, đó chính là Nhi, một cô bé có vấn đề về thần kinh. Trong một lần Nhi bị bắt nạt, Tường hết sức chạy bằng đôi chân của mình để đến bảo vệ Nhi, diệu kỳ thay từ đó Nhi cũng hồi phục tâm trí.
4. Kính vạn hoa
- Thể loại: Học trò, tình bạn, phiêu lưu
- Nhân vật chính: Quý Ròm, Tiểu Long, Hạnh
- Chuyển thể thành phim năm: 2004
- Diễn viên: Ngọc Trai vai Quý Ròm, Vũ Long vai Tiểu Long, Anh Đào vai Hạnh cận
Tóm tắt nội dung truyện Kính vạn hoa:
Kính vạn hoa xoay quanh cuộc sống của ba nhân vật Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh cận, đó là những chuyến phiêu lưu đục nước từ làng quê lên thành thị, từ lên rừng rồi xuống biển. Mỗi phần truyện là một câu chuyện nhỏ với các tình huống mới mẻ vô cùng gây cấn, hồi hộp. Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh cận lại có tính cách khác biệt tạo nên những tình tiết dỡ khóc dỡ cười.
Kính vạn hoa là được xem là một quyển sách chứa đựng tất cả dấu ấn tuổi thơ của chúng ta từ những trò nghịch ngợm trẻ con, những phi vụ phá phách, đến những tình bạn trong sáng, chân thành, những khoảnh khắc xúc động rơi nước mắt...
5. Bong bóng lên trời
- Thể loại: Trẻ em đường phố, cuộc sống mưu sinh
- Nhân vật chính: Thường, Tài Khôn
- Chuyển thể thành phim năm: 1997
Tóm tắt nội dung truyện Bong bóng lên trời:
Thường mồ côi bố, bố cậu vì ngăn chặn bọn cướp mà bị bắn chết, từ đó gánh nặng gia đình dồn hết lên vai mẹ Thường – một người mẹ bị bệnh viêm phế quản. Thương mẹ, Thường nói dối là đi dạy thêm nhưng lại lặn lội khắp nơi bán kẹo kéo kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trong một lần bán kẹo kéo ở trường tiểu học, Thường gặp Tài Khôn – cô bé bán bóng bay, họ nhanh chóng kết bạn với nhau. Tài Khôn là cô bé hồn nhiên, mặc dù hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng luôn nhìn đời bằng đôi mắt trong trẻo, vô tư. Hai đứa trẻ vì cuộc sống mà buộc phải sớm bước vào đời an ủi, động viên nhau, chia sẻ với nhau ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành người có ích cho xã hội.
Và cũng chính cuộc sống mưu sinh này đã dạy cho Thường rất nhiều những bài học không có trong sách vở và nhà trường.
Xem thêm: Cố Mạn - Cây bút vàng viết nên tên tuổi nhiều sao hạng A Trung Quốc
6. Chú bé rắc rối
- Thể loại: Học trò, tình bạn
- Nhân vật chính: Nghi, An
- Chuyển thể thành phim năm: 1998
Tóm tắt nội dung truyện Chú bé rắc rối:
Nghi và An là hai cậu bé có hai tính cách hoàn toàn trái ngược, trong khi Nghi học giỏi thì An lại học kém, khi được cô giáo phân công kèm cặp cho An, Nghi đã rất không thích. An là cậu bé lắm trò, cứ đến giờ học kèm cậu lại rủ rê Nghi đi chơi, đi đá bóng, đi công viên, đi coi chiếu bóng,… dần dà hai người rất kết nhau và trở thành đôi bạn thân thiết.
Nghe đồn cái lò thịt cũ có ma, vì tò mò và nghịch ngợm mà An đã rủ Nghi khám phá, nhưng cuối cùng điều hai cậu bé phát hiện được lại là một thứ khác chứ không có ma cỏ gì ở đây cả…
7. Thằng quỷ nhỏ
- Thể loại: Học trò, bắt nạt, tình yêu tuổi mới lớn
- Nhân vật chính: Quỳnh, Nga
- Chuyển thể thành phim năm: 1997
Tóm tắt nội dung truyện Thằng quỷ nhỏ:
Quỳnh là cậu bé có vẻ ngoài khác biệt, cậu có đôi tai kỳ lạ có thể vẫy vẫy như tai voi, chiếc mũi thì lúc nào cũng đỏ, chính vì vậy mà bạn học đặt cho cậu biệt danh “thằng quỷ nhỏ” và thường xuyên trêu chọc. Quỳnh có gia cảnh nghèo khó, cha mất sớm, mẹ bán thuốc lá, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống, Quỳnh còn nhỏ nhưng đã biết đi đẩy xe ba gác kiếm thêm tiền đỡ đần cho mẹ.
Nga là cô bạn hiền lành mới chuyển đến lớp của Quỳnh, cũng là người duy nhất không trêu chọc và bênh vực Quỳnh.
Luận là cậu bạn lắm trò trong lớp và là người thích kiếm chuyện với Quỳnh nhất. Nhưng từ khi Nga đến, mỗi lần như thế Nga đều ra sức bênh vực Quỳnh và nhiều lần khiến Luận bị “quê”, cậu trò càng trở nên sôi máu.
Khải là hàng xóm của Nga, anh hơn cô bé 2 tuổi, Khải mến Nga và thường xuyên tặng quà cho Nga, nào là sách, nào là băng nhạc, vé xem ca nhạc. Nhưng trước những điều đó Nga lại chẳng hề cảm kích, ngược lại cô bé lại mến Quỳnh hơn, thích thú trước những món quà mà Quỳnh mang đến cùng bản tính tốt bụng, hiền lành của cậu bé.
Xem thêm: 'Mẹ ghẻ' Phỉ Ngã Tư Tồn và những tác phẩm ngôn tình bi kịch đẫm nước mắt được chuyển thể thành phim
8. Nữ sinh
- Thể loại: Học sinh
- Nhân vật chính: Gia, Kim Xuyến, Đăng Thục, Cúc Hương
- Chuyển thể thành phim năm: 1990
- Tên phim: Áo trắng sân trường
- Diễn viên chính: Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Ngô Mỹ Uyên, Hoàng Trinh, Thế Anh
Tóm tắt nội dung truyện Nữ sinh:
Kim Xuyến, Đăng Thục và Cúc Hương là ba cô bạn thân học cùng một lớp trong trường cấp ba. Một ngày nọ 3 người họ phát hiện quán nước đối diện cổng trường có một anh chàng tuấn tú tri thức ngồi đó rất lâu như là đang chờ đợi ai. Cả ba tinh quái kéo đến hỏi han và rồi họ kết bạn với nhau. 4 người dần trở nên thân thiết thường xuyên hẹn hò gặp gỡ, anh bạn Gia dần trở thành người giúp ba cô gái gỡ rối những vướng mắc trong cuộc sống.
Bổng một ngày thầy hiệu trưởng bước vào lớp giới thiệu thầy chủ nhiệm mới của lớp, và người đó bất ngờ lại chính là Gia…
Nữ sinh là một câu chuyện học trò thuần “học trò”, nó không có những mối tình tay ba nghiệt ngã, những câu truyện tình thầy – trò oan trái hay hoàn cảnh bất trắc mà nó chỉ có những nét trinh nguyên của tuổi mới lớn xen vào đó một chút rung động đầu đời trong trẻo như một bài thơ.
Những tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
- Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
- Hạ đỏ
- Còn chút gì để nhớ
- Ngồi khóc trên cây
- Trại hoa vàng
- Bàn có 5 chỗ ngồi
- Hoa hồng xứ khác
- Đi qua hoa Cúc
- Phòng trọ ba người
- Lá nằm trong lá
- Ngôi trường mọi khi
- Bồ câu không đưa thư
- Chuyện cổ tích dành cho người lớn
- Quán Gò đi lên
- Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ
- Tôi là Bê Tô
- Những chàng trai xấu tính
- Thiên thần nhỏ của tôi
- Đảo mộng mơ
- Bí mật của Tóc Tiên
- Trước vòng chung kết
- Buổi chiều Windows
- Chuyện xứ Lang Biang,...
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn tài năng của Việt Nam, tác phẩm của ông đều là những câu chuyện đời thường vô cùng bình dị và gần gũi. Chính vì điều này mà mỗi khi cầm trên tay một quyển sách hay xem một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh độc giả đều bồi hồi, xúc động và rưng rưng nhớ về một thời tuổi học trò dung dị, thân thương đã từng xuất hiện trong ký ức…
Nguồn ảnh: Internet