Chờ...

Nhà thiết kế người Anh biến quần jeans cũ thành gọng kính

(VOH) - Bằng sự kiên nhẫn và bền bỉ, Jack Spencer đã mất gần 10 năm để biến quần jeans cũ thành những chiếc gọng kính râm.

Trong khi một số người cắt quần jeans cũ để chế thành quần áo mới, túi xách thì Jack Spencer làm kính mắt từ chúng. Đây là điều khiến nhiều người rất ngạc nhiên vì denim (loại vải dùng để may quần jeans) là một chất liệu mềm mại - không mấy liên quan đến sự chắc chắn và cứng cáp của gọng kính. 

Tuy nhiên, những vấn đề của denim đã được nhà thiết kế người Anh khắc phục và tạo ra hàng trăm mẫu khác nhau để tìm ra được “công thức” cuối cùng tạo ra gọng kính.

Jack Spencer đã thấm vải denim với một loại nhựa hữu cơ và ép các lớp lại với nhau trước khi làm khô chúng. Kết quả đã tạo ra một chất liệu tương tự như denim, nhưng bền hơn. Sau đó anh chế tác thủ công thành gọng kính - Theo Fashionnetwork.

gọng kính
Jack Spencer biến những chiếc quần jeans cũ thành gọng kính (Ảnh: rd)

Từ sáng kiến của mình Jack Spencer đã lập công ty khởi nghiệp Mosevic Eyewear (trụ sở tại Cornwall, phía tây nam nước Anh), cung cấp kính râm và gọng kính cao cấp, bằng vải denim xanh hoặc đen - được làm hoàn toàn thủ công với số lượng nhỏ.

Loại kính râm này cung cấp các loại đặc tính giống như những loại gọng "truyền thống" về độ vừa vặn, sự thoải mái và có khả năng chống nước, đồ trang điểm hay kem chống nắng. 

tái chế jeans
Sáng kiến ​​này là một cách tiếp cận khác giúp giảm thiểu rác thải và ô nhiễm, đồng thời nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững - một trong những chìa khóa giúp thời trang trở nên thân thiện với môi trường hơn. (Ảnh: rd)

Theo EPA, trong số khoảng 17 triệu tấn hàng dệt may được sản xuất hàng năm, chỉ có 13% được tái chế và 11 triệu tấn quần áo và giày dép khổng lồ bị đổ ra các bãi chôn lấp.

Mặc dù rất khó để xác định có bao nhiêu chiếc quần jeans nằm trong số rác đó, nhưng với ít nhất 4 tỷ sản phẩm may mặc denim được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm - góp phần đáng kể vào chất thải dệt may.

Nhiều thương hiệu denim đang áp dụng các sáng kiến bền vững, với các chương trình sản xuất sạch hơn và tái chế quần áo cũ để tạo cơ hội thứ hai cho rác thải denim. Trong trường hợp của Mosevic Eyewear, denim được tái chế với một bản sắc hoàn toàn mới.

Xem thêm: 

Vật liệu tái chế sẽ được dùng làm áo đấu mới cho ĐT Việt Nam

Tạo ra vật liệu xây đường từ khẩu trang tái chế

tái chế jeans
Denim được tái chế với một bản sắc hoàn toàn mới. (Ảnh: rd)

Spencer thừa nhận rằng “một chút tái chế sẽ không 'cứu được hành tinh’ nhưng nếu nhiều thứ được tạo ra với một chút kiên nhẫn và được thiết kế để tồn tại suốt đời, thì chúng ta sẽ làm được điều gì đó”.

Mục tiêu của Spencer và Mosevic là có thể góp phần giảm thiểu hàng núi rác thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay, hoặc ít nhất khiến người tiêu dùng nhận thức được tác động thảm khốc của việc tiêu thụ quá mức đã gây ra.

tái chế jeans
Jack Spencer - người biến quần jeans cũ thành gọng kính (Ảnh: rd)