Giải nghĩa những ca dao tục ngữ về lối ứng xử của các nàng Hậu trong hashtag ‘Ăn nói có duyên’

(VOH) – Gắn hashtag Ăn nói có duyên, ồ ạt các nàng Hậu Việt dùng những câu ca dao tục ngữ về lối ăn nói ứng xử trong giao tiếp hằng ngày để viết caption.

Có thể thấy lời ăn, tiếng nói là một trong những kỹ năng cơ bản nhất của con người. Trong cuộc sống, lời nói không chỉ dùng để giao tiếp mà còn còn là một hình thức thể hiện tính cách, nhân cách và sự khôn ngoan của mỗi người. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã vô cùng trân trọng và luôn dạy con cháu phải ăn nói sao cho dịu dàng, dễ nghe nhầm giữ được sự thanh cao cho bản thân, cũng như sự yêu quý, kính trọng của mọi người.

Đại diện cho sắc đẹp của phụ nữ Việt, bên cạnh vẻ ngoài những nàng Hậu còn phải vượt qua phần thi ứng xử, người có lối ứng xử hay nhất sẽ ghi điểm trước ban tổ chức, cũng như công chúng. Gần đây, đồng loạt các nàng Hậu Việt viết caption về những câu ca dao tục ngữ đề cao lối ăn nói ứng xử ở con người cùng hashtag #Annoicoduyen, điểm danh và giải nghĩa những câu ca dao tục ngữ này bạn nhé!

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (Hoa hậu Việt Nam 2016)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh
 

“Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”

“Kim vàng” dù chỉ là một cây kim bé xíu nhưng vẫn vô cùng giá trị vì được làm bằng vàng.

Chiếc kim này dù thế nào đi nữa thì chẳng ai nở mà đem uốn thành lưỡi câu để mang đi câu cá cả. Dù cho bạn là ai, bạn ở đâu, bạn sinh ra trong hoàn cảnh nào, chỉ cần bạn tạo được cho mình giá trị thì sẽ nhận được sự trọng dụng, yêu mến của mọi người. Và trong câu này, giá trị con người được tạo nên bởi lời ăn tiếng nói.

Người khôn ngoan sẽ biết dùng lời lẽ của mình một cách khéo léo, để xoa dịu, để tạo niềm tin, nâng cao giá trị bản thân và để giải tỏa hiềm khích thay vì cáu bẩn, nặng nhẹ, hạ bệ người khác.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy (Hoa hậu Việt Nam 2018)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-1
 

“Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên.”

Nguyên văn:
“Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.”

Theo quan niệm người xưa, vẻ đẹp người con gái được thể hiện qua hai yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong. Ở đó tóc đuôi gà, má lúm đồng tiền, răng nhánh hạt huyền,… là vẻ đẹp đoan trang bên ngoài. Còn ăn nói có duyên, ăn nói khôn ngoan chính là vẻ đẹp bên trong của tâm hồn. Ở đời, lời nói dịu dàng, ngọt ngào bao giờ cũng hơn, nó giúp ta tạo ấn tượng tốt, xây dựng cảm tình cũng như mang lại niềm vui trong giao tiếp.

Xem thêm: 67 câu ca dao, tục ngữ về mẹ cha

Hoa hậu Đỗ Thị Hà (Hoa hậu Việt Nam 2020)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-2
 

“Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.”

Nguyên văn:
“Vàng thì thử lửa thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.”

Để thử vàng người ta dùng lửa vì vàng là kim loại quý không dễ bị cháy đen. Còn muốn biết chuông tốt hay xấu thì hãy lắng nghe âm thanh mà nó phát ra. Còn để nhận biết một người khôn ngoan, có tính tình ra sao, trình độ, nhân cách như thế nào người ta dựa vào lời nói trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày của họ mà đánh giá.

Á hậu 1 Phạm Ngọc Phương Anh (Hoa hậu Việt Nam 2020)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-3
 

“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

“Lời nói” rất hiển nhiên ai cũng có thể nói được, thế nhưng lời nói ra sẽ dễ dàng tạo nên những ảnh hưởng to lớn. Lời nói có thể tạo nên niềm vui, nhưng cũng có thể làm tổn thương người khác. Sức mạnh của lời nói được bao bọc bởi nội dung, câu từ, cảm xúc, chính vì vậy khi nói hãy lựa những lời dịu dàng, dễ nghe để tạo nên niềm vui, kết nối yêu thương thay vì quát nạt, đâm thọc hay bêu xấu người khác. Hãy sử dụng sự “miễn phí” của lời nói để tạo nên giá trị cho bản thân, cũng như hãy dùng nó để xóa tan khoảng cách, gây dựng sự khăng khít giữa người với người.

Xem thêm: 80+ Câu ca dao, tục ngữ về tình yêu đôi

Á hậu 2 Nguyễn Lê Ngọc Thảo (Hoa hậu Việt Nam 2020)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-4
 

“Đất xấu trồng cây ngẳng nghiu,
Những người thô tục, nói điều phàm phu.”

Dị bản:
“Đất rắn trồng cây khẳng khiu,
Những người thô tục nói điều phàm phu.”

Ở câu ca dao này ta thấy mối quan hệ nhân quả sâu sắc, cây được trồng trên mảnh đất xấu, đất cằn cỗi đương nhiên sẽ không thể tươi tốt, mà chỉ có thể còi cọc, xấu xí. Cũng như vậy ở con người khi nghe lời họ nói ra có thể đánh giá được phẩm chất, nhân cách của họ. Điều phàm phu thốt ra từ người thô tục, lời dịu dàng thì từ người thanh lịch mà ra.

Á hậu 2 Nguyễn Lâm Diễm Trang (Hoa hậu Việt Nam 2014)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-5
 

“Học ăn, học nói, học gói, học mở.”

Trong câu này, “học ăn” là học cách ăn lịch sự, không giành giựt, biết nhường nhau, không giành miếng ngon cho mình chừa miếng oi cho người. “Học nói” là học phép nói năng sao cho lễ phép, lịch sự, nói được điều hay, lẽ phải. “Học gói” là học cách tiết kiệm, biết dành dụm, không tiêu hoang lãng phí. “Học mở” là học bao dung, rộng lượng, biết san sẻ, giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, “học gói, học mở” còn mang nghĩa mọi việc làm phải theo thứ tự và có sắp xếp, có gói thì mới có mở, phải biết trước biết sau.

Xem thêm: Dự đoán thời tiết thông qua 50+ câu ca dao, tục ngữ về thiên nhiên

Hoa hậu Lương Thuỳ Linh (Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-61
 

“Ăn có nhai, nói có nghĩ.”

Khi ăn chúng ta buộc phải nhai, nói cũng vậy không thể “nói bậy nói bạ”, lời nói thốt ra cần phải được suy nghĩ thận trọng. Đừng “bạ đâu nói đó” mà gây hại cho mình, làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, thanh danh người khác.

Á hậu 1 Nguyễn Hà Kiều Loan (Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-6
 

“Thổi quyên phải biết chiều hơi,
Khuyên người, phải biết lựa lời khôn ngoan.”

Dị bản:
"Thổi quyển phải biết chuyền hơi,
Khuyên người phải biết lựa lời khôn ngoan."

"Thổi sáo phải biết chuyền hơi,
Khuyên người phải biết lựa lời mà khuyên."

Quản (người Nam bộ gọi là quyển) là một một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu. Để tạo nên âm thanh hay người chơi nhạc phải biết dùng hơi của mình một cách điệu nghệ, cần có một quá trình học hỏi, luyện tập mới có thể sử dụng thành thạo. Cũng vậy, để khuyên răng người khác chúng ta phải dùng lời hay tiếng đẹp, phải xoa dịu và khéo léo phân tích đúng sai giúp họ hiểu ra sự việc và thay đổi.

Xem thêm: 28 câu ca dao, tục ngữ về lòng nhân ái

Top 5 Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên (Hoa hậu Việt Nam 2018)

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-7
 

“Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn nói một vài điều cũng khôn.”

“Chẳng lọ” nghĩa là chẳng cần, hà tất gì. Như vậy, câu này nghĩa là người khôn ngoan cần chi nói quá nhiều, nhưng khi nói ra thì mỗi câu mỗi từ đều thâm sâu, đều đẹp đẽ, đều thể hiện được tính cách, sự thông minh và nhân phẩm của mình.

“Bà trùm hoa hậu” Phạm Kim Dung

Phạm Kim Dung không phải một nàng Hậu nhưng chị giữ vai trò là một thành viên trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

nhung-cau-ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-an-noi-voh-8
 

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”

Loài chim hơn nhau ở tiếng hót, chú chim khôn ngoan giọng hót cũng líu lo, trong trẻo, sóng động hơn. Con người cũng vậy, hơn nhau là ở lời ăn tiếng nói, người khôn ngoan biết lựa lời mà nói, biết dựa vào hoàn cảnh mà đưa ra lối cư xử phù hợp sao cho luôn làm đẹp lòng nhau, luôn giữ được sự thanh cao cho mình.  

Trong giao tiếp ứng xử thay vì dùng lời lẽ cọc cằn, chói tai, hành xử thô lỗ, thì hãy dùng lời hay ý đẹp để xoa dịu người khác cũng như thể hiện được sự khôn ngoan của mình. Ăn nói sao cho khéo léo, thông minh quả là một bài học quan trọng từ ngàn xưa mà ông cha ta luôn miệng nhắc nhở qua những câu ca dao, tục ngữ giàu giá trị.