Samurai là gì? Tinh thần samurai - nét đẹp văn hóa Nhật Bản

(VOH) - Samurai là nét đẹp văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản khiến cả thế giới nể phục, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về tinh thần võ sĩ đạo này nhé!

Nhắc đến Nhật Bản người ta nghĩ ngay đến những cánh hoa anh đào rực rỡ nhưng “sớm nở tối tàn”, và dũng sĩ samurai cũng vậy cuộc đời họ có thể ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ thanh thuần. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với samurai nhẹ tựa lông hồng, điều đặt nặng trong tâm trí của họ chính là vinh dự, lòng tự trọng.

Samurai là gì?

Vào thời kỳ Edo (1603 – 1867) Samurai được hình thành từ tầng lớp quý tộc quân sự - một tầng lớp xã hội cao cấp nhất lúc bấy giờ. Hầu hết các samurai (thuộc thời kỳ Edo) đều tuân thủ theo tinh thần võ sĩ đạo và là những con người rất trọng danh dự. Theo tinh thần võ sĩ đạo cái chết đối với samurai rất nhẹ nhàng và luôn được sẵn sàng, điều samurai quan tâm đó là cái chết này là vinh hay là nhục. 

tinh-than-samurai-voh-1
Hầu hết các samurai đều tuân thủ theo tinh thần võ sĩ đạo và là những con người rất trọng danh dự

Seppuku - Hình thức tự sát tự mổ bụng

Seppuku là một hình thức tự sát nổi tiếng của các samurai. Khi bị mất danh dự, các samurai có hai lựa chọn đó là tìm cách phục hồi hoặc tự sát theo hình thức tự mổ bụng seppuku để lấy lại lòng tự tôn, đúng theo nguyên tắc "thà chết vinh còn hơn sống nhục".

Ngày nay, seppuku vẫn còn ảnh hưởng trong tư tưởng của người Nhật, đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người Nhật thường tự sát khi gặp bế tắc và áp lực trong cuộc sống.  

Xem thêm: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và những triết lý trong kinh doanh, lý tưởng sống đáng ngưỡng mộ!

Các loại vũ khí thường được samurai sử dụng

Vũ khí đặc trưng của samurai là những thanh kiếm có lưỡi cong và được chia thành nhiều loại:

  • Trường kiếm katana: Đây là vũ khí nổi bật nhất của các samurai. Chuôi kiếm được thiết kế dài đủ để cầm cả hai tay khi chiến đấu.
  • Trường kiếm odachi: Thanh kiếm này được các samurai sử dụng khi cưỡi ngựa chiến đấu nơi chiến trường.
  • Đoản kiếm wakizashi: Đây là lưỡi kiếm danh dự, samurai không để thanh kiếm này ở phía sau lưng và khi ngủ sẽ đặt dưới gối, đến nhà người khác thì để bên ngoài.
  • Đoản kiếm tanto: Thanh kiếm này được dùng để đâm, trong lịch sử Nhật Bản tanto chủ yếu được dùng để thực hiện nghi lễ tự mổ bụng seppuku.
  • Đoản kiếm aikuchi: Aikuchi còn được gọi là dao găm, đây không phải là vũ khí chiến đấu mà là một công cụ được các nữ samurai đem theo bên người để tự sát khi gặp phải những đe dọa về danh tiết và danh dự.
  • Cung yumi: Ngoài kiếm ra thì cung cũng là một vũ khí được các samurai sử dụng và gọi là yumi.

Những thanh kiếm cổ thuở sơ khai của các samurai được tìm thấy là những thanh kiếm có hình dáng thẳng giống với các loại kiếm của Trung và Hàn bây giờ, nhưng theo thời gian những thanh kiếm này đã được thiết kế lại thành một lưỡi cong sắc bén như hiện tại.

tinh-than-samurai-voh
Người dân bình thường không được phép mang các loại vũ khí này và có thể bị chém nếu có ý định chống đối võ sĩ đạo

Xem thêm: Jack Ma - Nguồn động lực khởi nghiệp to lớn cho những bạn trẻ

7 Quy tắc đạo đức của võ sĩ samurai

Những đứa bé muốn trở thành samurai ngay từ nhỏ phải tập luyện võ thuật, kiếm thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, thực hành trà đạo, am hiểu về thi ca, hội họa,… để tinh thần võ sĩ đạo ăn sâu vào máu. Khi những đứa bé trưởng thành và trở thành một người hội tụ đủ 3 yếu tố “trung thành – can đảm – danh dự” mới chính thức trở thành một samurai hay còn gọi là võ sĩ đạo, và từ “đạo” trong "võ sĩ đạo" chính là ám chỉ các yếu tố mà một samurai cần phải có.

“Trung thành – can đảm – danh dự” cấu thành tinh thần võ sĩ đạo, đồng thời một tinh thần võ sĩ đạo gồm có 7 quy tắc đạo đức, đó là:

  • Công lý (義 - Gi): Đối với samurai, lòng tự trọng là thứ quý giá hơn cả mạng sống, chính vì vậy họ luôn giữ vững tinh thần, tự chủ bản thân tránh khỏi những cám dỗ và những sa ngã. Cũng chính công lý đã giúp samurai chống lại mọi thế lực xấu xa, họ luôn giữ vững niềm tin người trung thực không bao giờ sợ sự thật.
  • Nhân từ (仁 - Jin): Một samurai chân chính luôn là người có tấm lòng bao dung độ lượng lớn lao, ngay cả đối với kẻ thù của mình vẫn có thể chọn tha thứ.  
  • Can đảm (勇 - Yu): Một samurai luôn đi theo hướng là một anh hùng, không được sợ hãi, giữa việc trốn tránh hiểm nguy một cách hèn kém, samurai chọn cái chết. Cái chết của samurai không được đặt nặng nhưng điều đó phải luôn xứng đáng, họ luôn sáng suốt và thận trọng trước sự lựa chọn của mình để không hy sinh mù quáng. Một samurai chết vì nguyên nhân không rõ ràng được xem là cái chết của một con vật.
  • Tôn trọng (礼 - Ray): Trước những kẻ thù độc ác nhất, samurai cũng phải dùng thái độ lịch sự để cư xử, nếu không họ sẽ nghĩ rằng mình không hơn một con thú. Và trong tinh thần võ sĩ đạo, hình thức lịch sự cao nhất chính là sự tôn trọng.
  • Sự chân thành (誠 - Makoto): Samurai luôn là những con người chân thành nhất, những lời họ nói ra có giá trị như một lời hứa hẹn và họ nói được sẽ làm được.
  • Danh dự (名誉 - Meyё): Người được quyền phán xét danh dự của các samurai không ai khác ngoài chính họ. Một khi danh dự bị bôi nhọ, samurai sẽ chọn hình thức tự sát seppuku để bảo toàn đến cùng. 
  • Tận tâm (忠義 - Chu gi): Đối với một samurai khi đã xác định ai là chủ nhân của mình thì sẽ trung thành với người đó cho đến chết. Nếu có sự đấu tranh giữa lòng trung thành và tình cảm, các samurai luôn chọn lòng trung thành với lãnh tụ của mình.

Tinh thần võ sĩ đạo samurai ảnh hưởng to lớn đến văn hóa người Nhật, nó tạo nên một Nhật Bản với những con người có nguyên tắc và đầy ý thức khiến cả thế giới nể phục. Tinh thần này càng rõ nét khi Nhật Bản gặp phải thiên tai. Trong một thảm họa kép vừa động đất vừa sóng thần người Nhật từ người già đến trẻ em đều nhường nhịn nhau, xếp hàng nghiêm chỉnh để nhận hàng cứu trợ, nhờ đó việc cứu trợ diễn ra dễ dàng và nhanh chóng. 

Nguồn ảnh: Internet