Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ về tính keo kiệt, bủn xỉn

VOH - Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về tính keo kiệt, bủn xỉn dùng để châm biếm, mỉa mai kẻ sống dè sẻn, ki bo một cách quá đáng.

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ là kho tàng “triết học dân gian”, được ông cha ta đúc kết từ thực tiễn và được chính thực tiễn kiểm nghiệm về tính chân lý. Trong đó, những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ châm biếm, phê phán một cách hài hước thói hư, tật xấu của người đời, nổi bật như thói keo kiệt, bủn xỉn được ông cha ta khắc họa khéo léo thông qua những hình ảnh ẩn dụ, nói ngược. Qua đó giúp chúng ta dễ dàng nhìn nhận và thấu hiểu các vấn đề xã hội. 

Hãy cùng VOH khám phá những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về keo kiệt, bủn xỉn thông qua bài viết sau!

Ca dao về tính keo kiệt, bủn xỉn

Keo kiệt, bủn xỉn, ki bo là những cụm từ ám chỉ người hà tiện quá đáng, chỉ biết bo bo giữ của, đến mức không dám chi tiêu cả những khoản hết sức nhỏ nhặt. Thói xấu này đã được ông cha ta phê phán, châm biếm qua các câu ca dao sau.

  1. Em về chẻ lạt bó tro
    Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
  2. Mồm nhà, điếu mượn, thuốc đi xin
    Diêm đánh thó, nỏ hề mất chi cả.
  3. Của mình thì giữ bo bo
    Của người thì muốn ngả mo mà đùm.
  4. Hà tiện mà ăn cháo hoa
    Đồng đường, đồng đậu cũng ra ba đồng. 
  5. Lấy anh mà cậy mà nhờ
    Ăn hơn miếng cháy anh làm tờ để ra.
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tính keo kiệt bủn xỉn 1
  1. Nói thì như mây như gió
    Cho thì lựa những vỏ cùng xơ.
  2. Giàu chi anh gạo đổ vô ve
    Chuột ăn không được mà khoe rằng giàu.
  3. Muốn ăn gắp bỏ cho người,
    Gắp đi gắp lại, lại rơi vào mình.
  4. Em về gọt đá nấu canh,
    Thì anh về bắc chảo rán sành được ngay.
  5. Niêu cơm cô bằng quả cà
    Cô đun vào lửa, nó hà lên hơi
    Cơm cô chưa sủi đã sôi
    Đến lúc nó sủi, cô ngồi cô lo
    Nhà cô chín đụn mười kho
    Mỗi bữa lưng bát chẳng cho ăn nhiều.

Xem thêm:
56 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ châm biếm mỉa mai cuộc sống, phụ nữ lẫn đàn ông
40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng tham, sự tham lam
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày

Thành ngữ, tục ngữ về tính keo kiệt, bủn xỉn

Sau đây là một số câu thành ngữ, tục ngữ phê phán tính keo kiệt, bủn xỉn được trích từ cuốn Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam do Vũ Dung (chủ biên), Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào biên soạn của NXB Văn hóa - Thông tin. 

  1. Ăn mắm mút dòi/Ăn mắm mút tay
    ⇒ Keo kiệt, bần tiện.
  2. Vắt cổ chày ra nước
    ⇒ Sự kiệt sỉ được diễn tả qua hành động "vắt cổ chày" - tức là khối gỗ dùng để giã, vốn không thể ra nước được. Hành động cố vắt nước ở cổ chày cho thấy sự keo kiệt, bủn xỉn đến cùng cực.
  3. Bo bo như ông bạ giữ ấn/Bo bo như thần giữ của
    (Bạ: trường bạ, người giữ sổ sách về ruộng đất của chính quyền phong kiến xưa kia ở nông thôn; Ấn: con dấu.) 
    ⇒ Giữ chặt lấy, nhất thiết không chịu rời ra; keo kiệt, khắt khe.
  4. Buộc cổ mèo, treo cổ chó
    ⇒ Ý chí chỉ người keo kiệt, bủn xỉn.
  5. Có độc mới có, có phũ như chó mới giàu/Để thì mới có, phũ như chó mới giàu/Hà tiện mới có, phũ như chó mới giàu
    (Độc: độc ác; Phũ: tàn nhẫn) 
    ⇒ Một nhận xét về bản chất của kẻ bóc lột: làm giàu bằng những thủ đoạn độc ác, keo kiệt và tàn nhẫn.
  6. Của người bồ tát, của mình lạt buộc/Của người bồ tát, của nhà lạt buộc
    (Bồ tát: người tu hành theo đạo Phật đã đắc đạo, có đức độ cao, hay cứu giúp chúng sinh) 
    Ích kỷ, của người thì chi dùng rộng rãi, hào phóng, của mình thì chặt chẽ, keo kiệt, không dám rời ra.
  7. Đóng cửa đi ăn mày/Có của đóng cửa đi ăn mày
    ⇒ Bủn xỉn, keo kiệt, cất giấu của mình đi xin của người khác.
  8. Hà tiện cùng bụt, thế phát cùng ma. 
    (Hà tiện: keo kiệt, bủn xỉn; Thế phát: đem tiền của đi phân phát rộng rãi để làm phúc) 
    ⇒ Việc đáng làm với người tốt thì keo kiệt, bủn xỉn, đối với kẻ xấu lại tung tiền của ra cứu giúp.
  9. Mọt đục cứt sắt
    ⇒ Kẻ keo kiệt, hà tiện quá đáng.
  10. Người làm ra của, của không làm ra người/Người sống của còn, người chết của hết/Người sống đống vàng
    ⇒ Người giàu có không nên bo bo giữ của, keo kiệt, không dám mua sắm ăn uống ảnh hưởng tới sức khoẻ; Không nên làm quá sức khiến đau ốm chết không tiền của nào chuộc lại được.
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tính keo kiệt bủn xỉn 2
  1. Rán sành ra mỡ
    (Sành: đồ gốm rất rắn, chiết từ đất sét thô, nung ở nhiệt độ cao) 
    ⇒ Việc làm ngược đời, phi lý, không thể thực hiện được; (Người) keo kiệt, bủn xỉn, nghiệt ngã, bần tiện một cách quá đáng.
  2. Rượu cheo, cháo thí, nghe hát nhờ/Rượu làng thì uống, rượu mua thì đừng
    (Rượu cheo: rượu của người con gái nộp cho làng mình khi đi lấy chồng nơi khác; Cháo thí: cháo cho làm phúc, không lấy tiền.) 
    ⇒ Keo kiệt, bủn xỉn, chỉ dùng, hưởng những thứ không phải bỏ tiền ra; Người nghèo khổ bần cùng.
  3. Suy đồng tính lạng
    ⇒ Tính toán chi li, bủn xỉn.
  4. Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành
    ⇒ (Người) bần tiện, tính toán chi li bủn xỉn.
  5. Ăn cháo để gạo cho vay
    ⇒ Quá hà tiện, chắt bóp để làm giàu.
  6. Chín đụn chẳng coi, một đoi ăn dè
    (Đụn: đống thóc cao; Đoi: đọi, cái bát) 
    ⇒ (Người) vụng tính, lẩm cẩm, hà tiện, chi li từng cái nhỏ nhưng lại không trông nom để phung phí những thứ lớn; Tủn mủn, không biết nhìn xa trông rộng.
  7. Hà tiện ăn cháo hoa/Hà tiện húp cháo hoa
    (Cháo hoa: cháo nấu chỉ bằng gạo trắng, thường ăn kèm với đường hoặc đậu rán.) 
    ⇒ Hà tiện không phải lối do tính quẩn, chọn cách làm tưởng là đỡ tốn nhưng chi phí phụ vào lại hết nhiều hơn.
  8. Một đời ta, muôn vàn đời nó
    ⇒ Có của thì dùng, có cũ có hư thì sắm cái khác tội gì hà tiện giữ của hoặc lấy thân che của.
  9. Cầm vàng chịu đói
    ⇒ Kẻ không tháo vát hoặc quá keo kiệt; Ở vào hoàn cảnh éo le.
  10. Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy
    ⇒ Vừa có ý mỉa mai cũng vừa mang ý nhắc nhở. Người xởi lởi, phóng khoáng, không so đo thiệt hơn tự khắc được lợi tới tận nhà, trời ban cho nhiều may mắn. Còn kẻ lúc nào cũng tính toán, so đo, làm gì cũng khư khư quan tâm lợi ích mà bất chấp tất cả thì trời thường xui khiến cho mọi chuyện khó thành.

Thông qua các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về keo kiệt, bủn xỉn, ông cha ta đã thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của mình về thói hư tật xấu này. Đồng thời đúc kết nên những chân lý có giá trị để truyền dạy cho các thế hệ mai sau. 

Đừng quên cập nhật những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Sưu tầm - Ảnh: Internet

Bình luận