Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ý nghĩa thành ngữ “Ăn không ngồi rồi” là gì?

VOH - “Ăn không ngồi rồi” là câu thành ngữ thường dùng để chỉ những người lười biếng, chẳng muốn làm gì.

Nhắc đến thành ngữ tục ngữ về sự lười biếng thì “ăn không ngồi rồi” chính là một trong những câu nói được sử dụng nhiều nhất trong đời sống. Vậy câu nói ấy có nghĩa là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

“Ăn không ngồi rồi” nghĩa là gì?

“Ăn không ngồi rồi” là một câu thành ngữ nói về những người lười biếng, không có việc gì làm hoặc quá nhàn rỗi. Trong câu thành ngữ, ý nghĩa của từ “ăn” và “ngồi” thì hẳn ai cũng biết. Vậy còn “không” và “rồi” thì mang ý nghĩa gì?

voh-an-khong-ngoi-roi-1
Thành ngữ "ăn không ngồi rồi" có nghĩa là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, từ “không” ở dạng tính từ thường dùng để chỉ trạng thái hoàn toàn không có những gì thường thấy (cái hộp không, vườn không nhà trống…) hoặc ở trạng thái hoàn toàn rỗi rãi, không có việc gì làm hoặc không chịu làm việc gì (chỉ độc ngồi không, chơi không cả ngày…)

Còn về từ “rồi”, Việt Nam tự điển định nghĩa: “Rồi/rảnh rỗi” cũng là “rồi” trong “vô công rồi nghề”. Đây là một từ cũ, có thể hiểu theo nghĩa là “xong” (Thôi thì một thác cho rồi/Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông - trích Truyện Kiều)

Như vậy, thành ngữ “ăn không ngồi rồi” chính là lời phê phán, mỉa mai người không làm hoặc không muốn làm gì. Sau này, câu thành ngữ thường dùng cho những người lười biếng, có quen thói ỷ lại.

Ví dụ về cách sử dụng “ăn không ngồi rồi” trong văn học

Là câu thành ngữ có từ ngàn xưa, câu nói “ăn không ngồi rồi” không chỉ được dùng trong đời sống mà nó còn được đưa vào thơ ca, văn học.

Hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng đã sử dụng câu thành ngữ này có thể kể đến như tác phẩm Anh Hùng Ca của Hômerơ của nhà văn Nguyễn Văn Khỏa (Những truyền thuyết cổ đại không hề nói đến thần thánh ăn không ngồi rồi), tác phẩm Quê ta của nhà văn Trọng Hứa (Con ạ, năm ngoái u cứ nghĩ ở nhà rồi cũng chỉ ăn không ngồi rồi, mất ngày mất buổi.), hay trong truyện Mẫn và tôi của nhà văn Phan Tứ (Ăn không ngồi rồi quả là một cực hình. Tôi viết thư cả mớ, gửi má và em Hiền, gửi ba với anh Hai ngoài Bắc)….

Trên Báo Văn Nghệ, số 10/1952 cũng đã có viết rằng: “Ở vào một thời đại còn tăm tối có rất nhiều kẻ trí thức cho sự ăn không ngồi rồi là cao quý, ông đã dám để cao giá trị lao động”. Hay trong Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 10, xuất bản năm 1977 có đoạn: “Vậy là cái vết thương không đáng mùi mẽ gì đã buộc anh ăn không ngồi rồi trong bệnh viện đúng hai tháng trời”.

Có hay không những kẻ “ăn không ngồi rồi” trong thời đại mới?

Lường biếng hay nói cách khác là những kẻ “ăn không ngồi rồi” luôn có ở mọi thời đại. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển chúng ta lại được nghe nhiều hơn những câu chuyện về kẻ “ăn không ngồi rồi”, đặc biệt là trong môi trường công sở.

Nếu bạn đã đi làm, hẳn bạn sẽ không ít lần nhìn thấy có nhiều nhân sự luôn tỏ ra bận rộn, thế nhưng sự “luôn tay luôn chân” của họ lại dùng gõ bàn phím tán gẫu, hóng chuyện bốn phương trên mạng xã hội, đặt hàng mua sắm…

Trong một tập thể sẽ luôn có những cá nhân sở hữu cá tính mạnh mẽ, vì vậy môi trường làm việc nếu có sự bất công sẽ rất dễ xảy ra các tình huống xung đột mà phần lớn các cuộc tranh luận, cãi vã đều xuất phát từ quyền lợi cá nhân như thái độ làm việc không hợp tác, khối lượng công việc không đồng đều…

voh-an-khong-ngoi-roi-2
Người "ăn không ngồi rồi" ở thời đại mới lại càng trở nên nhiều hơn

Thật ra, không khó nhận biết những kẻ “ăn không ngồi rồi” bởi họ thường rất hay than vãn về sự nhàm chán, khó khăn trong việc hoàn thành công việc nhằm mục đích khiến đồng nghiệp không ý kiến. Nhìn bên ngoài thì có vẻ họ đang chăm chỉ làm việc nhưng thực tế họ không thực sự quan tâm đến các nhiệm vụ được giao.

Họ cũng là những người thường xuyên chiếm dụng thời gian làm việc để truy cập Internet, trò chuyện, nhắn tin hoặc làm việc riêng.

Đặc biệt hơn khi trong bối cảnh hiện nay, mô hình làm việc từ xa (remote), làm việc kết hợp (hybrid working)… đang trở nên thịnh hành thì kiểu “ăn không ngồi rồi” lại càng xuất hiện nhiều hơn.

Không bị kìm kẹp thời gian, không có KPI bắt buộc hoàn thành và đặc biệt là không có sự giám sát… khiến cho những kẻ “ăn không ngồi rồi” dễ luồn lách, an nhàn nhưng vẫn nhận được thù lao cao hàng tháng.

banner-bottom-thuongthuc

Những thành ngữ nào đồng nghĩa với “ăn không ngồi rồi”?

Dù các hành vi lười biếng luôn bị xã hội lên án gắt gao thế nhưng, ở ngoài kia còn nhiều lắm những kẻ “ăn không ngồi rồi”. Do đó, ngoài câu thành ngữ trên, ông cha ta còn sáng tạo ra nhiều câu thành ngữ châm biếm khác mang ý nghĩa tương đồng như:

  • Ăn mày đòi xôi gấc
  • Vô công rồi nghề
  • Tay làm hàm nhai
  • Không làm mà đòi có ăn
  • Người ăn thì có, người mó thì không
  • Ăn nể ngồi không, non đồng cũng lở
voh-an-khong-ngoi-roi-4
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với thành ngữ "ăn không ngồi rồi" 
  • Mặt mày sáng sủa như sao
    Ngồi không ăn bám biết bao cho vừa.
  • Của thời cha mẹ để cho
    Làm không, ăn có của kho cũng rồi.
  • Ăn thì muốn những miếng ngon
    Làm thì một việc cỏn con chẳng làm.
  • Khi ăn thì sấn cồ vào
    Khi làm cả thảy xé rào chạy khan.

Ngoài ra, trong tiếng Anh thành ngữ “ăn không ngồi rồi” được dịch thành “Drone”. Ví dụ: I don’t want to imply that he is fair game, but look at it, he’s drone. I mean he doesn’t contribute anything to this company! (Tạm dịch: Mình không muốn coi nó là đối tượng công kích đâu, nhưng nhìn mà xem, nó đúng là ăn không ngồi rồi. Nó không đóng góp một tý gì cho công ty này cả!)

“Ăn không ngồi rồi” là một trong những câu thành ngữ quen thuộc mà dân gian hay dùng để chỉ những người lười biếng, chẳng muốn làm việc gì… Mong rằng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích khi tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ “ăn không ngồi rồi”.

Đừng quên theo dõi voh.com.vn - mục Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận