Biến thể Delta đe dọa toàn cầu

(VOH) - Biến thể Delta của SARS-CoV-2 đã trở thành biến chủng mới nguy hiểm đe dọa nhiều quốc gia trên thế  giới.

Trong một diễn biến mới nhất, các chuyên gia y tế nhận định, biến thể Delta có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới trên toàn cầu, đặc biệt là suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Theo dữ liệu mới cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hầu hết các ca mắc Covid-19 ở Mỹ hiện nay đều xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta. Tỷ lệ bệnh nhân dương tính với biến chủng này đã tăng từ 30,4% lên 51,7% trong hai tuần cuối cùng của tháng 6.

Trong khi đó, số ca dương tính với biến chủng Alpha từng được phát hiện đầu tiên ở Anh, đã giảm xuống 28,7%.Theo giới chức y tế Mỹ, biến chủng Delta, vốn dễ lây lan hơn các biến chủng khác, đã có mặt ở toàn bộ các bang trên khắp nước Mỹ.

Số liệu được Cơ quan y tế quốc gia Pháp công bố trong ngày 7/7 cho thấy, biến thể virus Delta hiện đã chiếm khoảng 40% tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp và tốc độ lây lan của dịch đã gia tăng đáng kể trong hơn 1 tuần qua. Số ca nhiễm mỗi ngày hiện nay ở Pháp là trên 4 ngàn ca, tăng trung bình 20% mỗi ngày và đặc biệt, số ca nhiễm trong giới trẻ ở độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi đã tăng gấp đôi sau 1 tuần.

Biến thể Delta đang hoành hành tại nhiều quốc gia - Ảnh: REUTERS
Biến thể Delta đang hoành hành tại nhiều quốc gia - Ảnh: REUTERS

Trước các diễn biến này, trong ngày 7/7, Pháp đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về khả năng tái áp dụng một số biện pháp hạn chế, vốn vừa được gỡ bỏ từ ngày 30/06. Người phát ngôn của chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal cảnh báo, dù tình hình chưa nghiêm trọng nhưng nguy cơ về làn sóng dịch mới đang hiện hữu.

Nhằm đối phó với nguy cơ mới, chính phủ Pháp hiện đang nỗ lực tuyên truyền nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trong bối cảnh nhiều gia đình Pháp đã lên đường đi nghỉ Hè, Pháp đã triển khai nhiều đội tiêm chủng di động tại các địa điểm du lịch nhằm phục vụ các du khách chưa tiêm.

Ngoài ra, chính phủ Pháp dự kiến sẽ đưa ra một dự thảo luật quy định việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bắt buộc đối với các lao động làm việc trong một số ngành nghề, đặc biệt là những nhân viên y tế hoặc người làm trong các nhà dưỡng lão. Hiện tại mới chỉ có 37% dân số Pháp tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

Biến thể Delta cũng đe dọa nhiều nước khác tại châu Âu. Tại Tây Ban Nha, chính quyền vùng Catalonia đã phải quyết định đóng cửa các vũ trường, hộp đêm, đồng thời áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, khi số ca nhiễm do biến thể virus Delta bùng phát và tỷ lệ nhiễm đã lên tới trên 800 ca/100 ngàn dân.

Tại Anh, nước này ghi nhận tới trên 32 ngàn ca nhiễm mới, trong đó trên 90% là do biến thể Delta. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, Anh ghi nhận trên 30 ngàn ca nhiễm Covid-19 trong một ngày. Bộ trưởng Kinh doanh Anh, Kwasi Kwarteng thừa nhận, việc cho phép hàng chục ngàn cổ động viên bóng đá vào sân cổ vũ các trận đấu tại EURO 2020 đang góp phần khiến số ca nhiễm bùng phát tại Anh. Thực tế này khiến ngày càng nhiều chuyên gia y tế tại Anh chỉ trích quyết định của chính phủ Anh về việc sẽ gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào ngày 19/7.

Trong khi đó, ông Yevgeny Timakov- chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vắc-xin của Nga cho biết, biến thể Delta, phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, đã học cách “ngụy trang” thành các bệnh nhiễm trùng theo mùa thông thường.Theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng như chảy nước mũi, vốn không phải là triệu chứng điển hình của chủng virus ban đầu. Ngoài ra nó cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, giống như triệu chứng ngộ độc thông thường vào mùa hè khi ăn một số loại quả hay nhiễm virus rota. 

Các triệu chứng cũng giống với cảm lạnh thông thường do sử dụng máy điều hòa như chảy nước mũi và ho. Điều này khiến người bệnh lầm tưởng mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường khác. Tuy nhiên chuyên gia Nga lưu ý rằng biến thể Delta sẽ khiến tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi nhanh, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng 3 đến 4 ngày. Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực. Không chỉ có khả năng lây lan nhanh, biến thể này còn nhiều nhiều người trẻ tuổi gặp biến chứng nặng khi mắc COVID-19.

Tại các nước Đông Nam Á, hàng loạt các dự báo tăng trưởng đều giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, biến thể mới  của virus SARS CoV-2 lây lan nhanh là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khu vực này trong thời gian tới. So với năm 2020, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ có một sự thay đổi tích cực trong tăng trưởng kinh tế, nhưng biến thể mới đang làm chệch quỹ đạo này. Kinh tế của Thái Lan trong năm 2021 được dự đoán ở mức 1,9%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó. Nhằm vực dậy nền kinh tế trọng điểm, Thái Lan vừa thực hiện chương trình “Hộp cát Phuket”, mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc COVID-19.

Tăng trưởng kinh tế Malaysia cũng bị điều chỉnh giảm 1,2 điểm phần trăm, xuống mức 4,1%, tụt thấp nhất trong số 5 quốc gia Đông Nam Á. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin vừa công bố gói viện trợ COVID trị giá 36 tỷ đô la Mỹ để giúp hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Philippines trong năm 2021 là 4,3%; Giảm 0,9 điểm, trong khi tăng trưởng của Singapore lạc quan nhất, ở mức 6,9%; Tăng 0,8 điểm phần trăm do nhu cầu hàng hóa phục hồi và gia tăng xuất khẩu. Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự lây lan của COVID và biến thể mới vẫn là yếu tố rủi ro cao nhất đối với nền kinh tế các nước Đông Nam Á. Tiêm chủng hiện là biện pháp duy nhất để thúc đẩy nền kinh tế các quốc gia tăng trưởng ổn định.

 Tuy nhiên, điều đáng mừng là các dữ liệu ban đầu cho thấy các loại vaccine đang được sử dụng tại Mỹ bao gồm Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson có thể giúp tránh lây nhiễm các biến chủng hiện nay bao gồm Delta. Giới phân tích hy vọng, tốc độ tiêm chủng tăng nhanh sẽ giảm thiểu tối đa các nguy cơ mà biến chủng Delta đem lại.