Hôm 2/10, Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch "ra đi" mới trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này. Tuy nhiên, đề xuất mới của Thủ tướng Anh có thể giải quyết được một núi bất đồng và bế tắc hiện nay?
Ảnh minh hoạ.
Trong kế hoạch gửi tới Liên minh châu Âu nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và Bắc Ireland, Anh đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và Liên minh châu Âu để tránh việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa hai bên thời hậu Brexit. Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của Liên minh châu Âu.
Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp "đáng tin cậy". Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của Cộng hòa Ireland với vùng Bắc Ireland.
Anh khẳng định các đề xuất này sẽ đảm bảo tính thống nhất của thị trường chung châu Âu và vẫn bảo toàn được Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành vốn mang lại sự bình yên cho đảo Ireland sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Về tổng thể thì có 2 điểm cần lưu ý trong đề xuất này: một, là ông Boris Johnson kiên quyết đưa Vương quốc Anh khỏi ràng buộc của liên minh thuế quan châu Âu qua đó có thể nhanh chóng tiến hành đàm phán các Hiệp định tự do thương mại mới với các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hai, đó là đã có một sự nhượng bộ đáng chú ý trong vấn đề Bắc Ireland, ở đây là việc tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh về mặt quy định hàng hoá trong một khoảng thời gian, điều mà trước đây đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) luôn phản đối và các chính phủ Anh cũng tương đối lo ngại.
Dù ghi nhận các điểm tích cực của Anh, nhưng vướng mắc mà EU lo ngại là ở việc vận hành và quản lý tất cả các quy trình này ra sao. Ngoài ra, mấu chốt ở đây là thái độ của Cộng hòa Ireland, nước có quyền lợi và ảnh hưởng trực tiếp với vấn đề điều khoản “chốt chặn” (backstop). Phía Cộng hòa Ireland cho biết họ chưa tđồng tình hết với đề xuất từ phía Anh và sẽ phải bàn bạc kỹ với các nước Liên minh châu Âu khác. Tác động của Brexit, đặc biệt là điều khoản backstop đến Cộng hòa Ireland không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, liên quan đến môi trường hoà bình của nước này nên nếu Cộng hòa Ireland còn thấy vướng mắc thì đề xuất này sẽ thất bại, do Liên minh châu Âu hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.
Bất chấp các phản đối mạnh mẽ từ Nghị viện Anh, từ các đảng đối lập và cả từ một bộ phận dân chúng, ông Boris Johnson vẫn đang tiếp tục thực thi chiến lược Brexit của mình. Điều này cho thấy sự quyết liệt của ông Johnson được không ít cử tri Anh ủng hộ. Trong bối cảnh phe đối lập tại Anh hiện không có đủ sức mạnh cần thiết, cũng như không có các gương mặt lãnh đạo nổi trội để có thể thách thức ông Boris Johnson, thì việc Thủ tướng Anhquyết bảo vệ đến cùng chiến lược Brexit của mình ít nhiều khiến dân chúng Anh tin tưởng.
Trong khi đó, cuộc chiến giữa Thủ tướng và Quốc hội Anh tiếp tục kéo dài. Ông Johnson đã nhiều lần khẳng định Anh sẽ chắc chắn rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10, nhưng Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật yêu cầu Thủ tướng hoãn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận hợp lý tại Thượng đỉnh với Liên minh châu Âu ngày 17/10. Đáng ngại hơn, sau những lùm xùm chính trị, Quốc hội Anh đã bị phân rẽ sâu sắc. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, ông Johnson sẽ khó có thể giành đủ phiếu để thông qua bất kỳ thỏa thuận nào.
Dù đưa ra đề xuất mới được cho là khả thi hơn, nhưng tình hình hiện tại không hề thuận lợi và ông Boris Johnson nhận thức rõ điều đó. Trước mắt, tương lai chính trị của ông Johnson phụ thuộc nhiều vào việc Liên minh châu Âu có chấp nhận các đề xuất mới hay không. Khả năng vào phút chót hai bên đạt được thoả thuận có lẽ đang cao hơn là kịch bản Brexit không thoả thuận. Khi đó thì cũng rất khó cho Nghị viện Anh tiếp tục bác bỏ chiến lược của ông Johnson bởi suy cho cùng, ông Boris Johnson đang nắm trong tay lí lẽ quan trọng nhất: đó là phải thực thi ý nguyện của người dân Anh năm 2016 về việc rời Liên minh châu Âu. Hơn 3 năm qua, Nghị viện Anh cũng như các đảng đối lập trên thực tế cũng đã bất lực trong việc tìm giải pháp khác và sự bất lực này khiến quyền lực của các nhóm này suy yếu. Trong trường hợp cuối cùng là phải tiến đến tuyển cử sớm thì đảng Bảo thủ và ông Boris Johnson vẫn có nhiều cơ hội chiến thắng nhất hiện nay. Vì thế, điều duy nhất ngăn được ông Johnson là việc nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit và quyết định ở lại trong Liên minh châu Âu. Nhưng khả năng này là cực kỳ thấp./.