Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ đứng ra tổ chức cho các trường xét tuyển tập trung. Một cách dễ hiểu, Bộ sẽ xây dựng phần mềm xét tuyển chung trên một hệ cơ sở dữ liệu đăng ký duy nhất đối với tất cả thí sinh. Kết quả của thí sinh sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển chung.
Các thì sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 Ảnh: Lan Hương
Về ưu điểm, nếu thực hiện xét tuyển chung mà chuẩn bị từ đầu thì cách làm có thể rất tốt và là cơ sở giải quyết căn bản vấn đề thí sinh ảo, đảm bảo công bằng, công khai chất lượng tuyển sinh.
Vậy nhưng, quyết định trên lại đưa ra quá gấp gáp khiến các trường đều bất ngờ. Bởi cách đây không lâu, Bộ khẳng định chủ trương của kỳ thi năm nay là tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, đặc biệt là không gây mang hoang dư luận. Trước đó, với mục đích giảm "ảo", Bộ còn khuyến khích các trường đại học xét tuyển theo nhóm với rất nhiều kỳ vọng.
Vậy là, với phương thức mới mà Bộ đưa ra, việc xét tuyển theo nhóm chẳng khác nào bị “phá sản”. Một lãnh đạo của nhóm trường tuyển sinh theo nhóm ca thán, “làm gì cũng phải có lộ trình chứ không phải thích là thay đổi vì như thế là gây hoang mang cho thí sinh và làm khó các trường”.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng ở khâu xét tuyển tập trung này là phụ thuộc hoàn toàn vào phần mềm tuyển sinh. Nếu Bộ tự tin làm tốt phần mềm tuyển sinh thì quá thuận lợi nhưng Bộ có làm nổi không, lại là điều khác.
Còn nhớ năm 2015, khi Bộ “độc quyền” công bố điểm thi đã kéo theo hệ quả việc tra cứu điểm thi bị tắc nghẽn, gây căng thẳng lo lắng cho hàng ngàn thí sinh. Vậy còn năm nay, nếu áp dụng xét tuyển chung, liệu phần mềm tuyển sinh có đảm bảo đồng thời cho cả trăm trường.
Chưa kể, phần mềm chung có thoả mãn các điều kiện kèm theo của mỗi trường để đáp ứng yêu cầu xét tuyển. Quan trọng hơn, khi xét tuyển trên hệ thống phần mềm chung, việc xác định thí sinh có trúng tuyển hay không phải dựa vào phần mềm của Bộ, nói khác hơn chính Bộ sẽ xác định điểm chuẩn thay cho các trường.
Đây là vấn đề nên cân nhắc, bởi, đối với các trường mặt bằng điểm chuẩn sẽ khác nhau. Liệu quyền tự chủ của các trường có bị vi phạm? Hàng loạt những câu hỏi đang rất cần được cụ thể hoá bằng những quy định, thông tư, hướng dẫn để thí sinh, các trường có sự chuẩn bị.
Mới đây nhất, Bộ lại lên tiếng giải thích rằng việc xét tuyển chung không mang tính bắt buộc, chỉ là khuyến khích tham gia. Dù là tự nguyện, Bộ cũng nên có những văn bản hướng dẫn cụ thể, chứ đừng để “chết yểu” như việc khuyến khích tuyển sinh theo nhóm như trước đây.
Đối với một kỳ thi quốc gia, quyết định đến tương lai của hàng chục ngàn thí sinh, lại vào thời điểm khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi như thế này, Bộ nên có những cân nhắc thật cẩn trọng trước khi quyết định thay đổi nào đó, dù chỉ là rất nhỏ.
Vẫn như kịch bản cũ, sau khi các trường và dư luận xã hội phản ứng, Bộ lại rút lại phương án trên. Đổi mới trong tuyển sinh là tốt, nhưng xin đừng thay đổi theo kiểu làm rối cho thí sinh, phụ huynh và các trường nữa.