Căn nhà lá của chị Trần Thị Mỹ Lợi ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng phải làm cổng rào bằng bêtông - Ảnh: Lê Dân/TTO
Sống “ảo” với thành tích ảo
Việc người dân xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang sống trong nhà lá nhưng phải “đôn đáo” vay mượn làm cổng nhà bằng bê tông để xã đủ “điều kiện” nông thôn mới, thoạt nghe thì nực cười nhưng lại là chuyện có thật.
Hình ảnh người dân khắc khổ đứng trước căn nhà lá ọp ẹp, kế bên là 2 cột bê tông trơ trọi khiến dư luận xót xa và liên tưởng ngay đến sự việc tương tự hồi năm ngoái. Khi đó, UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh “bắt” cả hộ nghèo, trẻ em tàn tật gồng mình đóng các khoản xây dựng Nông thôn mới. Vậy là, vì “về đích sớm” mà cán bộ địa phương đẩy người dân vào cảnh khó càng thêm khó, làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của một chủ trương lớn.
Còn nhiều lắm những biểu hiện của bệnh thành tích đang bào mòn lòng tin của người dân, làm trì trệ sự phát triển của đất nước.
Dễ thấy nhất là khi báo cáo cả nước có 85% gia đình văn hóa thì mỗi ngày, mỗi giờ, vẫn nhan nhản cảnh tượng phản cảm, lối cư xử yếu kém, tệ hại, thể hiện qua sự xuống cấp trong đạo đức, giao thông hỗn loạn, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội công khai...
Minh họa: Ngọc Diệp/Dân trí
Các trường năm nào ngót nghét 100% học sinh khá, giỏi trong khi đó, theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới vừa công bố thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam gần “đội sổ” châu Á.
Bằng biểu hiện tự tô vẽ, tự “huyễn hoặc”, bệnh thành tích làm thui chột động lực phấn đấu và phát triển của xã hội. Nó dẫn người ta sống trong trạng thái ảo, chơi vơi giữa hư và thực.
Tệ hơn, việc nhìn nhận thực tiễn không khách quan, chắc chắn sẽ đưa đến chiến lược tương lai thiếu thực tế.
Phải trị tận gốc
Nước ta còn nghèo, mặt bằng đời sống chưa cao, cách biệt giàu - nghèo còn lớn. Những “kỳ tích suông” chẳng những không giúp cải thiện đời sống mà còn khiến đôi vai người dân thêm oằn nặng.
Đáng buồn là Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, bộ ngành có chủ trương nói không với bệnh thành tích, ấy vậy mà những việc như kể trên có vẻ chẳng hề suy xuyển. Phải chăng, bệnh thành tích đã ăn quá sâu vào đời sống xã hội và chưa tìm được thuốc đặc trị ?
Phải nói thẳng, bệnh thành tích phản ánh sự thiếu đồng bộ, bất cập trong quản lý, khiến chủ trương hợp lòng dân khi thực hiện lại cho ra kết quả trái ngược. Nó cũng chứng minh sự lỏng lẻo trong kiểm tra, giám sát, khiến những con số dễ dàng “nhảy múa”, lọt hết cửa này đến cửa khác.
Thi đua đạt thành tích chỉ thật sự ý nghĩa khi đó là thực lực của mình, trên cơ sở mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến bộ xã hội.
Do đó, bệnh thành tích phải sớm được chẩn trị tận gốc, làm sao để từng người dân, cán bộ công chức và các bộ ngành, địa phương mỗi khi nêu ra công trạng phải có quyền tự hào vì đó là chuyện thực.