Xe công dư thừa, niềm tin suy giảm

(VOH) - Câu chuyện lãng phí và những sai phạm xung quanh việc sử dụng xe công những ngày qua lại được xới lên, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Đây không phải là chuyện mới, nhưng chưa bao giờ cũ và luôn nhức nhối mỗi khi nhắc đến.

Xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu “vô tư” trẩy hội Yên Tử (Ảnh minh họa: TTO)

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 hồi cuối năm 2015, Quốc hội đã yêu cầu chấn chỉnh tình trạng sử dụng lãng phí xe công, thực hiện chính sách khoán trong sử dụng xe, sử dụng xăng xe… với người có chế độ dùng xe công.

Từ đầu năm nay đến nay, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại toàn bộ số lượng xe công ở từng nơi. Và thực tế, kiểm tra nơi nào, nơi ấy có vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng.

Tại một số cơ quan, ban ngành trung ương như Bộ NN&PTNT, hiện dư thừa đến gần 180 chiếc, hay Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, qua rà soát dư thừa hơn 80 chiếc.

Bộ Công thương qua thẩm định cũng thấy dư gần 60 xe. Đáng nói hơn, dù đang thừa xe so với quy định, nhưng Bộ Công thương vẫn tiếp tục đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu xe so với định mức. Tương tự, ở các địa phương, hầu như kiểm tra, đối chiếu với tỉnh, thành phố nào, Bộ Tài chính cũng phải yêu cầu chấn chỉnh, sắp xếp lại, vì nơi nào cũng dư thừa xe công so với định mức, tiêu chuẩn.

Thực trạng quản lý, mua sắm xe công tràn lan, sử dụng lãng phí như thế, nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý còn quá lỏng lẻo và quá dễ dãi, các hình thức kỷ luật, chế tài hầu như không thấy nói đến. Nếu có chỉ là lưu ý, rút kinh nghiệm, rồi đâu lại vào đấy.

Chính bởi sự lỏng lẻo đó, nên vừa qua mới có chuyện hàng chục cán bộ, công chức Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM trong giờ làm việc  đã kéo đến tư gia của tân Giám đốc Sở để ăn tiệc. Số lượng xe biển xanh lên đến con số 50, xếp hàng dài, mặc cho người dân xung quanh bàn tán, dị nghị.

Chính bởi sự lỏng lẻo đó, mới có chuyện Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, nghiễm nhiên cho rằng, lấy xe tư giá trị hơn 5 tỷ đồng, đeo biển xanh, vô tư đi lại và cho rằng, lẽ ra phải được khuyến khích. Và cũng từ sự dư thừa xe công do quản lý không chặt như vậy, mới có tràn lan chuyện xe công chở vợ con quan chức đi chơi, đi chùa lễ bái, ăn tiệc, về quê giỗ chạp, cho mượn để giao tế… Tiền xăng dầu và bao nhiêu chi phí phát sinh, đương nhiên là ngân sách gánh đủ

Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng 40.000 chiếc xe công và chi phí nuôi số xe công này bình quân 320 triệu một chiếc và lên tới gần 13.000 tỷ đồng/năm. Đó chỉ là ước tính bởi chi phí thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Để tăng được 60 ngàn đồng cho một hệ số lương tối thiểu của công chức mới đây, ngân sách phải chi hơn 11.000 tỷ đồng. Nghĩa là hàng năm, riêng chi phí cho xe công đã nhiều hơn số tiền tăng lương ít ỏi cho cả hệ thống hưởng lương từ ngân sách.

Không phải Nhà nước không quan tâm đến tình trạng xe công, nhất là sự lãng phí và bao nhiêu thứ phát sinh từ chuyện này. Từ hơn 10 năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và ban hành nghị quyết về khoán xe công. Nếu được thực hiện phổ biến và nghiêm túc, ngân sách có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, thậm chí nhiều hơn.

Nhưng việc lạm dụng xe công đã trở thành thói quen, thành đặc quyền đặc lợi nên không mấy ai muốn thay đổi. Và vì thế, Nghị quyết của Quốc hội sau đó không mấy cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Tháng 8/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành quyết định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công. Tuy nhiên, thật lạ là quyết định không được các bộ ngành, địa phương chấp hành nghiêm.

Vậy nên, xe công vẫn dư thừa, chỉ có niềm tin của người dân bị suy giảm. Không suy giảm sao được khi ngân sách của đất nước còn thiếu hụt, nhưng tình trạng mua sắm xe công vô tội vạ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp.

Ở nhiều vùng miền trên cả nước, trường học vẫn thiếu thốn, giường bệnh thì ít ỏi, cầu khỉ, nhà tạm vẫn phổ biến và còn không ít các gia đình chính sách, có công còn sống trong cơ cực và khốn khó trăm bề… Chính vì thế, ở chiều ngược lại, việc dư thừa xe công và lãng phí trong sử dụng xe công, không được dư luận đồng tình là vậy.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, hơn ai hết, các ngành, các cấp của bộ máy nhà nước càng phải nêu gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đã đến lúc cần phải siết chặt việc mua sắm, sử dụng xe công, tăng mức chế tài xử lý kỷ luật, đưa vào tiêu chí đánh giá cán bộ để xử lý nghiêm người vi phạm. Bên cạnh đó, cần áp dụng cơ chế khoa học, phù hợp để quản lý chặt chẽ xe công, giảm chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Xe công dư thừa, niềm tin suy giảm hiện là một thực trạng gây nhức nhối. Rất cần phải giải quyết rốt ráo việc này, mà điều cần làm trước tiên phải bắt đầu từ sự gương mẫu và nghiêm túc của những người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương.