TS, BS Hồ Tấn Thanh Bình (Trưởng khoa hồi sức sức khỏe, BV Nhi đồng TP, huyện Bình Chánh) cho biết, xét về phân loại tuổi thai dành cho trẻ sơ sinh thì nhóm trẻ từ 37 tuần trở lên được gọi là trẻ đủ tháng, trẻ sinh ra trước 37 tuần được xác định là trẻ sinh non, trước 32 tuần là nhóm trẻ sinh rất non và dưới 28 tuần được xếp vào nhóm trẻ sinh cực non.
Trẻ sinh non phải đối diện với những vấn đề nào?
Theo TS, BS Hồ Tấn Thanh Bình do trẻ sinh non được sinh ra khi chưa phát triển đầy đủ nên trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn trẻ sinh đủ tháng. Những nguy cơ trẻ sinh non có thể gặp phải bao gồm:
- Bị mất nhiệt và mất nước.
- Vấn đề về hô hấp: Phổi trẻ sinh non có thể không nở được nên sẽ dễ gặp phải những cơn ngưng thở, sau đó diễn tiến qua bệnh lý phổi mạn tính.
Trẻ sinh non tháng phải đối mặt với nhiều nguy cơ (Nguồn: Internet)
- Chức năng về mặt tim mạch, tiêu hóa không hoàn chỉnh nên trẻ có thể gặp phải những vấn đề như bị sốc, suy tim, tổn thương gan.
- Vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và phát triển thần kinh: Trẻ sinh non có nguy cơ chậm phát triển cả về thể chất lẫn về trí não.
Quy trình chăm sóc em bé sinh non như thế nào?
Sinh non là một trong những vấn đề quan trọng trong y khoa. Việc chăm sóc và điều trị trẻ sinh non cần có một quá trình và ba mẹ phải bắt đầu từ trước khi trẻ được sinh ra, tức là trong quá trình chăm sóc sản khoa và tại phòng sinh cũng như tại nhà.
-
Chăm sóc sản khoa
Khi một thai phụ có dấu hiệu dọa sinh non thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị dưỡng thai. Thai phụ cần cố gắng giữ em bé trong môi trường bụng mẹ càng lâu càng tốt, vì tuổi thai càng lớn thì khả năng trẻ sống sót và phát triển sẽ càng tốt.
Khi người mẹ không thể giữ thai và bắt đầu phải vô chuyển dạ sinh non thì bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và điều trị dự phòng những bệnh tật liên quan sinh non bao gồm 3 vấn đề là:
- Điều trị với Corticosteroid để giúp trưởng thành phổi cho trẻ .
- Điều trị với magie sulfat để giảm di chứng thần kinh của trẻ .
- Điều trị kháng sinh dự phòng những trường hợp nguy cơ để giảm nhiễm trùng sơ sinh sớm cho trẻ.
-
Tại phòng sinh
Sau khi sinh, những em bé sinh non cần được hồi sức trong môi trường có nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm để trẻ được hồi sức tốt nhất.
Tại bệnh viện trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt (Nguồn: Internet)
Trong suốt quá trình nằm viện, ba mẹ hoặc thân nhân phải học cách chấp nhận, cách chăm sóc trẻ sinh non. Trước khi xuất viện cần học thành thạo cách chăm sóc da kề da cho trẻ và biết được các dấu hiệu nặng cũng như những cấp cứu ban đầu cho trẻ trong những trường hợp sặc sữa hoặc ngừng thở, tím tái...
-
Chăm sóc tại nhà
Sau khi trẻ xuất viện, quá trình chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cần phải được chú trọng nhiều hơn. Vì thế cha mẹ cần lưu ý kỹ những điều sau đây khi chăm sóc trẻ sinh non:
3.1 Về môi trường
- Phòng ở của trẻ sinh non cần được đảm bảo sạch sẽ và thông thoáng.
- Nhiệt độ phòng phải phù hợp, tốt nhất là khoảng từ 26 -28 độ C để giúp giữ ấm trẻ.
- Không đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ẩm thấp vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
- Người chăm sóc trẻ sinh non phải thường xuyên rửa tay. Nếu người chăm sóc bị bệnh thì không được tiếp xúc với trẻ .
3.2 Về giữ ấm cho trẻ
- Mặc quần áo cho trẻ đủ ấm.
- Cách tắm cho trẻ sinh non phải phù hợp theo độ tuổi thai. Thời gian tắm nên ngắn để nhiệt độ cơ thể trẻ được ổn định.
3.3 Chăm sóc sức khỏe cho trẻ
Có rất nhiều điều cha mẹ cần nhớ khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà (Nguồn: Internet)
- Cho trẻ bú sữa mẹ, bú ít nhưng nhiều lần.
- Thực hiện chủng ngừa theo hướng dẫn bác sĩ. Thông thường, những đợt chủng ngừa sẽ đi cùng với những đợt tái khám vì thế ba mẹ nên tiêm phòng cho trẻ đầy đủ để trẻ có được miễn dịch chống lại bệnh tật.
- Ngăn ngừa khả năng trẻ có thể xúc với các nguồn lây từ bên ngoài.
Ngoài ra, một số điều ba mẹ cần nhớ để có thể đánh giá theo dõi trẻ sinh non sau khi xuất viện đó là:
- Nhớ các mốc tái khám.
- Theo dõi cân nặng cho trẻ.
- Nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm như trẻ xanh xao, tím tái, có cơn ngừng thở... Nếu thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường phải ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tái khám và đánh giá tình trạng cho trẻ.
Lưu ý: Trẻ sinh thiếu tháng thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng cân và tốc độ lớn của trẻ cũng sẽ chậm hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy đối với trẻ sinh non theo dõi cân nặng là một trong những vấn đề cốt yếu trong điều trị.
Theo bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình ba mẹ có thể theo dõi cân nặng của con qua các mốc như sau:
- Trẻ dưới 32 tuần mỗi ngày cần tăng khoảng 20 gram/ngày.
- Nhóm trẻ từ 33 - 36 tuần sẽ cần tăng khoảng 25 gram/ngày
- Nhóm trẻ trên 36 tuần mỗi ngày tăng khoảng 30 gram .
Như vậy, khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cha mẹ cần lưu ý nhiều hơn bởi cơ thể trẻ còn rất yếu, các cơ quan chưa hoàn thiện hết nên rất dễ có nguy cơ bệnh tật và biến chứng. Nếu có được một chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp trẻ thích nghi và phát triển như trẻ sinh đủ tháng bình thường.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:
Trẻ sinh non có phát triển bình thường không? : Trẻ sinh non được sinh ra khi chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Điều này khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng vì không biết liệu bé có phát triển bình thường được hay không?